Năm tháng qua đi, nỗi đau cũng qua đi và hạnh phúc của chị mỗi ngày thêm trọn vẹn. Chị đã đi qua nước sôi, lửa bỏng, đi qua tận cùng của nỗi đau, tận cùng của sự bất hạnh, để lại được tái sinh trong một mối tình đẹp như cổ tích.
Thời con gái, chị là niềm tự hào của bố mẹ. Khi chị sinh ra, bố mẹ chị đặt cho chị cái tên Lê Thị Ánh Dương với hi vọng cuộc đời chị sẽ hạnh phúc, ấm áp và tỏa sáng như những tia nắng mặt trời. Và chị đã lớn lên đúng như những gì bố mẹ chị đã kỳ vọng: xinh đẹp, thông minh, học giỏi. Ngày cấp 3, chị là học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa. Chị đã từng đạt giải 3 kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học, rồi trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ tại quê nhà.
Là một cô gái có nhan sắc, có trí tuệ, có một cuộc sống bình yên – đã có lúc cuộc sống ưu ái chị đến thế, đã có những lúc những người xung quanh chị đều tin rằng chị nhất định sẽ có một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng thế giới tươi đẹp ấy của chị đã đóng lại, vào cái ngày chị bị người yêu cũ của mình tạt a-xít. Anh ta đã quyết tâm hủy hoại gương mặt chị khi tình yêu của hai người tan vỡ.
Chị kể, chị quen Lê Thanh Đông từ những ngày học cấp 2, khi cả hai đều là những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi, còn chưa biết thế nào là tình cảm nam nữ. Lên cấp 3, tình cảm bạn bè giữa chị và Lê Thanh Đông trở thành tình yêu. Mối tình đó đã đi theo chị suốt một chặng đường dài, từ khi chị còn là một cô học sinh cấp 3, cho đến khi chị tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo.
Nhưng khoảng cách và sự khác biệt về suy nghĩ giữa chị và Lê Thanh Đông càng lớn, khi mà càng về sau này, Lê Thanh Đông càng tỏ rõ là một người đàn ông ghen tuông vô lối. Chị kể rằng khi yêu nhau, Lê Thanh Đông thường tỏ ra khó chịu khi có người con trai khác vây quanh tán tỉnh chị. Con gái ở độ tuổi đó dù muốn hay không cũng không thể tránh được việc có người theo đuổi.
Dù chị là người vô cùng nghiêm túc trong tình cảm và chưa làm bất cứ điều gì có lỗi với người yêu, nhưng mỗi lần thấy có người con trai khác đến chơi nhà chị, Lê Thanh Đông đều tỏ ra vô cùng hậm hực, khó chịu. Có lần chỉ vì thấy có người tán tỉnh chị, anh ta đã tát chị ngay trong công viên, trước mặt rất nhiều người. Ngỡ ngàng về cách cư xử thô bạo của người yêu hết lần này đến lần khác, tình yêu trong chị cũng vì thế mà chết dần chết mòn. Một ngày đầu tháng 4-2001, chị quyết định nói lời chấm dứt mối tình ấy.
Chị vẫn nhớ khi chị nói lời chia tay, Lê Thanh Đông dù rất đau khổ, nhưng vẫn chấp nhận. Anh ta chỉ bảo: “Dù mình không yêu nhau, thì vẫn cho phép Đông sau này được làm bạn của Dương. Đông muốn là nếu có bất cứ khó khăn nào mà Đông có thể giúp được, Dương hãy nhớ đến Đông”. Khi đó, Lê Thị Ánh Dương đã tin tưởng rằng dù tình yêu tan vỡ, chị vẫn giữ được 1 tình bạn đẹp.
Gia đình chị Lê Thị Ánh Dương |
Chị kể: “Đúng một tháng sau đó, vào buổi tối ngày 25-2-2001, khi tôi đang đạp xe về nhà thì bỗng nghe có tiếng xe máy rú ga đằng sau. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, tôi đã thấy gương mặt và toàn thân mình bỏng rát, đất trời tối sầm lại. Tôi kêu gào, lăn lộn giữa đường mà vẫn không hiểu tại sao cơ thể mình lại bỏng rát như thế. Mãi đến khi những người xung quanh đó chạy đến, kêu lên: “Bị tạt a-xít rồi”, tôi mới biết điều gì đang xảy ra với tôi. Lúc đó chú tôi ở gần đó cũng chạy tới, vội vã đưa tôi đi cấp cứu. Tôi ngồi sau xe chú, úp mặt vào lưng chú, mà chiếc áo khoác ngoài của chú cũng bị a-xít làm cho cháy theo”.
