Và chính tình yêu ở dưới mặt đất đã kéo cánh máy bay của ông trở vào đất liền, đáp xuống đường băng. Để rồi sau đó cũng tại sân bay Đà Nẵng, ông đã cùng Nguyễn Thành Trung, người phi công nội tuyến vừa ném bom dinh Độc Lập, đào tạo cấp tốc cách sử dụng máy bay Mỹ cho những phi công từ Hà Nội mới vào, rồi tham gia vào phi đội Quyết Thắng đánh trận bom lịch sử xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều tối 28/4/1975.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – ký ngay ngày 30/4/1975.
Trên bầu trời bán đảo Sơn Trà
Sáng 29/3/1975, bầu trời Đà Nẵng xanh trong, thỉnh thoảng gợn lên một vài đám mây trắng nhỏ. Thành phố lớn thứ nhì miền Nam này bỗng yên ắng lạ thường, sự yên tỉnh trước một trận bão lớn. Trung úy phi công Trần Văn On leo lên chiếc máy bay A37 và chuẩn bị rời đường băng sân bay Đà Nẵng để bay bảo trì theo lịch đã định.
Ông On với mô hình máy bay A37. |
Trước khi đóng nắp buồng lái, ông On còn thấy người đồng đội lái chiếc A37 kề bên chỉ tay ra dấu về phía biển, ông hiểu ý là kêu ông bay thẳng ra hạm đội của Mỹ nằm ngoài biển Đông để “tùy nghi di tản” (cụm từ sử dụng chỉ việc quan chức chế độ Sài Gòn tự tìm cách chạy ra nước ngoài trước khi miền Nam được giải phóng).
Lúc sáng sớm, tại căng tin sĩ quan, trước khi vào bay, cánh phi công có lịch bay trong ngày đã thì thầm to nhỏ với nhau về tình hình chiến sự và ngầm rủ nhau “tùy nghi di tản” bằng cách bay thẳng ra biển, vì quân giải phóng sẽ đánh chiếm Đà Nẵng trong ngày một ngày hai.
Chiếc A37 do Mỹ chế tạo ngoan ngoản vâng theo sự điều khiển của ông On, nhẹ nhàng nhấc càng khỏi đường băng, lao vút vào trời xanh. Phía dưới cánh bay, bờ biển bán đảo Sơn Trà hiện lên và nhỏ dần. Đi hay không đi? Câu hỏi ấy cứ lập đi lập lại trong đầu Trần Văn On trên suốt hành trình bay.
Lớn lên ở vùng quê nghèo Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, cậu học trò nghèo mà học giỏi Trần Văn On đã bị “tổng động viên” sau tết Mậu Thân 1968 khi anh vừa học xong “tú tài đôi”. Vậy là ước mơ trở thành kỹ sư canh nông để về làm việc trên đồng ruộng quê nhà phải nhường chỗ cho đời lính được bắt đầu từ những tháng quân trường hà khắc.
Nhờ có vóc dánh cao ráo, khỏe mạnh, cùng với vốn Anh ngữ khá, Trần Văn On đã được tuyển vào binh chủng không quân và được đưa đi Mỹ đào tạo. Sau hơn 2 năm học lái máy bay A37 trên đất Mỹ, ông trở về nước và được phân công nhiệm vụ lái A37 ở sân bay quân sự Đà Nẵng vào năm 1973. Thỉnh thoảng về phép ở Gò Công, nhìn thấy cảnh quê hương bị bom đạn tàn phá xơ xác, nhiều người thân bị chết vì bom đạn, Trần Văn On bắt đầu thấy ác cảm với cuộc chiến tranh.
Ông đã vài lần chống lệnh đi ném bom vào những mục tiêu đông dân cư, vì vậy mà bị lọt vào “số bìa đen”, ít được phân công bay, không được thăng chức… Chiếc A37 đã bay ra xa ngoài biển, bờ biển Đà Nẵng mờ dần cuối đường chân trời, ngoài kia là hạm đội Mỹ đang chờ đón những người “di tản” từ đất liền. Đi hay không đi? Một thoáng cân phân, ông On dứt khoát kéo nhẹ cần lái, chiếc máy bay nghiêng cánh, chuyển hướng về phía Bắc, bên trái ông là đất liền trập trùng đồi núi. Sau một thoáng suy nghĩ, ông On lại kéo cần lái, chiếc máy bay lại nghiêng mình đổi hướng và lao thẳng vào đất liền.
