Tình thông gia và khoảng cách địa lý

06:24, Thứ tư 15/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Ngẫm ra, khoảng cách địa lý thực sự chẳng quan trọng, quan trọng là tình cảm luôn hướng về nhau.

(Phunutoday) - Có phải khi thông gia ở cận kề, tình cảm giữa hai bên sẽ trở nên ngày càng khăng khít? Và ngược lại, liệu khi thông gia ở quá xa, mối giao tình giữa hai bên có vì thế mà bị ngăn trở?

[links()]

Thông gia sát vách

Đã thành thông lệ, hội hưu trí ở khu phố 4 hàng ngày đều hội họp đều đặn ngày hai lần rất xôm tụ tại quán trà đá đầu ngõ. Hầu hết mọi người đều nghỉ hưu, thời gian rảnh tương đối nhiều, nên chẳng có lý do gì khiến họ không thành lập hội “bà tám” để cùng nhau vừa buôn chuyện vừa có cơ hội san sẻ giúp đỡ lẫn nhau…

Nhà ai trong ngõ có mấy người, ai làm nghề gì, tính cách thế nào…. mọi người đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Mọi người nói đùa nhau: vợ chồng có thể mấy ngày không gặp cũng không sao, nhưng hội “bà tám” một ngày không gặp là bứt rứt không thể chịu nổi.

Những câu chuyện tưởng như tầm phào hàng ngày đã khiến cho những người dân nơi đây trở nên gần gũi và thân thiết một cách đặc biệt.

Chuyện Hoa và Bà Chiểu, hai người phụ nữ cùng là hội viên tích cực của hôi “bà tám” khu phố 4 bỗng dưng trở thành thông gia của nhau  không làm mọi người ngạc nhiên. Hai bà nhà ở ngay cạnh nhau, lại có cùng nhiều sở thích nên trở nên thân thiết đặc biệt.

Ngẫm ra, khoảng cách địa lý thực sự chẳng quan trọng, quan trọng là tình cảm luôn hướng về nhau. (Ảnh minh họa)
Ngẫm ra, khoảng cách địa lý thực sự chẳng quan trọng, quan trọng là tình cảm luôn hướng về nhau. (Ảnh minh họa)

Hai bà đi đâu cũng có nhau, mọi công việc hàng ngày cũng đều cùng nhau san sẻ. Buổi trưa ở nhà một mình, hai bà cũng thường xuyên “góp gạo thổi cơm chung”.

Thân thiết, biết rõ hoàn cảnh, hai bà tích cực tác thành cho hai con, hy vọng con cái gần gũi, đồng thời mối giao tình giữa hai bên cũng sẽ vì thế mà ngày càng gắn bó hơn.

Quá trình chuẩn bị đám cưới cho hai con mà hai bà còn háo hức hơn cả cô dâu chú rể. Hai bà tíu tít trước cả tháng trời nào là đi xem ngày,  bàn về địa điểm tố chức, rồi thì cùng nhau đi lựa đồ cho các con, đi may trang phục cho cả nhà…

Hội hưu trí mỗi người phụ giúp một tay, vừa làm vừa buôn chuyện khiến cho không khí rất thân tình và ấm cúng. Bà Hoa cảm thấy thật mãn nguyện. Vốn bà chỉ có mình Ngọc là con gái, khi con đến tuổi lấy chồng lúc nào bà cũng canh cánh những nỗi niềm giống như bao bà mẹ khác:

Không biết con gái có lấy được người chồng tốt không? Gia đình chồng đối xử với con có tốt không? Liệu bà có thể sang thông gia thăm con thường xuyên không?… Giờ con gái lấy chồng ngay cạnh nhà, thông gia vốn cũng phải người xa lạ, bà còn gì phải lo lắng nữa.

Sau đám cưới, dĩ nhiên mối quan hệ giữa hai bà trở nên đặc biệt hơn thật. Tuy nhiên, không biết vì khoảng cách giữa hai nhà quá gần và quá hiểu rõ hoàn cảnh của nhau hay không mà hai gia đình không tránh khỏi những vấn đề dở khóc dở cười.

Đầu tiên là việc Ngọc, con gái bà Hoa tính cách rất trẻ con, lại được bố mẹ nuông chiều nên hễ giận dỗi chồng là cô bỏ ngay về nhà mẹ đẻ. Đôi khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ mà cô bỏ về nhà mẹ đẻ mấy ngày liền.

Lúc đầu bà Chiểu cũng cho là bình thường, nhưng sau thấy Ngọc nay hờn mai dỗi, mà bà Hoa chẳng khuyên nhủ con thì thôi, lại luôn cổ vũ con bỏ về khiến bà rất bực mình.

