Tình bạn vượt khoảng cách và ngôn ngữ của bà Tây

06:06, Thứ hai 09/07/2012

( PHUNUTODAY ) - “Tất cả những gì bé muốn là ngồi trong lòng tôi. Chúng tôi cứ ngồi như thế hàng giờ liền và tôi thậm chí chẳng nỡ rời đi. Từ khoảnh khắc ấy, tôi đã yêu thương bé tha thiết và đến tận bây giờ vẫn vậy”, Brenda kể lại.

Đã ở cái tuổi ngoài 70 nhưng năm nào người phụ nữ ấy cũng lặn lội từ tận nước Anh xa xôi sang Việt Nam, dành trọn 3 tháng trời lang thang khắp mảnh đất Sài Gòn nóng như đổ lửa, chỉ để mang đến 1 chút an ủi và niềm vui cho người bạn nhỏ của mình.
[links()]
Bà Brenda Smith không biết Tiếng Việt, cậu bé Minh Anh cũng chẳng thể nói tiếng Anh, nhưng suốt 15 năm qua, họ vẫn giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt, ngôn ngữ của tình yêu thương.

Câu chuyện về tình bạn cảm động ấy thậm chí còn được kênh truyền hình Channel 5 danh tiếng dựng thành bộ phim tài liệu “Cậu bé họ gọi tên là Cá”.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Năm nào bà Brenda Smith cũng sang Việt Nam 3 tháng để chăm sóc người bạn nhỏ của mình.
Năm nào bà Brenda Smith cũng sang Việt Nam 3 tháng để chăm sóc người bạn nhỏ của mình.

Brenda Smith là 1 phụ nữ rất đỗi bình thường ở thị trấn Benfleet, hạt Essex, nước Anh. Có tấm lòng hiền hậu và trái tim khao khát thương yêu, nhưng không may bà phải chịu cảnh góa bụa từ khá sớm.

Sau này, bà gặp gỡ, yêu thương rồi kết hôn với người chồng thứ hai, ông Barry, một người đàn ông có tấm lòng hào hiệp hiếm thấy. Cuộc đời của ông dường như chỉ hết lòng cống hiến cho 1 sự nghiệp duy nhất, ấy là làm từ thiện. Cùng nhau, họ đã tham gia vào không biết bao nhiêu hoạt động tình nguyện, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi.

Brenda đem lòng yêu mến xứ sở nhiệt đới bé nhỏ có cái tên Việt Nam từ năm 1995, khi vợ chồng bà lần đầu đặt chân đến đây để tham gia vào một phong trào đạp xe làm từ thiện xuyên đất nước.

Suốt dọc hành trình đó, họ đã gặp nhiều, rất nhiều trẻ em đáng thương, sống cuộc đời thoi thóp với những dị tật bẩm sinh về thể xác lẫn trí tuệ, bởi ảnh hưởng của thứ Chất Độc Màu Da Cam mà chiến tranh tàn khốc đã để lại trên mảnh đất này.

Những điều mắt thấy, tai nghe ấy khiến trái tim Barry và Brenda thắt lại. Họ hẹn nhau nhất định phải cùng quay trở lại Việt Nam để làm điều gì đó cho những kiếp người bất hạnh này.

Bà Brenda Smith dù tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều nhưng hàng năm bà đều trở lại Việt Nam thăm người ban nhỏ của mình.
Bà Brenda Smith dù tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều nhưng hàng năm bà đều trở lại Việt Nam thăm người bạn nhỏ.

Về Anh Quốc, họ ấp ủ bao nhiêu dự định cho chuyến đi tiếp theo may, có ngờ đâu chỉ sau đó ít lâu, ông Barry đột ngột qua đời vì lên cơn trụy tim, ngay trong lúc đang tham gia vào 1 cuộc thi bơi để quyên góp tiền ủng hộ.

Làm sao có thể diễn tả hết nỗi đau của người đàn bà 2 lần rơi vào cảnh góa bụa, 2 lần tận mắt chứng kiến người đàn ông của mình bị tử thần cướp đi mà chẳng thế làm gì để níu giữ. Nhưng Brenda Smith là 1 phụ nữ mạnh mẽ phi thường và kiên cường hiếm thấy.

Con cái đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, bà nhất quyết không để cuộc đời mình chìm trong cô đơn, đau khổ mà chọn cách tiếp tục đi trên con đường người chồng thân yêu còn bỏ dở. Việc đầu tiên mà Brenda làm là trở lại Việt Nam để thực hiện lời hứa năm nào.

Brenda gặp người bạn bé nhỏ của mình trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Hôm ấy, bà đến thăm làng trẻ em Hòa Bình, trung tâm bảo trợ, chăm sóc những đứa trẻ tàn tật và bị bỏ rơi. Tại đây, lần đầu tiên bà nhìn thấy một đứa trẻ ở trong tình cảnh khủng khiếp đến thế.

“Mỗi lần chia tay, Minh Anh đều nói nó rất yêu tôi, và hiểu rằng tôi phải về nhà. Nhưng thằng bé sẽ luôn đợi tôi”, Brenda nghẹn ngào chia sẻ.
“Mỗi lần chia tay, Minh Anh đều nói nó rất yêu tôi, và hiểu rằng tôi phải về nhà. Nhưng thằng bé sẽ luôn đợi tôi”, Brenda nghẹn ngào chia sẻ.

Cậu bé khi ấy mới 3 tuổi, bị mắc chứng bệnh về da do di truyền, rất hiếm gặp và vô phương cứu chữa, khiến cho toàn thân thể như phủ 1 lớp vảy sần sùi, bì bì, gây ngứa ngáy, khó chịu. Chính vì thế mà cái tên Minh Anh dường như hoàn toàn bị quên lãng, những người xung quanh đều gọi em là “Cá”.

Trí tuệ của bé cũng không thể phát triển bình thường, cho nên họ không còn cách nào khác là trói chặt cả 4 chân tay em vào giường từ sáng đến đêm để ngăn không cho em tự gãi hay cào cấu, làm tổn thương thân thể mình.

Cảnh tượng ấy trở thành nỗi ám ảnh với Brenda. Có thứ gì đó uất nghẹn, nặng nề thôi thúc bên trong tâm hồn, bóp nghẹt trái tim nhân từ của người phụ nữ hiền hậu. Bà biết mình phải làm gì đó để thay đổi, dù chỉ một chút thôi, cuộc đời của đứa trẻ bất hạnh này.

Đó là lúc Brenda bắt đầu “cuộc đấu tranh” không mệt mỏi để chống lại lời nguyền tàn khốc mà số phận đã lạnh lùng trút lên cậu bé xa lạ.

15 năm không mệt mỏi

Đầu tiên, Brenda thuyết phục các bác sĩ cởi trói cho Minh Anh. Việc này đương nhiên là rất khó khăn bởi từ trước đến nay đây là cách duy nhất có thể bảo đảm an toàn cho cậu bé.

Brenda không bỏ cuộc, bà gặp từ người phụ trách cho đên giám đốc của trung tâm bảo trợ, lần lượt thuyết phục họ và cam đoan sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu có bất kì chuyện gì xảy ra.

Sự kiên trì của Brenda cuối cùng cũng khiến họ cảm động và Cá được cởi trói, được rời khỏi giường để đi lại loanh quanh trong phòng. Lần đầu tiên người phụ nữ Anh Quốc ôm cậu bé ốm yếu trong lòng, một cảm giác thật kỳ lạ xâm chiếm lấy toàn bộ trái tim bà, giống như những lỗ hổng trong tâm hồn bỗng chốc được lấp đầy.

Câu chuyện về tình bạn cảm động giữa 2 con người xa lạ ấy đã được dựng thành bộ phim tài liệu “Cậu bé họ gọi tên là Cá”.
Câu chuyện về tình bạn cảm động giữa 2 con người xa lạ ấy đã được dựng thành bộ phim tài liệu “Cậu bé họ gọi tên là Cá”.

Đứa trẻ hoàn toàn thoải mái trong vòng tay Brenda, và ngước đôi mắt lên nhìn bà, rụt rè nhưng đầy tin cậy. “Tất cả những gì thằng bé muốn là ngồi trong lòng tôi. Chúng tôi cứ ngồi như thế hàng giờ liền và tôi thậm chí chẳng nỡ rời đi. Từ khoảnh khắc ấy, tôi đã lập tức yêu thương bé tha thiết và đến tận bây giờ vẫn vậy”, Brenda kể lại.

Hai con người, một già một trẻ, đến từ hai lục địa xa lắc xa lơ, cả tuổi tác, số phận lẫn hoàn cảnh sống đều quá khác biệt, nhưng lạ lùng thay lại tìm được sự đồng cảm và niềm an ủi ở nhau. Giữa họ hình thành một thứ tình bạn đặc biệt.

Quãng thời gian sau đó có lẽ là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời cậu bé Cá. Bà Brenda mượn được chiếc xe máy của 1 người bạn Việt Nam, và cứ thế chở cậu nhóc đi chơi khắp Sài Gòn.

Cái thế giới rộng lớn và mới lạ mở ra trước mắt khiến em quá ngạc nhiên và thích thú đến mức quên cả việc …gãi. Brenda đối xử với cậu bé xa lạ như thể chính con ruột của mình.

Bà mua cho em quần áo mới và thật nhiều đồ chơi đẹp đẽ. Bà chăm cho em đến cả từng miếng ăn, giấc ngủ, để em đủ sức khỏe cho những chuyến “phiêu lưu” quanh thành phố. Minh Anh thích nhất là được vào siêu thị, chỉ đơn giản là vì ở đó có máy điều hòa nhiệt độ.

Không khí mát mẻ, khô ráo xoa dịu làn da của em, khiến em bớt cảm giác ngứa ngáy, đau rát và được dễ chịu hơn phần nào. Ở bên Brenda, lúc nào bé Cá cũng rất ngoan ngoãn, nghe lời. Bà vui mừng nhận ra rằng mình đang làm đúng.

“Tất cả những gì bé cần là 1 người luôn ở bên, quan tâm chăm sóc”, Brenda nói. Bà càng xót xa hơn khi sau mỗi buổi đi chơi trở về đến nhà, Cá lại tự giác leo lên giường, buộc tay chân mình lại bởi vì em đã quen với việc sẽ bị trói khi không có Brenda bên cạnh. Vì thế mà bà càng cảm thấy không đành lòng rời xa cậu bé đáng thương.

Thời gian thấm thoát trôi qua, Brenda đã ở lại Sài Gòn nhiều tháng ròng rã và ngày nào cũng dành thời gian chăm sóc, chơi đùa với Minh Anh. Thế nhưng dù có lưu luyến đến thế nào, cũng đến lúc bà phải trở về nhà.

Chỉ có điều, kể cả khi đã trở lại nếp sống thường nhật trong căn nhà tiện nghi ở Anh Quốc, lúc nào Brenda cũng cảm thấy thấp thỏm không yên. Thậm chí chính 2 người con ruột của mình cũng nghi đầu óc mẹ có … vấn đề khi quá gắn bó với đứa trẻ xa lạ.

Họ trách móc bà rằng “Sao mẹ cứ mất thời gian lo lắng cho 1 thằng bé ở cách xa hàng ngàn dặm thế?”. Nhưng Brenda bỏ ngoài tai tất cả, bà chỉ quan tâm đến điều trái tim mình mách bảo.

Người phụ nữ gần 80 tuổi, đã lên chức cụ đó, còn quay lại Việt Nam, không phải 1 lần mà đến 15 lần, trong suốt 15 năm, từ ngày đầu tiên bà gặp gỡ cậu bé Cá gầy khẳng gầy khiu cho đến tận bây giờ khi em đã 18 tuổi.

Mỗi năm bà đều ở lại Sài Gòn 3 tháng, dành toàn bộ thời gian để đưa người bạn nhỏ đi chơi đây đó, tranh thủ dạy Cá vài điều về cuộc sống bên ngoài và bù đắp cho em phần nào những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần.

Người phụ nữ tóc trắng như mây ấy đã trở thành ánh sáng ấm áp, niềm vui duy nhất trong cuộc đời bất hạnh của cậu bé mồ côi, ngược lại chính em cũng khiến bà cảm thấy những năm tháng tuổi già của mình thật có ý nghĩa.

“Mỗi lần chia tay, Minh Anh đều nói nó rất yêu tôi, và hiểu rằng tôi phải về nhà. Nhưng thằng bé sẽ luôn đợi tôi”, Brenda nghẹn ngào chia sẻ.

Trở về Anh Quốc không có nghĩa là hoàn toàn quên mất Minh Anh. Khi còn trẻ, Brenda là 1 thư ký và dĩ nhiên chẳng hề có chuyên môn về các vấn đề liên quan đến y tế thế nhưng bà vẫn nỗ lực tìm kiếm 1 phương pháp chữa trị cho căn bệnh của cậu bé.

Hơn ai hết, bà ý thức được rằng khi mình quá già để có thể bay sang tận Việt Nam thăm người bạn nhỏ thì cậu bé sẽ lại thui thủi 1 mình trên cõi đời như 15 năm về trước.

Thời gian của Brenda không còn nhiều, nhưng ngày nào còn sức lực thì bà còn cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ, ít nhất nếu không thể hoàn toàn chữa khỏi được căn bệnh quái ác của Minh Anh thì cũng khiến cho thêm nhiều người trên thế giới này biết và quan tâm đến em hơn nữa.

Câu chuyện về tình bạn cảm động giữa 2 con người xa lạ ấy đã được dựng thành bộ phim tài liệu “Cậu bé họ gọi tên là Cá”.

  • Thùy Linh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc