Tình báo Nhật tại Việt Nam trong Đệ nhị thế chiến

( PHUNUTODAY ) - Không quân, Kempeitai còn có chức năng thu thập tin tình báo chiến lược chính trị, tình báo chiến thuật quân sự và điệp vụ quốc tế

(Phunutoday) - Từ năm 1881, khi chuẩn bị bành trướng thế lực “mặt trời mọc khắp địa cầu”, đế quốc Nhật đã thành lập lực lượng hiến binh gọi là Kempeitai. Đó là một lực lượng chịu sự chỉ huy của 3 cơ quan: Quân đội đế quốc, An ninh quốc gia và Tư pháp quốc gia Nhật Bản. Ngoài nhiệm vụ giám sát nội bộ lực lượng Hải - Lục - Không quân, Kempeitai còn có chức năng thu thập tin tình báo chiến lược chính trị, tình báo chiến thuật quân sự và điệp vụ quốc tế. Với nhiệm vụ, chức năng như vậy, Kempeitai có quyền hạn rất rộng và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Hắc Long đảng

Thời điểm này cho đến năm 1945, đế quốc Nhật Bản chỉ có 2 lực lượng quân đội gồm Lục quân đế quốc và Hải quân đế quốc. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, cả hai quân chủng này bị quân đồng minh giải tán, vì vậy, Kempeitai cũng tan rã. Một bộ phận chuyển hóa trạng thái thành vài đơn vị hoạt động bó hẹp phạm vi hơn.

Sau khi cuộc chiến Pháp - Nga (1883-1885) kết thúc, Kempeitai thành lập một đơn vị điệp báo chiến lược chính trị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ biên cương nhưng sau đó được mở rộng phạm vi hoạt động để phục vụ ý đồ thống trị thế giới. Đơn vị điệp báo chiến lược này nấp dưới tên gọi đảng Hắc Long.

Có lẽ, lúc đầu Nhật lập đơn vị điệp báo này chỉ để canh chừng hai nước lớn Nga và Trung Quốc nên lấy phiên hiệu là tên con sông Hắc Long. Đó là một con sông biên giới giữa Trung Hoa và Nga. Ban đầu Hắc Long chỉ có khoảng 200 thành viên. Về sau, đảng này lên đến hơn 10.000 thành viên. Chiến công đầu của lực lượng Hắc Long là hoàn thành nhiệm vụ tình báo quân sự trong cuộc chiến biên giới Nhật - Nga (1904-1905) đã khẳng định vai trò quan trọng của Hắc Long đối với chính phủ Nhật.

Sau đó, Hắc Long được tăng cường các biện pháp tổ chức để phát triển mạnh tại Trung Hoa. Nhiều tài liệu lịch sử khẳng định: Hắc Long trở thành một đảng phái lớn nhất tại Trung Hoa (thời kỳ đó).
Người lãnh đạo Hắc Long thời kỳ phôi thai là Kotaro Hirakao.

Tại Trung Hoa, Hắc Long khởi hoạt tại 3 địa phương gồm: Phúc Châu, Chí Phủ và Thượng Hải trong vai trò các nhân viên Lãnh sự, giáo viên dạy tiếng Nhật, thợ sửa đồng hồ hoặc các tiệm chụp ảnh. Sau đó, một bộ phận xâm nhập vào tầng lớp dưới trong giới giang hồ.

Điểm lợi hại của Hắc Long là sử dụng chính người bản xứ làm thành viên. Vào thời điểm 1905, Hắc Long có hơn 100 ngàn thành viên. Do sử dụng tầng lớp giang hồ, phương thức hoạt động kiểu hành hiệp kiếm khách nên nguồn ngân sách chi cho lực lượng này không đáng kể. Hầu hết, những chi phí hoạt động của Hắc Long đều do các thành viên tự đóng góp.

Chỉ một thời gian ngắn, Hắc Long có mặt khắp nơi trong xã hội

Trung Hoa. Vào những năm của thập niên 30 thế kỷ 20, người được coi là đảng trưởng Hắc Long tại Trung Hoa là Toyo. Để tránh tai mắt của chính quyền nhà Thanh, Toyo vào vai một nhà sư, quanh năm tu thiền tại một gia trang trồng đầy hoa hồng gai. Gia trang này có tên gọi là Trương Gia Viên.

Sở hữu một gương mặt nhân từ của thánh nhân, một bộ râu bạc như cước, Toyo khiến mọi người đối diện không thể ngờ, ông ta chính là một sát thủ máu lạnh thường xuyên ra lệnh giết người tàn bạo hàng loạt và chỉ đạo những hoạt động điệp vụ tuyệt mật phục vụ cho kế hoạch bành trướng phát xít Nhật.

Cũng cần phải nhắc rằng, sau cuộc chiến tranh Nisshin Senso, tức cuộc chiến Nhật - Thanh (Trung Hoa) năm 1894, Nhật Bản đã có ý đồ xâm lược các nước lân bang qua việc xây dựng nhiều tổ chức mang tên Toyo Gaku, (tức hội “Nghiên cứu Đông phương”), To A Dobunkai (Tức hội “Nghiên cứu Á Đông”, Mantetsư Chosabu (tức nhóm “Nghiên cứu Trung Hoa”).

 Tất cả những nhóm nghiên cứu này đều phục vụ cho các hoạt động điệp báo trong chiến lược xâm lăng của Nhật, trong đó có Hắc Long. Chính nhờ những nghiên cứu này, Hắc Long đã nhanh chóng “đồng hóa” những người bản xứ thành những điệp viên không công cho Nhật trong vai “thành viên”.

Sau này, hầu như trước khi quân đội tiến đến vùng lãnh thổ nào thì nơi đó đã có sẵn hoạt đông của Hắc Long.

Trở lại thời điểm thập niên 30 của thế kỷ 20. Lúc này, các hoạt động tình báo của Nhật đã thao túng trọn vẹn xã hội Trung Hoa, Nhật bắt đầu quan tâm đến phía Nam Trung Hoa. Một kế hoạch Nanshin được soạn thảo. Phía Nam Trung Hoa là một vùng đất phì nhiêu có thể trở thành một kho tàng tiếp tế thực phẩm và nhiên liệu cho đội quân khổng lồ của Nhật. Kế hoạch Nanshin là màn dạo đầu của kế hoạch tràn xuống Nam Trung Hoa của quân đội Nhật.
Đại diện băng đảng Hắc Long hội kiến với sĩ quan Việt - Pháp tại Đà Nẵng.
Đại diện băng đảng Hắc Long hội kiến với sĩ quan Việt - Pháp tại Đà Nẵng.

Thừa kế một phần nghiên cứu của To A Kenkyujo (Đông Á), nghiên cứu Nanshin tập trung khai thác đặc tính dân cư bản địa và văn hóa bản địa được các thành viên Hắc Long thực hiện.

Các thành viên Hắc Long gốc Hoa được lãnh tụ yêu cầu tiến về phía Nam bằng nhiều phương tiện. Họ theo chân các đoàn Sơn Đông mãi võ, các nhóm người gánh thuốc tễ rong ruổi khắp các thành thị, làng quê của 3 nước Đông Dương Việt - Miên - Lào để thu thập các dữ liệu báo cáo về Trung tâm nghiên cứu Nanchin ở Đông Kinh.

Một kho hồ sơ về Việt Nam được mở ra mang tên Futsuryo

Indoshina (vùng đất Đông Dương thuộc Pháp). Hồ sơ này đánh dấu từng chi tiết về tài nguyên, kinh tế, chính trị, xã hội từ giai cấp thống trị phong kiến, thực dân cho đến đời sống bình dị của người dân, phong tục tập quán và tín ngưỡng. Đặc biệt, có một hồ sơ đánh giá: “Người Annam rất mê tín dị đoan. Đó là một xã hội nảy sinh nhiều loại tín ngưỡng tôn giáo riêng của địa phương. Nhiều lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp sử dụng tôn giáo để qui tụ quần chúng. Địa phương này rất cần Nhật Bản giúp đỡ họ thoát khỏi sự cai trị thực dân của Pháp”. Có lẽ thời đểm này, phong trào Cần Vương, Duy Tân đã được các tài liệu này đánh dấu.

Và cũng có lẽ, đó là lý do Nhật Bản giúp đỡ Cường Để, vị vua lưu vong tá túc tại Nhật.