Cũng lạ thật, trước đây khi chưa là thông gia, hễ nghe bà Hoa kể về tính cách tiểu thư của cô con gái, bà Chiểu cũng lại kể về cậu công tử bột chẳng biết làm gì nhà mình. Chẳng ai giấu giếm về nhược điểm của các con, nhưng cả hai lại thấy tâm đầu lạ lùng rồi tự an ủi: “Bọn trẻ bây giờ tất thế”.

Vậy mà giờ đây, khi bọn trẻ trở thành dâu, rể trong nhà, bà Hoa và bà Chiểu lại cảm thấy không thể chịu được tính cách đó của các con. Mà lạ thật, trước đây khi chưa là thông gia, hai bà vô tư là vậy, sau khi trở thành thông gia, hai bà bỗng dưng để ý nhau từng li từng tí.

Bà Chiểu cảm thấy sau khi có con dâu, mình bỗng trở nên bận rộn hơn vì phải lo cơm nước, dọn nhà phục vụ vợ chồng cậu con trai cưng trong khi đó bà Hoa có vẻ nhàn hạ hơn nên cảm thấy không được vui vẻ cho lắm.

Hễ bà Hoa có cái áo mới, thế nào bà Chiểu cũng phải may bằng được một cái cho khỏi thua chị kém em. Thấy nhà bà Chiểu đi ăn nhà hàng mà không mời mình, thế nào bà Hoa cũng phải giận dỗi nói năng mát mẻ mấy ngày liền.

Trước đây, hễ có việc gì, bà Chiểu cũng hỏi ý kiến tham khảo của bà Hoa, bà Hoa cũng quen với việc trở thành quân sư trong việc đưa ra các quyết định của gia đình bà Chiểu, Vậy mà giờ đây bà Chiểu thấy khó chịu vô cùng bởi chuyện gì bà Hoa cũng nhúng tay vào tỏ ý chỉ đạo.

Mà khổ nỗi, trong nhà bà Chiểu, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, bà Hoa đều biết rõ nên bây giờ có giấu bà chuyện gì cũng không thể được… Hai bà đã bắt đầu nghĩ lại về quyết định vội vàng của mình, xem ra thông gia ở quá gần cũng chẳng phải là giải pháp hay.

Tuy xa mà gần

Mấy hôm nay gia đình ông Dậu bà Hải buồn như có đám. Không khí trong nhà lúc nào cũng ảm đạm và nặng nề, các thành viên mỗi người một góc, chẳng ai buồn nói với ai câu nào.

Ông Dậu bỏ cả thói quen đánh cờ và đọc báo, chỉ ngồi hút hết điếu thuốc nọ đến điếu thuốc kia, bà Hải cũng chẳng buồn chợ búa hay đi tập dưỡng sinh, bà chỉ nằm một chỗ quay mặt vào tường, chốc chốc lại thở dài thườn thượt.

Chỉ khổ cho Dương, mắt đỏ ậng vì khóc, sốt ruột hết ra lại vào, chẳng biết phải làm sao. Dương không thể ngờ bố mẹ cô lại phản ứng dữ dội như vậy khi cô thưa chuyện mình muốn lấy chồng tại một tỉnh miền Trung cách nhà 400km.

Bà Hải không thể nào tin được, cô con gái rượu mà ông bà hết mực cưng chiều lại có thể đi lấy chồng tại một tỉnh mà theo bà nghĩ “vừa quê lại vừa xa” được.

Dương vừa xinh xắn, lại ngoan hiền nên có không ít chàng trai theo đuổi, vậy mà chẳng ai lọt vào mắt xanh của cô, để rồi cuối cùng đùng một cái cô dẫn Thắng - chàng trai miền Trung giới thiệu là bạn trai, và tuyên bố muốn làm đám cưới ngay trong năm.

Đã vậy, Dương còn thông báo sau khi cưới sẽ chuyển về miền Trung làm việc bởi Thắng là con một phải sống cùng bố mẹ, gia đình Thắng đã thu xếp cho cô một công việc ổn định.

Bà Hải nghe vậy mà như đứt từng khúc ruột, con gái mà từ bé đến giờ có bao giờ sống xa bố mẹ đến 1 tuần đâu, vậy mà giờ đây đi lấy chồng cách nhà 400km, khác nào mất con. Vậy là hết ông lại bà hết dọa dẫm lại lựa lời khuyên bảo nhưng Dương vẫn không thay đổi.

Mấy ngày nay Dương gầy thấy rõ, cô xanh xao chẳng buồn ăn uống, chẳng nói chẳng rằng. Cô còn tuyên bố, nếu bố mẹ không cho lấy Thắng, cô sẽ ở vậy suốt đời.