Những ngày nằm trong bệnh viện với gương mặt và phần lớn cơ thể bị a-xít hủy hoại là những ngày đau đớn đến cùng cực với không chỉ riêng Lê Thị Ánh Dương mà còn cả gia đình chị. Không thể chấp nhận nổi hiện thực phũ phàng đang xảy ra với đứa con gái vốn xinh đẹp, thông minh của mình, mẹ chị chỉ biết đứng nhìn chị khóc từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi cạn nước mắt.
Lê Thị Ánh Dương kể: “Suốt thời gian đầu nằm trong bệnh viện ngoài Hà Nội, các điều tra viên của Công an Thanh Hóa ra gặp tôi, hỏi tôi có nghi ngờ ai không, tôi đều lắc đầu. Tôi nghĩ tôi mới ra trường, chưa va chạm với ai, cũng không đua chen gì để mà bị thù oán, nên tôi không tin có ai đó thù ghét tôi mà trả thù tôi một cách tàn độc như thế.
Với Lê Thanh Đông thì tôi càng không nghi ngờ. Bởi dù mới chia tay nhau, nhưng tôi vẫn tin chúng tôi đã có một cái kết nhẹ nhàng. Khi tôi mới bị tạt a-xít, anh ta ra thăm tôi, hỏi tôi với vẻ đầy xa xót: “Dương có nghĩ ai làm Dương ra nông nỗi này không? Nếu Đông biết hắn là ai, Đông nhất định sẽ không tha cho hắn.
Đông nhìn Dương thế này mà đau đớn quá, chỉ muốn được chịu đau đớn thay Dương. Dương đừng bi quan, dù thế nào Đông vẫn yêu Dương, sau này Đông sẽ lấy Dương làm vợ”. Khi nghe Lê Thanh Đông nói những lời đó, tôi rất cảm động vì nghĩ rằng không ngờ chúng tôi đã chia tay nhau, tôi lại ở trong tình trạng này, mà anh ta vẫn yêu tôi. Điều đó khiến tôi, trong lúc khốn khó, vô cùng xúc động”.
Chính bởi chị không hề nghi ngờ gì người yêu cũ của mình, chính bởi chị đã xúc động vô cùng khi nghe những lời nói ngọt ngào đó, nên khi các điều tra viên CA Thanh Hóa thông báo với chị Lê Thanh Đông chính là thủ phạm, lúc đầu chị thậm chí còn kiên quyết không tin.
Nhưng khi nghe băng ghi âm ghi lại lời thú tội của Lê Thanh Đông thì chị gần như hóa điên hóa dại vì đau đớn. Trong băng ghi âm, anh ta thừa nhận anh ta thù chị vì chị đã dám bỏ anh ta. Không chấp nhận được việc chị không thuộc về anh ta nữa, anh ta đã quyết định hủy hoại nhan sắc của chị. Chị bảo giây phút đó, khi nghe lời thú tội ấy, chị tưởng như một chút niềm tin cuối cùng của chị vào cuộc sống đã sụp đổ hoàn toàn.
Điều kỳ diệu mang tên tình yêu
Cái ngày chị bị Lê Thanh Đông hãm hại, chị mới là 1 cô gái trẻ 21 tuổi. Cánh cửa tương lai vừa mới kịp mở ra trước mắt chị đã vĩnh viễn khép lại. Chị đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật vô cùng đau đớn. Bố mẹ chị đã dùng tất cả số tiền dành dụm, tích cóp cả đời, đã bán tất cả đất đai, nhà cửa, bán tất cả tài sản có giá trị trong nhà để chữa bệnh cho chị, nhưng gương mặt chị đã mãi mãi biến dạng, đôi mắt của chị đã mãi mãi mù lòa.
Chị bảo Lê Thanh Đông không chỉ hủy hoại gương mặt chị, thân xác chị, mà còn hủy hoại cả tâm hồn chị, hủy hoại cả cuộc sống đang tràn đầy ước mơ của chị. Anh ta cũng hủy hoại luôn cả niềm tin của chị vào tương lai.
Tuy Lê Thanh Đông đã phải trả giá cho hành động tàn nhẫn của mình bằng án tù chung thân, nhưng nỗi đau của Lê Thị Ánh Dương không vì thế mà có thể nguôi ngoai. Suốt 2 năm đầu kể từ sau tai nạn kinh hoàng đó, không chỉ có đôi mắt của chị chìm trong bóng tối, mà tâm hồn của chị cũng mang một một sắc màu u ám. 2 năm trời chị không dám bước chân ra khỏi nhà, không gặp bất cứ ai.
2 năm liền chị tuyệt vọng và không ít lần nghĩ đến cái chết. Nhưng mỗi lần chị có ý định dại dột, mẹ chị lại ôm lấy chị khóc và bảo: “Con phải sống. Con còn sống thì bố mẹ ít ra còn nhìn thấy con, còn nghe tiếng con cười nói. Con có mệnh hệ gì, bố mẹ cũng không sống nổi”…. Vì bố, vì mẹ mà chị đã sống, dần dần quên đi những nỗi đau ám ảnh để bắt đầu lại cuộc đời mình.
Việc chữa bệnh cho chị đã khiến kinh tế gia đình chị hoàn toàn suy kiệt. Bố mẹ chị phải bán căn nhà ở trung tâm thành phố và tìm mua một mảnh đất trong một ngõ nhỏ lắt léo của khu Tân An, một khu xa xôi của thành phố Thanh Hóa.
Ngày Lê Thị Ánh Dương cùng gia đình chuyển đến căn nhà mới trong khu xóm nhỏ xa xôi ấy, chị không bao giờ nghĩ rằng chính ở mảnh đất này, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra với cuộc đời chị, chị không ngờ rằng chính ở nơi đây, chị đã tìm lại được hạnh phúc và niềm tin vào cuộc sống, cái mà chị tưởng như đã đánh mất vĩnh viễn.
Ngôi nhà của gia đình chị ở Tân An nằm ngay cạnh ngôi nhà của gia đình Nguyễn Đình Cường. Người bán cho bố mẹ chị mảnh đất ấy cũng chính là bố mẹ anh. Lê Thị Ánh Dương sinh năm 1980, Nguyễn Đình Cường sinh năm 1981, sự tương đồng về tuổi tác khiến họ nhanh chóng trở thành những người hàng xóm, những người bạn.
Những ngày chị mới dọn về sống ở gần nhà Nguyễn Đình Cường, anh chủ động sang nhà làm quen, bắt chuyện với chị. Anh hiền lành, ít nói, nhưng tốt bụng. Ở bên cạnh anh, chị thấy tin tưởng và ấm áp. Điều đó khiến tình bạn của anh chị ngày càng trở nên thân thiết.
Ngày đó, vì vẫn còn tự ti vào mình, nên mỗi lần anh rủ chị đi ra ngoài phố chơi, chị đều từ chối. Chị chỉ đồng ý ngồi nói chuyện của anh trong sân nhà, trước khu vườn chung của gia đình anh và chị. Ở đó, chị thấy thoải mái, thanh thản. Ở đó, chị không phải lo lắng về việc sẽ có cặp mắt nào đó nhìn chị tò mò hay thương hại.
Ngày đầu mới quen nhau, vì kém chị 1 tuổi, nên anh gọi chị là chị, xưng em. Sau này, anh chủ động đổi cách xưng hô. Thay vì gọi chị, xưng em, anh bắt đầu gọi trống không, chỉ xưng tên, rồi dần dần chuyển sang gọi “mình”, xưng “người ta”.
Vì lúc nào cũng coi anh như một người bạn kém tuổi, nên chị không hề để ý đến sự thay đổi trong cách xưng hô của anh. Bởi chị bảo từ cái ngày bị người yêu cũ tạt a-xít, chị đã không còn mơ tưởng gì vào tình yêu, vào hạnh phúc lứa đôi; chị không bao giờ nghĩ mình sẽ được một người đàn ông bình thường yêu thương. Chính vì thế dù vô cùng có tình cảm với anh, chị cũng không dám nghĩ đến việc anh sẽ dành cho chị bất cứ tình cảm đặc biệt nào trên mức tình bạn.
Có một buổi tối, như thường lệ, anh rủ chị ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Nhưng lần đó anh không nói những câu chuyện bình thường mà anh chị vẫn hay nói nữa mà đột ngột “tâm sự”. Anh hỏi chị: “Mình nghĩ thế nào nếu người ta yêu một cô gái tật nguyền?”.
Khi anh nói anh yêu chị, chị đã bật khóc, nhưng không phải vì hạnh phúc mà là vì giận dữ. Chị bảo lúc đó chị chỉ cảm thấy bị xúc phạm. Chị không hề tin anh thật lòng với mình mà nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa tai quái của anh. Bởi đã từ rất lâu, chị đã không còn hi vọng sẽ có một ngày nào đó chị lại yêu và được yêu. Chị kể: “Lúc đó tôi vừa khóc vừa mắng anh ấy. Tôi bảo anh ấy rằng anh thấy tôi chưa đủ khổ hay sao, mà còn đùa cợt trên nỗi đau của tôi…”.
Thế nhưng ngày hôm sau thì chị biết anh thật lòng. Bởi ngay tối hôm đó, khi chị giận dữ bỏ về nhà, anh đã về thưa chuyện với bố mẹ, thổ lộ mong muốn được yêu chị và lấy chị làm vợ. Khi đó chị nhận ra rằng, nếu chỉ có ý định đùa cợt với chị, anh sẽ không bao giờ hành động như thế. Dù xúc động đến mấy, thì tình cảm của anh cũng làm chị bối rối. Không chỉ bố mẹ anh, mà cả bố mẹ chị cũng phản đối chuyện anh chị yêu nhau.
Nếu bố mẹ anh phản đối vì cho rằng chị không xứng đáng, thì bố mẹ chị khuyên ngăn chị vì sợ rồi chị sẽ khổ khi anh sớm muộn gì cũng thay đổi.
Suốt nhiều ngày sau đó chị tránh mặt anh. Không biết làm cách nào để gặp được chị, nên mỗi lần đi qua nhà chị, anh đều cố gắng nói thật to để chị nghe thấy tiếng anh. Mỗi lần biết chị lên Hội Người mù thành phố làm việc, anh lại trốn việc lên đó, chỉ để nói với chị vài ba câu chuyện, hay xếp giúp chị gói tăm.
Chị bảo ngày đó dù yêu anh đến mấy, chị cũng không đủ can đảm chấp nhận tình cảm của anh, phần vì sợ dư luận dị nghị, phần vì sợ gia đình hai bên phản đối, nhưng hơn cả là vì chị sợ mình không xứng đáng với anh, sợ rằng nếu yêu anh, chị sẽ làm khổ anh. Đau khổ vì không thể đáp lại tình yêu của anh, có một thời gian, chị đã “trốn” anh bằng cách ra Hà Nội học ở một ngôi trường dành cho người mù.
Khi nghe tin chị ra Hà Nội, anh không nói không rằng nhưng lẳng lặng bỏ cả công việc ổn định ở Thanh Hóa để ra Hà Nội làm nghề rửa xe. Không yên tâm khi để chị một mình, anh ra Hà Nội cùng chị, vật vã mưu sinh mỗi ngày, chỉ để đợi đến ngày cuối tuần được vào trường thăm chị. Sự quyết tâm của anh đã làm mềm lòng chị. Không còn bất cứ điều gì có thể chia rẽ họ từ thời điểm đó.
Chị kể, những ngày ở Hà Nội, không tối cuối tuần nào anh không đến thăm chị, dù trời mưa hay trời nắng. Có bữa trời mưa bão to, chị đã đinh ninh anh sẽ không đến, thế mà cuối cùng anh vẫn xuất hiện trước mặt chị, toàn thân ướt lẹp nhẹp vì trời mưa. Lúc đó anh bảo dù trời mưa đến mấy anh cũng phải đến, vì sợ chị sẽ phải chờ đợi, lo lắng.
Chiếc giường cưới có một không hai và bí mật của hạnh phúc
Anh chị yêu nhau, cái rào cản lớn nhất vẫn luôn là gia đình hai bên. Cha mẹ anh không thể chấp nhận được chuyện con trai mình lành lặn, khỏe mạnh, cao to, mặt mũi sáng sủa mà lại đi yêu một cô gái với gương mặt bị a-xít hủy hoại và đôi mắt mù lòa. Chị bảo nếu chị ở địa vị bố mẹ anh, chính chị cũng sẽ phản đối đến cùng. Đã có những giai đoạn chị khuyên anh đi tìm một người con gái khác tốt hơn chị, xứng đáng với anh hơn chị.