Từ kế hoạch Nanshin, một tổ chức khác được các chỉ huy tình báo tối cao Nhật lập ra. Đó là “Tonan Ajia Kenkyu Centa” ( tức Trung tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á). Trung tâm này đã lập ra cái gọi là triết thuyết Daito A Kyoeiken, tức “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á”.

Mật vụ Kempeitai tại Việt Nam

Sau khi hoàn tất mọi kế hoạch, tình báo Nhật bắt đầu cho các đơn vị Hắc Long tuyên truyền thuyết Đại Đông Á, “Đông Á của người Á Đông”, “Việt Nam độc lập trong khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Song song với lực lượng Hắc Long, một số đặc vụ cũng được tung vào Việt Nam bắt liên lạc với các phe nhóm chính trị.

Để người Việt Nam không nhận ra những chiêu thức chính trị đó, Nhật đã mượn nhân vật Kỳ ngoại hầu Cường Để đang tá túc chính trị tại Tokyo.

Trong hồ sơ tình báo từ năm 1931 đến năm 1932 của Kempeitai mang tiêu đề “Zai-Shi Chôsenjin oyobi zaihonpô Annanjin ni kansuru Nichi Futsu jôhô kôkan kankei ikken” (hồ sơ trao đổi tin tình báo giữa Nhật và Pháp về người Triều Tiên ở Trung Hoa và người An Nam ở Nhật Bản) cho thấy Nhật đã nuôi dưỡng Cường Để như một lá bài chính trị cho cuộc xâm lược quân sự Đông Dương năm 1940. Có nghĩa là, Nhật đã chuẩn bị cuộc viễn chinh Đông Dương từ 10 năm trước.

Cường Để tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dân, sinh tại Thành nội Huế vào ngày 28/2/1882, cháu trực hệ 5 đời của Đông cung Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng vua Gia Long. Cha ông là Nguyễn Phúc Tăng Nhu, tước hiệu Hàm Hòa Hương Công.

Sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt lưu đày, Phan Đình Phùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Vụ Quang để tiếp tục phong trào Cần Vương. Năm 1894, Phan Đình phùng cho người vào Huế mời Tăng Nhu vào căn cứ kháng chiến thay mặt vua Hàm Nghi kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Vì tuổi cao, Tăng Nhu trao quyền cho con trai là Hồng Dân thay mình.

Trên đường về căn cứ Cần Vương, người dẫn đường bị bệnh chết. Hồng Dân bị lạc giữa đường đành trở về quê nhà. Lãnh tụ Phan Đình Phùng đứt liên lạc với Hồng Dân. Năm sau, cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Vụ Quang bị Ngô Đình Khả và Nguyễn Thân trấn áp thảm khốc. Kết thúc cuộc trấn áp, Ngô Đình Khả lấy điểm với Pháp bằng cách cho binh sỹ quật mồ Phan Đình Phùng cho vào cối giã nhuyễn thành bột rồi nhồi vào thuốc súng bắn vãi ra sông Lam.

Năm 1904, Hồng Dân lại được Phan Bội Châu mời làm Hội trưởng phong trào Duy Tân. Hồng Dân lấy hiệu là Cường Để. Cũng trong năm này, Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Khả - hai Thượng thư của triều đình tuân lời Pháp mưu toan phế Vua Thành Thái. Lúc đó, Nguyễn Hữu Bài đã đề nghị Pháp dùng Cường Để thay Thành Thái. Đến 4 năm sau (1907) Pháp mới chuẩn y việc phế Thành Thái. Khi đó, Cường Để đã sang Nhật cư trú.
1
Hoàng tử Asakanomiya Yasuhiko người chỉ huy quân sự tối cao của Nhật tại chiến trường Trung Hoa và Đông Dương.

Năm 1935, với vai trò Chủ tịch Đảng Việt Nam Phục quốc hội, Cường Để được cơ quan tình báo Nhật hứa giúp đỡ. Lúc này Cường Để có tên Nhật là Minami (khi ở Trung Hoa, ông lấy tên là Lý Cảnh Thành, Lâm Thuận Đức). Nhận được lời hứa của tình báo Nhật, Cường Để cho người về Việt Nam bắt liên lạc với các lực lượng quần chúng.

Thời gian này, một số tôn giáo mới ở miền Nam Việt Nam được sáng lập như tôn giáo Cao Đài (năm 1927), tôn giáo Hòa Hảo (năm 1939) và Tịnh Độ cư sỹ…

Tại Sài Gòn, năm 1936, một đặc vụ Kempeitai tên Yamaguchi rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hoa vào vai sinh viên người Nhật nghiên cứu sử học triều Nguyễn Việt Nam. Yamaguchi lân la làm quen với rất nhiều giáo sư khoa học, chính khách Việt để tuyên truyền về thuyết Đại Đông Á và đề cao vai trò của Nhật trong các phong trào giúp đỡ người Việt chống Pháp.

Yamaguchi không dấu giếm mình là thành viên của đảng Hắc Long, đã từng giúp Tôn Dật Tiên lật đổ chế độ Mãn Thanh. Yamaguchi đã đi gần khắp miền Nam để liên lạc với từng phe nhóm chính trị và các đảng phái. Chính Yamaguchi đã tìm gặp Phạm Công Tắc tại một dãy phố 6 căn ở Sài Gòn. Và cũng chính Yamaguchi đã đến tận làng Hòa Hảo tìm gặp thầy lang Huỳnh Phú Sổ (thời điểm này, đạo Hòa Hảo chưa thành lập). Yamaguchi là một trong số những đặc vụ của chi nhánh Kempeitai tại Trung Quốc.

Cho đến năm 1939, Nhật mới hoàn chỉnh hệ thống tình báo chuyên trách khu vực Trung Quốc gọi là “Trung tâm phái khiển Trung Quốc” gồm 5 bộ phận: Mai, Trúc, Lan, Cúc, Tùng.

 Bộ phận tình báo Mai có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của chính phủ Trung Quốc. Bộ phận tình báo Trúc chuyên lo phần thuyết giáo. Bộ phận tình báo Lan chuyên đảm nhiệm phần theo dõi công tác của các tướng lĩnh khu vực Tây Nam. Bộ phận tình báo Cúc đặc trách theo dõi hoạt động của tỉnh Phúc Kiến và công tác Hoa kiều. Bộ phận tình báo Tùng chịu trách nhiệm quan sát, theo dõi tiến trình Nam tiến xuống 3 nước Đông Dương.

Một nhân vật của Hắc Long là Watanabe đến Việt Nam mở một loạt các trường dạy tiếng Nhật miễn phí.

Lực lượng nội ứng

Một tài liệu “Đạo sự Cao Đài” cho biết, vào năm 1927,  Phạm Công Tắc (sau là Hộ pháp Cao Đài, tạm hiểu là giáo chủ Cao Đài) đã đến một dãy phố 8 căn gọi là phố Lăng Cô trong một con hẻm của đường Ohier, Sài Gòn. Trong dãy phố đó có nhà của 3 ông: Cao Đức Trọng, Trần Quang Vinh và Đặng Trung Chữ để “cầu cơ bút”.

Cơ quan tình báo Kempeitei Nhật ghi nhận đó là cuộc hội kiến bàn chuyện quốc sự.
Kempeitai Nhật tại Việt Nam.
Kempeitai Nhật tại Việt Nam.

 Để tránh sự theo dõi của Pháp, họ đã dùng bút đàm ẩn dưới hình thức cầu cơ bút (với những tín đồ Cao Đài thì đó là cuộc cầu cơ bút, mà người giáng cơ chính là Thượng đế tiên tri vận mệnh đất nước Việt Nam). Trong cuộc hội kiến này, ông Phạm Công Tắc kêu gọi lập một tổ chức quần chúng làm hậu thuẫn cho Cường Để và quân đội Nhật. Sau này, cả 4 ông đều là những người đứng đầu giáo phái Cao Đài.

Năm 1938, Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Mandel chính thức nhìn nhận sự hiện hữu của đạo Cao Đài là hợp pháp mặc dù có nhiều nghi ngờ về sự liên kết với phong trào “Cường Để” ở Nhật.

Ngày 22/09/1940, viện cớ mượn đường binh vận vào Campuchia và Thái Lan, Lục quân Nhật từ Trung Hoa tràn xuống lãnh thổ Việt Nam. Hai Tướng Pháp là Sabattier và Alexandri chỉ huy 6.000 quân Pháp - Việt cầm cự với quân Nhật suốt một tháng tại Bắc Việt, cuối cùng cũng đành rời bỏ chiến hào đào thoát vào lãnh thổ Trung Quốc.