Thấy Dương như vậy, bà Hải lo lắng lắm, bà biết tính Dương, tuy rất ngoan hiền nhưng cũng rất kiên định, nếu điều gì cô đã cho là đúng, cô sẽ làm đến cùng: “Thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”.

Ông Dậu, bà Hải cuối cùng cũng đành phải xuống nước đồng ý gặp gỡ thông gia để bàn về đám cưới. Đồng ý nhưng bà Hải vẫn ấm ức lắm, vì “đã là dân quê, lại còn đòi lấy tiểu thư thành phố”, đã vậy bà sẽ tìm cách gây khó dễ để cho họ tự thấy thua kém mà rút lui vậy.

Buổi gặp đầu tiên, bà Hải đích thân lựa chọn trang phục cho cả gia đình, hai ông bà hai bộ quần áo thật đẹp và sang trọng, bà dành hẳn nửa ngày đi trang điểm và làm tóc, đảm bảo thông gia mà nhìn thấy thế nào cũng choáng váng mất tự tin, đó sẽ là đòn khởi đầu.

Nhìn cả gia đình sang trọng bước vào nhà hàng khiến không ít người phải ngoái nhìn khiến bà Hải rất mãn nguyện. Đang ngồi tự mãn với vẻ ngoài của mình, gia đình thông gia xuất hiện khiến bà không khỏi ngạc nhiên.

Ông bà thông gia tuy ăn mặc không quá trang trọng nhưng cũng rất lịch sự, ông thông gia và con rể tương lai diện vest đen trông thật lịch lãm, bà thông gia tuy chỉ trang điểm nhẹ nhưng trông rất phúc hậu và mặn mà.

Sau chút ngạc nhiên và có phần tẽn tò, bà Hải giữ lại vẻ mặt lạnh lùng quen thuộc, bà bình tĩnh ra hiệu mang các món ăn ra. Hôm nay bà sẽ gọi toàn các món Âu, phải ăn bằng dĩa, để xem thông gia sẽ quê độ như thế nào.

Ngoại trừ con rể biết dùng dĩa, nhìn thông gia lúng túng, bà Hải thấy hả hê lắm, bà vừa khen món ăn ngon vừa liếc nhìn thông gia với vẻ khinh khỉnh khiến ông bà thông gia cũng cảm thấy rất khó chịu. Bà Hải vẫn tiếp tục:

“À, tôi quên mất không biết là anh chị không quen ăn món Âu, tiếc thật, món này vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, thôi để tôi gọi cho anh chị món khác vậy”. 

Suốt buổi gặp gỡ, bà Hải luôn giữ thái độ lạnh lùng, kênh kiệu, hết kể lể về xuất thân, vị thế gia đình bà lại lên tiếng bóng gió chê bai sự nghèo nàn và lạc hậu của mảnh đất miền Trung mặc dù con gái khua tay ra hiệu nhưng bà vẫn vờ như không biết.

Ông bà thông gia nhìn bà Hải tỏ rõ sự khó chịu, nhưng ở địa vị các bậc làm cha làm mẹ, là người điềm đạm, ông bà cố nín nhịn cho qua chuyện. Tiếp theo là đến khâu chuẩn bị tổ chức lễ cưới, bố mẹ Thắng phải bao phen khổ sở với bà Hải để đáp ứng hết những yêu cầu “quái gở” của bà.

Biết nhà trai ở xa, nhưng bà Hải không đồng ý bàn bạc về đám cưới qua điện thoại, bà tìm mọi cách để thông gia phải trực tiếp đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần. Bà còn đưa ra một loạt các yêu sách như: phải cho con gái về thăm nhà ít nhất mỗi tháng một lần, phải mua gì, sắm gì, nấu món gì cho con….

Trái ngược với lo lắng của bố mẹ, Dương về làm dâu mà cảm thấy vô cùng thoải mái. Gia đình Thắng vốn có xưởng chế tác đá xuất khẩu, kinh tế vững vàng, bố mẹ Thắng coi Dương như con gái, xin cho cô một công việc ổn định và tạo mọi điều kiện để cô cảm thấy thoải mái như ở nhà.

Thắng có xe ô tô riêng nên việc đưa Dương về thăm nhà chỉ là chuyện nhỏ. Hễ gia đình thông gia có chuyện lớn, bố mẹ Thắng luôn là người xuất hiện đầu tiên để cùng thông gia san sẻ.

Bố mẹ Dương thấy thông gia tạo mọi điều kiện để giúp đỡ con dâu, thường xuyên thăm hỏi gia đình mình rất chu đáo mà cảm thấy rất ân hận về cách xử sự của mình trước đó.

Ngẫm ra, khoảng cách địa lý thực sự chẳng quan trọng, quan trọng là tình cảm luôn hướng về nhau.
 

  • Mộc Miên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc