Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Làm giả Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Sử dụng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND giả.
- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Mượn, cho mượn Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Dùng CCCD nếu vi phạm những điều trên sẽ bị phạt.
Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin này cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
Trường hợp bị mất CCCD, CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD, CMND không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất; đồng thời, phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Trẻ em cũng được làm thẻ Căn cước
Trước đây, các loại Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân chỉ cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu. Trong đó, Điều 23 Luật này hướng dẫn:
Đối với người dưới 06 tuổi
Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Nếu người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
Đối với người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi
Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.Người đại diện sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Thu nhận mống mắt khi làm thẻ Căn cước
Theo khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước, thông tin tin sinh trắc học của Công dân trong cơ sở dữ liệu Căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước, cán bộ Công an sẽ thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước.
Riêng thông tin về ADN và giọng nói, Điều 16 Luật Căn cước quy định chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc.
Được tích hợp thêm giấy khai sinh, thẻ BHYT khi làm thẻ Căn cước
Theo Điều 22 Luật Căn cước, tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa.
Thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước bao gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Người dân có thể đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.