Tình yêu đã chiến thắng
Trong những giây phút đắn đo trước sự quyết định hệ trọng đi hay ở, trong đầu Trần Văn On hiện lên hình ảnh cha mẹ nghèo trên vùng quê bị chiến tranh tàn phá xơ xác. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã từng ao ước trở thành kỹ sư canh nông, để rồi khi đất nước hết chiến tranh, ông sẽ góp sức làm giàu đồng ruộng quê mình. Ngồi trên máy bay mà ông hình dung, khi chiến tranh kết thúc, ông sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ vẫn chưa tắt ấy.
Rồi hình ảnh người vợ trẻ và đứa con mới ra đời đang ngóng chờ tin chồng, tin cha. Nếu ông ra đi, không biết rồi sẽ sinh ly hay tử biệt, trong đời có còn dịp để gặp vợ con, cha mẹ, anh em hay không. Chuyện tình của chành học sinh “đệ nhứt cấp” Trần Văn On và cô nữ sinh cùng khóa “đẹp như hoa khôi” Nguyễn Thị Chín dưới mái trường Trung học Gò Công lại hiện về. Mối tình ấy rất đẹp và lãng mạn từng được bao học sinh cùng thời ngưỡng mộ, ao ước.
Khi chàng trai đi theo “nghiệp nhà binh” thì cô gái ở quê nhà chờ đợi dưới mái trường sư phạm, để rồi họ đã cưới nhau khi cô gái vừa trở thành cô giáo, chàng trai cũng trở thành phi công từ nước ngoài trở về. Cô giáo trẻ vùng biển Gò Công hàng đêm cầu nguyện cho chồng được bình yên trên cánh bay, cầu nguyện cho chiến tranh kết thúc để người chồng lý tưởng của cô rời khỏi “vùng một” xa xôi và chết chóc trở về với gia đình.
Vì xa xôi cách trở, phải vài ba tháng ông On mới về thăm gia đình một lần, nên đứa con đầu lòng đã 4 tháng tuổi mà ông On mới một lần gặp mặt… Một thoáng chớp mắt để hình dung cảnh hai mẹ con bà Chín đang chờ đợi chồng, ông On hít một hơi dài, rồi dứt khoát đẩy cần lái cho máy bay hạ độ cao, hướng về phía sân bay Đà Nẵng.
Ông On (ngoài cùng bên phải) trong phi đội Quyết Thắng năm nào. |
Rời khỏi máy bay, ông On cởi bộ đồ bay, mặc vào bộ thường phục, rời khỏi sân bay, đi vào trung tâm thành phố để nghe ngóng tình hình. Buổi trưa tháng ba ở Đà Nẵng không quá ngột ngạt như những đô thi miền Trung khác, nhờ có gió biển thổi vào, nhưng trên nét mặt mọi người ai cũng tỏ ra căng thẳng.
Sau giấc ngủ trưa, ông On nghe nhiều âm thanh lạ từ ngoài đường vọng vào. Ông mặc đồ bước ra đường, trước mắt ông là cảnh nhiều người dân cầm cờ giải phóng cười vui, tấp nập đi lại. Đà Nẵng đã được giải phóng! Ông On nhìn đồng hồ, lúc đó hơn 3 giờ chiều ngày 29.3. Rồi từ các ngả đường Phước Tường, Thanh Khê, Lý Thái Tổ... quân giải phóng tiến vào thành phố trong sự chào đón của người dân thành phố.
Ông On chợt thấy cảm xúc rất lạ khi nhìn thấy đoàn xe cắm cờ nửa xanh nửa đỏ - sao vàng của Cách mạng chạy qua cầu Trịnh Minh Thế bắc qua sông Hàn phải dừng lại liên tục vì hàng ngàn người dân vây quanh.
