Tìm hiểu chiếc máy bay trực thăng do Việt Nam tự chế

16:22, Thứ sáu 15/08/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dù đang phải sống chung với những mảnh đạn trong cơ thể, nhưng người thương binh này vẫn ngày ngày nghiên cứu và đã tự tạo ra 2 chiếc máy bay.

Để sản xuất ra một chiếc máy bay có khả năng nâng bổng lên khỏi mặt đất là điều không hề đơn giản, kể cả đối với một quốc gia có nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Thế nhưng, một người cựu chiến binh Việt Nam đã chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng mini có thể bay được. Sự việc đáng kinh ngạc này đã khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài.

Người thương binh và niềm đam mê chế tạo máy bay

Nhân vật này chính là ông Nguyễn Bùi Hiển (60 tuổi), ngụ tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Còn nơi ông nghiên cứu và chế tạo máy bay là garage Bùi Hiển ở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Theo ông Hiển, garage này được ông mở từ năm 1990, về sau giao lại cho 2 người con trai quản lý, còn ông tập trung theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu, chế tạo máy bay.

Được biết, 2 người con của ông Hiển đều đã tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, một người học chuyên ngành Động lực - Ô tô, một người học Cơ - Tự động. Tuy nhiên, việc chế tạo máy bay chủ yếu do ông làm bởi máy bay là một lĩnh vực hoàn toàn khác lạ so với ô tô, ca-nô,…

công nghệ

Ông Bùi Hiển bên chiếc máy bay tự chế đầu tiên của mình.

Ông Hiển được chứng nhận là một thương binh. Ông từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch biên giới Tây Nam,… Trên cơ thể ông còn có những mảnh đạn trong hốc mắt và nhiều bộ phận khác nhưng chưa được lấy ra. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không phải là khó khăn ngăn cản “máu” chế tạo máy bay trong ông. Thậm chí, trong quá trình gò, hàn, phay, tiện, tay ông còn bị bỏng khá nặng, nhưng ông vẫn rất lạc quan: “Da tôi tốt lắm, bị vậy chứ vài hôm là lành ngay”.

Ông Hiển là một người hòa đồng, dễ gần và rất thân thiện. Khi nói về máy bay, ông có thể ngồi cả ngày chỉ cần người nghe muốn nghe và tìm hiểu. Ông sẵn sàng chia sẻ từ những điều cơ bản nhất của việc sản xuất máy bay cho tới các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu.

Ông bắt đầu nghiên cứu về máy bay từ năm 2009. Sau 3 năm tìm tòi và học hỏi, ông đã thành công bước đầu với chiếc máy bay đầu tiên mang thương hiệu “Bùi Hiển”. Trong 3 năm đó, ông vừa tìm hiểu, vừa bắt tay vào thực hiện. Cuối cùng, tới năm 2012, ông đã có sản phẩm hoàn chỉnh, đó là một chiếc máy bay sử dụng cánh đồng trục, có thể bay lên khỏi mặt đất ở khoảng cách hơn 1m.

công nghệ

Ông Hiển cho PV xem những mô hình máy bay do ông sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, ông Hiển tiếp tục dành thời gian nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay thứ hai. Theo ông, đây sẽ là một chiếc máy bay đạt chuẩn quốc tế, được thực hiện từ những kinh nghiệm mà ông đúc kết trong 3 năm sản xuất chiếc máy bay đầu tiên. Tất nhiên, kinh nghiệm đã giúp ông hoàn thành sản phẩm này chỉ trong 1,5 năm - ngắn hơn một nửa so với sản phẩm đầu tay.

Nếu như chiếc máy bay đầu tiên rất nhẹ - chỉ 250kg, sử dụng động cơ ô tô 106 ngựa, có khả năng chở thêm 100kg, thì “đứa con” thứ hai của ông nặng 340kg, sử dụng động cơ 171 ngựa, tiêu tốn khoảng 15 lít nhiên liệu mỗi giờ. Chiếc máy bay mới cũng có sải cánh dài hơn. Thay vì sử dụng 2 cánh đồng trục như sản phẩm trước, ông sử dụng thêm cánh đuôi có chức năng thay đổi hướng bay.

Nói về động cơ sử dụng trong máy bay, ông chia sẻ: “Trước kia có nhiều người làm máy bay với động cơ chỉ hai mươi mấy ngựa, như vậy thì làm sao mà bay được. Tôi từng dùng động cơ ô tô nhưng nó mau nóng quá! Bây giờ tôi sử dụng động cơ chuyên dành cho máy bay, đảm bảo muốn bay tới đâu cũng được”. Động cơ được ông Hiển sử dụng trong máy bay thứ 2 có khả năng quay 6.500 vòng/phút, nhưng ông phải thiết kế với tỉ số sao cho còn 500 vòng/phút khi truyền động tới rotor ở cánh máy bay, thông qua 6 sợi dây cua-roa.

công nghệ

Một số dụng cụ được ông Hiển dùng chế tạo máy bay.

"Làm máy bay cực kỳ khó"

Cũng theo ông Hiển, làm máy bay là cực kỳ khó. “Đã có nhiều người thử chế tạo máy bay nhưng chưa ai ở Việt Nam có thể tạo được một chiếc máy bay hoàn chỉnh. Thậm chí, có một vị viện trưởng trong lĩnh vực hàng không ngoài Hà Nội từng dành 10 năm làm máy bay, tiêu tốn hàng tỉ đồng, nhưng cuối cùng vẫn không thể bay lên được. Ông ấy đã tới đây xem chiếc máy bay này và lắc đầu nói: 'Tôi không dám làm’”, ông Hiển kể lại.

Khoe những bí kíp của mình, ông đưa ra hàng loạt tài liệu tiếng Anh lẫn tiếng Việt, trong đó có nhiều bản viết tay do ông tự dịch từ các tài liệu nước ngoài. Chia sẻ khó khăn trong việc tìm tài liệu, ông nói: “Tài liệu này ở Việt Nam không có nhiều nên hầu hết tôi phải tự tìm trên mạng và dịch sang tiếng Việt. Khó khăn nhất là một số tài liệu không thể tải về, thay vào đó phải nhấn tạm dừng trên màn hình và dùng máy ảnh chụp lại. Như vậy mới có được các công thức để tính chứ đâu có nghĩ đơn giản được”.

công nghệ

Ông Hiển đang mô tả cách hạ cánh của chiếc máy bay tự chế.

Trong các tài liệu này, ông Hiển chỉ vào bản phác thảo cánh máy bay, đó là một trong những thành phần ông tâm đắc nhất. Ông giải thích: “Cánh của nó được làm từ những ống thép và hộp thép ghép lại, rồi bọc i-nox nên tạo thành hình giọt nước. Nhưng phải tính toán nhiều lắm chứ không đơn giản đâu!”.

Ông Hiển cho biết thêm, đúng nguyên tắc thì các khoảng trống phải được lắp đầy nhưng ông sợ ảnh hướng tới sự cân bằng trọng lượng của 2 bên cánh, và việc đó cũng không thật sự cần thiết nên ông không làm, đây cũng là một cách giúp giảm trọng lượng cho toàn bộ máy bay. Ông nhấn mạnh: “Khi mình làm, trọng lượng của 2 cánh phải tuyệt đối bằng nhau. Chỉ cần sai lệch vài gram thôi thì nó sẽ sẽ lắc, không bay được”.

Dù vậy, ông Hiển vẫn khẳng định rằng, mọi thứ đều quan trọng. “Chẳng có gì là phụ cả! Một chiếc máy bay chuẩn phải đồng bộ tất cả mọi thứ sao cho trọng tâm dồn vào đúng rotor. Không đạt được điều này thì đừng mơ bay lên. Như các trực thăng muốn kéo người, thả hàng,… đều phải móc dây ngay trục này”.

Năm nay, ông Hiển đã về hưu nên sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc nghiên cứu máy bay. Ông hy vọng, trong tương lai, các sản phẩm của mình sẽ ngày càng hoàn thiện và được ứng dụng trong các lĩnh vực nông - lâm - công nghiệp, thậm chí là quân sự.

Việc ông Hiển tự chế tạo từng linh kiện rồi lắp ghép, tạo nên chiếc máy bay đã khiến không ít người ngỡ ngàng. Ông đã tự tay chế tác từng linh kiện (trừ động cơ) vì những linh kiện đó không thể nhập từ nước ngoài về.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Nguyễn Trà Mi
TIN MỚI CẬP NHẬT