Nhưng mỗi lần như thế anh đều gạt đi, vì anh bảo anh đã chọn chị và chưa bao giờ nghi ngờ vào sự lựa chọn của mình. Không thuyết phục được bố mẹ, nhưng anh vẫn quyết tâm cưới chị bằng được. Lo cha mẹ hai bên phản đối, anh lẳng lặng một mình đi đăng ký kết hôn, rồi mới về thông báo cho cả gia đình.
Không được gia đình chấp nhận, chị và anh phải dọn ra ngoài thuê nhà trọ để ở. Đám cưới của anh chị không linh đình, không có hoa, không có mâm cao cỗ đầy. Trong đám cưới, cô dâu không mặc váy cưới, chú rể không đóng thùng lịch lãm. Đám cưới của anh chị chỉ có một mâm cơm giản dị, với sự chứng giám, chung vui của vài người bạn thân nhất.
Ngày đó lương của chị và anh cộng lại được chưa đầy 2 triệu. Khi dọn ra ngoài, anh chị chẳng có gì trong tay, cũng chẳng được bố mẹ hai bên giúp đỡ. Bạn bè thương, người mua cho anh chị vài cái xoong, chảo, người mua cho cái nồi cơm điện rẻ tiền. Bà chủ nhà trọ nhìn cảnh anh chị cũng xót xa mà cho anh chị dăm ba cái bát, vài cái đĩa, vài đôi đũa. Không có tiền, họ đã bắt đầu cuộc sống vợ chồng trong một căn nhà trò dột nát khắp nơi mỗi khi trời mưa, với chỉ vài thứ đồ đạc tạm bợ như thế.
Không có tiền, nên đến cả cái giường cưới, anh chị cũng không thể mua. Bây giờ chị vẫn không thể nào quên về đêm tân hôn của mình. Bởi đêm đó, anh chị nằm trên một cái giường được kê bằng gạch và một tấm gỗ mỏng do bà chủ nhà trọ tốt bụng cho mượn.
Nhưng đêm hôm đó, trên chiếc giường cưới có một không hai đó, chị đã vô cùng hạnh phúc khi được anh ôm vào lòng. Đêm hôm đó, lần đầu tiên sau những năm trời chìm trong bóng tối và đau khổ, chị đã có thể mỉm cười và hạnh phúc khi nghĩ về tương lai sau này. Dù chị không nói ra nhưng tôi tin, với chị, đó là chiếc giường cưới đẹp nhất.
Chị và anh đã bắt đầu cuộc sống vợ chồng với tất cả những gì khó khăn, chật vật nhất mà một đôi vợ chồng trẻ phải trải qua, từ chuyện cơm áo gạo tiền đến những áp lực cuộc sống xung quanh. Nhưng đó là những ngày chị cảm thấy hạnh phúc viên mãn hơn bao giờ hết. Có những buổi tối trời mưa, cùng ngồi ăn bữa cơm đạm bạc trong ngôi nhà trọ dột nát, phải hứng nước mưa hết chỗ này đến chỗ kia, chị và anh vẫn có thể cười đùa rôm rả.
Giữa thời hiện đại khi mà con người ngày càng thực dụng và toan tính, hình ảnh về “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” dường như vẫn rất đúng với trường hợp anh chị. Phải mãi sau này, biết không thể ngăn cấm được tình yêu của anh chị, gia đình anh chị mới mở rộng vòng tay đón anh chị về, cùng đỡ đần và giúp anh chị tạo dựng hạnh phúc.
Ngày mới thành vợ thành chồng, dù không nói ra, nhưng chị vẫn lo lắng mơ hồ về quãng đời sau này. Chị sợ anh sẽ thay đổi, sẽ dần dần chán nản khi ở bên một người vợ như chị. Nhưng mỗi ngày trôi qua, chị lại thêm ấm lòng về cách cư xử của anh. Mỗi ngày trôi qua, tình yêu của anh lại khiến chị thêm vững tin vào hạnh phúc. Chị không thể nhìn thấy gương mặt anh, nên chỉ nghe miêu tả về anh qua những người xung quanh. Mọi người đều bảo với chị, anh cao to, đẹp trai và nhìn rất hiền.
Mỗi lần đi đâu với anh, chị đều ái ngại khi nghĩ một người đàn ông như anh lại phải sánh đôi với một người phụ nữ như chị. Nhưng chị nhận ra anh không bao giờ ngại khi đi cạnh chị.
Anh thường xuyên rủ chị ra ngoài phố đi dạo, thường xuyên nắm chặt tay chị mỗi khi đèo chị đi trên đường. Mỗi khi đi đám cưới, đi ăn uống ở các quán ăn với bạn bè hay đi chùa chiền, ở những nơi đông người như thế, anh vẫn luôn nắm chặt tay chị, như để khẳng định với tất cả mọi người rằng anh là chồng chị.
Chị biết ở những nơi đông người như thế, chắc chắn sẽ có nhiều con mắt đổ dồn về phía anh chị, người thương cảm, người ái ngại, nhưng cũng có người mỉa mai, giễu cợt. Nhưng anh đã không hề e ngại hay ngượng ngùng về điều đó.
Cái cách anh nắm chặt tay chị giữa chốn đông người như là 1 cách anh thể hiện với chị rằng anh tự hào và hạnh phúc khi được là chồng chị, được là người đàn ông che chở cho chị. Anh hiền lành, ít nói. Anh không biết nói những câu văn hoa, lãng mạn, nhưng những cử chỉ đơn giản, nhỏ bé đó của anh luôn khiến chị thấy lòng mình ấm áp. Chị biết mình đang yêu và đã được yêu, với tất cả sự chân thành và đẹp đẽ nhất của từ này.
Số phận đã nghiệt ngã với chị khi cướp đi của chị đôi mắt, gương mặt, cướp đi của chị nhan sắc và niềm tin vào cuộc sống. Nhưng số phận đã dành cho chị một món quà vô giá, đó chính là anh, là người đàn ông đã yêu chị và lấy chị làm vợ, bất chấp mọi mặc cảm, định kiến.
Đôi mắt của chị đã vĩnh viễn chìm trong bóng tối, nhưng từ khi anh đến trong cuộc đời chị, anh chính là đôi mắt của chị. Anh miêu tả cho chị những điều anh nhìn thấy, đầy sống động và chân thực. Anh luôn là người dẫn đường cho chị, dặn dò, nhắc nhở chị tránh những những chướng ngại vật có thể làm chị vấp ngã.
Suốt 7 năm nay, từ khi anh chị lấy nhau, những người sống xung quanh khu phố Phan Bội Châu – nơi có trụ sở của trường dạy nghề của Hội Người mù thành phố Thanh Hóa – đã quen với việc anh đều đặn đưa chị đến và đón chị về mỗi ngày. Sau những sóng gió và đau đớn của cuộc đời, giờ chị đang có được những ngày bình yên trọn vẹn.
Trong ngôi nhà nhỏ của anh chị ở khu Tân An, thành phố Thanh Hóa giờ đây còn có sự hiện diện của một cô nhóc 3 tuổi xinh xắn, dễ thương, có đôi mắt tròn xoe và nhìn giống bố như đúc.
Chị bảo với tôi rằng đôi khi chị vẫn ao ước đôi mắt được sáng lại một lần, để một lần được nhìn thấy gương mặt của chồng chị và con gái chị, 2 con người giờ quan trọng nhất đối với cuộc đời chị. Có nhiều lúc, chị vẫn ngồi hình dung ra gương mặt của chồng, con chị trong đầu, để rồi mỉm cười hạnh phúc khi tưởng tượng ra chồng và con chị đang nhìn chị với ánh mắt đầy yêu thương.
Tôi cũng ao ước giá chị có thể một lần nhìn thấy người chồng hiền lành và có trái tim nhân ái của mình, giá chị có thể nhìn thấy cô con gái lém lỉnh, thông minh, xinh xắn của mình. Điều đó hẳn sẽ khiến chị được hạnh phúc trọn vẹn hơn. Nhưng tôi đã chứng kiến gương mặt của chị đầy mãn nguyện khi nghe thấy tiếng chồng và con gái mình cười đùa, ríu rít. Và tôi nghĩ, khi đó chị đã thực sự hạnh phúc.
Đôi khi không nhất thiết phải có tất cả mọi thứ mới là hạnh phúc…
Đôi khi, trong mất mát, đau đớn, người ta dễ dàng nhận ra hơn hạnh phúc là gì và hạnh phúc ở đâu…
PV