Trước tòa thị chính, trên đường Bạch Đằng, tòa lãnh sự Mỹ vẫn đang bốc cháy, dưới đường hàng chục tấm ảnh Nguyễn Văn Thiệu bị xé rách, vứt tung tóe… Sau vài giờ sôi động đón quân giải phóng vào giải phóng thành phố, cuộc sống người dân thành phố nhanh chóng được ổn định. Các chợ lớn của thành phố như chợ Hàn, chợ Mới, chợ Cồn... đều họp trở lại ngay ngày hôm sau.
Ông On nhớ lại, chỉ cách đó mấy ngày, trung tướng Ngô Quang Trưởng – tư lệnh Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn - đã hét lên trên radio: “Phải giữ Đà Nẵng bằng bất kỳ giá nào!”. Nhưng chỉ 1 ngày sau lời tuyên bố giật gân đó, Ngô Quang Trưởng đã bỏ mặc các sĩ quan và binh lính, lên máy bay chuồn mất. Chi tiết đó đã góp phần làm cho quân đội Sài Gòn ở Đã Nẵng nhanh chóng tan rã, nó càng làm cho ông On hiểu rõ tính chất của cuộc chiến.
Ngày hôm sau, theo thông báo của Ủy ban Quân quản thành phố, ông On đã trở lại sân bay trình diện và bàn giao máy bay cho quân giải phóng. Ông được các chiến sĩ cách mạng tiếp lịch sự, không chút kỳ thị và được cho về nhà, khi nào cần họ sẽ gọi.
Mấy ngày sau, khi chưa được ai gọi mời, ông On đã trở lại sân bay và đề đạt nguyện vọng được lái máy bay A37 tham gia giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn. Trong thâm tâm, ông On mong muốn giải phóng hoàn toàn miền Nam càng sớm càng tốt, chiến tranh kết thúc càng sớm càng hay, ông sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con.
Người khóa đuôi của phi đội Quyết Thắng
Trước khi Trần Văn On tới đề đạt nguyện vọng xin lái A37 đánh giải phóng Sài Gòn, những người lãnh đạo binh chủng không quân của ta đã nghĩ đến chuyện dùng chiến lợi phẩm khoảng 10 chiếc A37 tại sân bay Đà Nẵng mở thêm mặt trận trên không đánh vào Sài Gòn.
Thế nhưng, vấn đề nan giải nhất là người lái, vì phi công ta từ Hà Nội vào chỉ quen lái Mig, kể cả Nguyễn Thành Trung cũng không thật thông thạo A37. Bất ngờ có người phi công hàng binh từng lái A37 đến xin được tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn, người chỉ huy sân bay đã tiếp đón rất lịch sự và nghĩ ngay đến phương án đào tạo cấp tốc phi công lái A37.
Khi đến đến trình bày nguyện vọng xin lái máy bay tham gia giải phóng miền Nam, Trần Văn On không hi vọng nhiều lời thỉnh nguyện ấy sẽ được chấp nhận. Thế nhưng, sau khi nghe ông trình bày, vị chỉ huy quân giải phóng tại sân bay Đà Nẵng tỏ ra quan tâm, nghĩ ngợi rất nhiều và hẹn ông 3 ngày sau quay lại. Ba hôm sau trở lại sân bay Đà Nẵng, ông On gặp phi công Nguyễn Thành Trung, người vừa ném bom dinh Độc Lập trước đó vài ngày.
Cùng là phi công của Sài Gòn, ông On và ông Trung có biết nhau, nhưng hai người ở hai nơi, lái máy bay cũng khác nhau (ông Trung lái F5, ông On lái A37). Và rồi ông On được yêu cầu ở lại luôn trong sân bay để cùng Nguyễn Thành Trung thực nhiệm nhiệm vụ cấp tốc: dạy cách lái máy bay A37 cho các phi công từ ngoài Bắc mới vào, để sử dụng chính các máy bay Mỹ đánh vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Yêu cầu đặt ra là trong vòng chừng một tuần lễ là có thể thành lập phi đội đánh vào Sài Gòn. Các ông đã huấn luyện miệt mài, cả ngày lẫn đêm, bằng mọi cách có thể. Những bảng chỉ dẫn trên buồng lái máy bay toàn bằng tiếng Anh, các ông không đủ thời gian thay thế, phải dán ghi chú tiếng Việt ngay phía dưới để các phi công mới học lái biết mà thao tác. Cuối cùng lớp huấn luyện cấp tốc cũng hoàn thành.
Phi đội Quyết Thắng được được Bộ Tư lệnh Không quân ký quyết định thành lập ngày 27.4.1975 gồm 5 chiếc A37, có nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn, mà cụ thể là sân bay Tân Sơn Nhất để làm tê liệt lực lượng không quân và không vận của đối phương. Trần Văn On đã vinh dự được giao vị trí thứ năm trong phi đội, tức vị trí khóa đuôi, còn Nguyễn Thành Trung ở vị trí số một dẫn đầu phi đội.
Ông Trần Văn On chăn nuôi heo. |
Lúc 16g30 ngày 28/4.1975, các ông bắt tay vị chỉ huy và bắt tay nhau thật chặt trước khi leo lên 5 chiếc A37 cất cánh khỏi sân bay Đà Nẵng. Đoàn bay do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu bay thấp dọc theo bờ biển (để tránh ra đa đối phương) hướng vào Sài Gòn…
Chiều tối 28/4/1975, cả Sài Gòn đang căng thẳng chợt như muốn nổ tung trước thông tin sân bay Tân Sơn Nhất vừa bị “Việt Cộng” ném bom, mà lại ném bom bằng chính máy bay A37 của không lực Việt Nam Công Hòa. Dân Sài Gòn càng xôn xao bàn tán khi có thông tin cho rằng, người phi công dẫn đầu phi đội ném bom chiều hôm ấy là “phi công Sài Gòn” Nguyễn Thành Trung, người mà trước đó 20 ngày đã ném bom dinh Độc Lập. Ngay tối hôm ấy, các hãng tin phương Tây đã đồng loạt đưa tin chi tiết về vụ nám bom sân bay Tân Sơn Nhất lúc chiều, theo đó chính Nguyễn Thành Trung đã dẫn đầu phi đội 5 chiếc A37 của không lực Việt Nam Công Hòa đánh vào sân bay.
Các hãng tin tiếp tục đưa tin: sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh hư hỏng nặng, hơn 20 máy bay bị phá hủy, đường băng bị cắt khúc, máy bay không thể lên xuống, cầu hàng không ở Sài Gòn bị “gãy”, đường không vận bị tê liệt hoàn toàn vì máy bay không cất cánh được. Cả Sài Gòn hoang mang, quan chức chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách để chen vào các cầu không vận bằng trực thăng, tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có… Bản tin của các đài phương Tây tối hôm ấy và sau này không hề nhắc tới phi công Trần Văn On, người có vai trò đặc biệt trong phi đội Quyết Thắng.
Người dân Sài Gòn theo dõi tin tức với tâm trạng vừa phấn chấn, vừa lo sợ. Phấn chấn bởi lẽ, sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh tê liệt, điều đó có nghĩa không lực Sài Gòn, vốn là sự nổi trội so với quân giải phóng, đã bị loại khỏi vòng chiến, thì việc chế độ Sài Gòn sụp đổ chỉ còn là ngày một ngày hai. Còn lo bởi lẽ, không biết cuộc chiến sẽ kết thúc ra sao, Sài Gòn có phải tiếp tục đổ máu….
Lúc ấy tôi chỉ là cậu thiếu niên hơn 13 tuổi, nhưng tôi cũng thức gần tới sáng để nghe người lớn bàn tán về vụ ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, về cuộc chiến tranh. Nhiều ngày trước đó các trường học đã đóng cửa, tôi không phải lo hôm sau dậy đi học sớm. Sau này khi lớn lên, tôi vẫn nhớ mãi về cái đêm không ngủ ấy, vì vậy mà khi biết ông Trần Văn On ở Gò Công có vai trò đặc biệt trong phi đội Quyết Thắng, tôi đã tìm đến thăm ông.