Chính quyền Pháp buộc lòng phải ký một thỏa ước với Nhật chấp nhận để cho Nhật đóng quân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù đã ký thỏa ước nhưng đứng trên cương vị kẻ chiến thắng, quân Nhật tiếp tục kích động người bản địa tẩy chay Pháp để phục vụ cho ý đồ lâu dài sau này.

Sau khi quân Nhật đã tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, lực lượng tình báo Nhật tiếp tục bước thêm một bước sang Campuchia.
Tàn quân Nhật.
Tàn quân Nhật.

Nhật gửi đến các nước trong vực Đông Nam Á một nhóm nhà sư Nhật. Nhóm này đi khắp 3 nước Đông Dương để thực hiện một chiến dịch tuyên truyền: da vàng không chấp nhận “mắt xanh, da bạch tạng” trên lãnh thổ. Ngoài ra, cũng trong thời điểm này, người Nhật còn tổ chức tại Đông Dương một tổ chức gọi là “Liên minh cho phục hưng quốc gia Việt Nam”, công khai chủ trương đón Hoàng thân Cường Để lên ngôi báu thay thế Bảo Đại.

Năm 1943, Nhật cử một vị tướng tình báo hồi hưu tên là Matsui sang Sài Gòn. Matsui từng là một lãnh tụ chỉ huy lực lượng Hắc Long tại Trung Hoa. Sứ mệnh lần này của Matsui là tăng cường việc cổ xúy thuyết Đại Đông Á, đồng thời tập hợp những cựu nghĩa sĩ trong phong trào Duy Tân, khơi dậy chủ trương bài Pháp.

Một nước cờ phục vụ cho việc đảo chính Pháp tại Việt Nam đã được khởi động. Chính Matsui là người ủng hộ phong trào Đông Du mạnh mẽ bởi Nhật cần một lực lượng người Việt nắm chính quyền Việt Nam. Tại thủ đô Nhật, những lời tuyên bố kích động tinh thần yêu nước của tướng Matsui nhắm vào giới trí thức trẻ Việt Nam được sự đồng tình của báo chí Nhật.

Toàn quyền Pháp Decoux rất muốn tóm cổ Matsui vì những hành động chống Pháp của ông ta nhưng ngại thực lực quân sự của Nhật tại Việt Nam đành nuốt hận vào lòng, phản đối viên Đại sứ Nhật một cách yếu ớt. Decoux chỉ còn một cách duy nhất để thể hiện quyền lực của mình là lén lút bắt những người có biểu hiện ủng hộ Nhật.

“Nghĩa sỹ Đảng” tại Cần Thơ do một thông ngôn tiếng Nhật tên là Huỳnh Khai, con trai một địa chủ, hội đồng họ Huỳnh ở quận Châu Thành làm lãnh tụ. Huỳnh Khai là bà con họ gần với Huỳnh Phú Sổ, một thanh niên đau ốm triền miên, tín ngưỡng tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, thích làm thơ, mở phòng mạch trị bệnh cho người dân quanh vùng bằng thuốc nam và tâm linh. Ông vừa trị bệnh vừa thuyết giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương nên được nhiều người dân tôn sùng.

Năm 1937, ông có về Sài Gòn tham gia học một lớp tập huấn chính trị ở Ủy ban Sản xuất Công đoàn. Năm 1939, ông tuyên khai một hệ phái tôn giáo mới tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu gọi là Phật giáo Hòa Hảo. Ông trở thành Giáo chủ tôn giáo Hòa Hảo. Pháp bắt ông an trí tại Bạc Liêu. Nhật can thiệp thả ra.

“Nghĩa sỹ đảng” Huỳnh Khai chính là nơi một thiếu niên chăn vịt đồng có tên thường gọi là “Cụt” khởi nghiệp binh để sau này được người đời gọi là “tướng Ba Cụt”.

Năm 1940, lấy lí do trả thù cho Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, ông Lê Quang Vinh đại diện giáo phái Cao Đài bắt tay với đặc vụ Nhật bí mật tổ chức một lực lượng quân sự gọi là “quân nội ứng nghĩa binh”. Decoux ngại mếch lòng quân Nhật nên chỉ dám bí mật bắt giữ những người cầm đầu phong trào rồi đưa đi lưu đày. Do đó, một mặt công nhận tín ngưỡng Cao Đài, mặt khác chính quyền thuộc địa Pháp bí mật bắt Phạm Công Tắc. Hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc và một số nhà chính trị chống đối khác bị chính quyền Pháp bắt áp giải trên một chuyến tàu lưu đày hướng về đảo Madagascar.

Ngày 25/7/44, Đại sứ Yoshizawa đến gặp toàn quyền Decoux phê phán những hành động thiếu thiện chí của Pháp. Đại sứ Nhật Yoshizawa yêu cầu Decoux phải đuổi cổ một số công chức cao cấp Pháp đã từ chối cung cấp những dịch vụ, nhân công, tài khoản cho những nhu cầu của quân Nhật tại Việt Nam. Đại sứ Yoshizawa nói bóng gió xa xôi về một vài cuộc điều binh của Nhật, ám chỉ rằng: “Nếu ngài Toàn quyền không tuân lệnh thì quân Nhật sẽ làm cỏ hết đám quân Pháp ấy!”.

Trong giai đoạn 1940-1945, mặc cho người dân Việt Nam chết đói hàng loạt, quân viễn chinh phát xít Nhật đưa từng đoàn tàu khởi hành từ Sài Gòn vượt biển chở báu vật về chính quốc. Nhiều chiếc tàu chở báu vật của quân Nhật bị máy bay quân Đồng minh đánh chìm trên biển.

Sau khi hoàn tất các chi tiết kế hoạch, ngày 09/03/1945, quân Nhật bất ngờ đảo chính Pháp. Các lực lượng “nội ứng nghĩa binh” (của Cao Đài) và lực lượng “Nghĩa sỹ đảng” (của lực lượng Hòa Hảo), đồng loạt tiếp tay quân Nhật tước khí giới Pháp.

Đảo chính xong, Nhật ra vẻ kẻ cả, bắt tay với Pháp hình thành một chính quyền thân Nhật.

Cuối tháng 3/1945, Nhật đưa máy bay sang Bangkok chở Trần Trọng Kim về Sài Gòn và đưa ra Huế, xếp đặt cho ông làm Thủ tướng chính phủ do Nhật lập ra để thay Pháp tiếp tục thống trị Việt Nam. Pháp đưa Bảo Đại về làm “Quốc trưởng” bù nhìn.

Ngày 17/4/1945, Trần Trọng Kim được thành lập nội các. Ông Phạm Khắc Hòe viết trong hồi ký: “Bản Tuyên cáo của nội các (Trần Trọng Kim) đối với quốc dân đã vạch ra một chương trình hoạt động khá đầy đủ, đồng thời hô hào “Quốc dân phải cố gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành, sự độc lập của nước ta không phải là giấc mộng thoáng qua”.

Bấy nhiêu đó cũng thể hiện rõ bản chất của chính phủ Trần Trọng Kim. Đất nước Việt Nam vừa thoát khỏi ách thống trị của Pháp lại tiếp tục bị chính người Việt tròng vào cổ một ách thống khác khác: Nhật.

Những ngày đầu tháng 8/1945, Nhật Bản sắp phải đầu hàng Đồng minh, phong trào cách mạng giành độc lập của nhân dân ta ở miền Bắc dâng cao, một số vị Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim hoảng sợ xin từ chức.

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Năm 1947, Tướng Matsui, một phần tử nòng cốt trong tổ chức gián điệp “Hắc Long”, bị Tòa án Đồng minh họp tại Tokyo kết án tử hình vì bị xem là đã gây ra những tội ác chiến tranh tại những nước bị quân Nhật chiếm đóng. Matsui nhận án treo cổ.

“Đảng Nghĩa sỹ” và Hắc Long tại Việt Nam tự giải tán hoặc chuyển trạng thái. Dù ở trạng thái nào, các cựu thành viên của 2 băng đảng này cũng không còn phục vụ cho lợi ích một quốc gia thua trận.

Nông Huyền Sơn

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn