Ngày hôm qua (2/7), hình ảnh những tình nguyện viên tiếp sức mùa thi ở điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội dàn hàng dài làm dải phân cách hỗ trợ giao thông giữa nắng nóng 40 độ C đã dấy lên những ý kiến trái chiều trong cộng đồng.
Nhiều người cho rằng đó là hành động đẹp, góp phần giảm ùn tắc, thuận lợi giao thông cho thí sinh và phụ huynh. Nhưng cũng không ít người cho rằng, đó là việc làm thiếu khoa học, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính các tình nguyện viên mà chưa chắc hiệu quả đã như mong đợi.
Theo dòng bình luận này, blogger Nguyễn Ngọc Long Blackmoon cũng thể hiện quan điểm cá nhân trên facebook của mình: "Này mấy em sinh viên ơi, bao nhiêu công sức tiền của cha mẹ nuôi nấng, bao nhiêu chữ nghĩa thầy cô dạy dỗ cuối cùng hò nhau ra đội nắng 40 độ để làm cái trò này í hả? Thông minh trí thức dễ sợ không? Cầm dây chưa đủ vui, có mấy anh chị còn cầm tay nhau làm hàng rào nữa cơ mà. Anh ngưỡng mộ chúng mày!".
Hình ảnh sinh viên tình nguyện làm hàng rào phân làn gây tranh cãi. |
Status này ngay lập tức tạo nên làn sóng ý kiến trái chiều. Có nhiều người đồng tình, cũng không ít người phản đối. Trong đó, không ít sinh viên tình nguyện cảm thấy bức xúc cho rằng, blogger này ngồi nhà rồi phán xét làm sao hiểu được nỗi vất vả của họ.
Chúng tôi đã liên lạc với blogger này để làm rõ hơn về câu chuyện đang rất nóng này:
Chào anh Nguyễn Ngọc Long! Anh có thể cho biết lý do tại sao anh lại đăng dòng status về sự việc các sinh viên tình nguyện dàn hàng làm dải phân cách giữa nắng nóng như vậy không?
Tôi quá bức xúc với cách làm của những người tổ chức công tác sinh viên tình nguyện. Tôi không thể hiểu nổi họ nghĩ gì khi đưa từng đó con người ra giữa cái nắng 40 độ (nhiệt độ mặt đường còn cao hơn thế rất nhiều) để làm dải phân cách sống? Thật là một cách làm phản khoa học. Tôi muốn những người ấy phải giật mình nghĩ lại, liệu có cách nào tốt hơn không? Có cần thiết phải đi theo lối mòn, đi theo cái mà các bạn í giải thích là "7 năm nay vẫn vậy" hay không?
Thế nhưng nhiều bạn sinh viên tình nguyện cho rằng anh không làm thực tế làm sao hiểu được mà nhận xét. Anh nói gì về điều này?
Nhưng các bạn ấy muốn tôi hiểu cái gì? Nếu để hiểu là đứng giữa trời nắng 40 độ nó cực khổ và nguy hiểm thế nào thì tôi hiểu, vì số lượng người chết bởi nắng nóng trên thế giới vẫn tăng từng ngày. Tôi rất chịu khó cập nhật tin tức nên tôi hiểu. Còn nếu các bạn muốn gửi gắm thông điệp rằng làm tình nguyện sẽ không thấy nắng, thấy khổ, các bạn vui lắm thích lắm... thì tôi có quan tâm đâu?
Câu hỏi mà tôi đặt ra cho các bạn suy ngẫm đó là, có cách nào tốt hơn cách mà các bạn vẫn kiên định thực hiện trong suốt 7 năm nay hay không? Và sâu xa hơn, tôi muốn đặt ra câu hỏi cho những người ở vai trò quản lý. Rằng tại sao họ lại để mặc sinh viên cầm tay nhau làm hàng rào sống như thế? Tất cả các lực lượng chính và phụ trong công tác điều tiết giao thông, phân luồng... đã bị bất lực hoàn toàn rồi hay sao?
Nhiều người thường mặc định là sinh viên tình nguyện thì phải vất vả, phải làm những việc khó, đó là nhiệm vụ của họ nên không quan tâm. Theo anh nguyên nhân vì đâu lại có những mặc định này?
Tôi nghĩ họ đã quen với lối sống bị che phủ bởi định kiến, bởi lối tư duy áp đặt và quen với cách suy nghĩ một chiều. Hầu hết chúng ta đều như thế chứ không riêng gì sinh viên. Ngay từ nhỏ chúng ta đã quen với cách giáo dục rằng con nít thì phải thế này, người lớn thì được thế kia. Bé nam phải chơi đá bóng, bé gái phải may váy áo cho búp bê.
Dần dà chúng ta sống trong một cái hộp, bị mất tự do trong suy nghĩ và không coi việc đó là vấn đề gì nghiêm trọng. Tư duy phản biện, suy nghĩ hai chiều không có nghĩa là cứ phải đi ngược lại số đông. Nhưng ít nhất thì cũng cần "nhen nhóm" lên một chút suy nghĩ rằng, tại sao lại phải thế này, tại sao lại không được thế kia? Sau đó tự bản thân mỗi người suy xét bằng nhiều cách, thí dụ như tự phân tích đúng sai dựa trên hiểu biết của bản thân; chúng ta có thể đi hỏi, nghiên cứu tài liệu hoặc đôi khi phải chờ thêm nhiều thời gian để trải nghiệm sâu hơn, hiểu biết nhiều hơn.
Cái giả thiết phản biện chưa chắc đã đúng, nhưng cứ mặc nhiên rằng "từ xưa đến giờ vẫn thế thì bây giờ cũng thế" là một cách suy nghĩ rất nguy hiểm. Nó kìm hãm sự phát triển của xã hội và chúng ta không thể phát triển đi lên.
Thí dụ như trong status của mình, tôi thấy có những bạn sinh viên vào comment rằng thực ra cũng có nhiều cách như là abc, nhưng những cách đó bị hạn chế là xyz. Tôi rất thích thú với những comment như vậy. Bất kể đúng sai, vì chưa cần thời gian để phân tích đúng sai, nhưng đó là cách tư duy rất tốt. Thể hiện các bạn có suy tư, có suy xét, có đánh giá nhiều giải pháp và có góc nhìn riêng. Còn việc tranh luận cụ thể thì thực ra không cần thiết, quan điểm cá nhân thì không ai đúng hơn ai được.
Anh Nguyễn Ngọc Long. |
Nhưng chúng ta cũng cần đánh giá cao tinh thần và nhiệt huyết của các bạn trẻ chứ. Theo anh, làm việc thiện có nên tính toán?
Nếu những bạn nào có tinh thần và hiệt huyết thì rất nên đánh giá cao. Tôi nói thế, vì khá bất ngờ khi rất nhiều bạn sinh viên vào comment tiết lộ rằng các bạn đi làm tình nguyện để lấy điểm chuyên cần, điểm tình nguyện hay bị ép phải đi. Đại khái như vậy. Với những người như thế, thì tôi không thấy chất tình nguyện trong việc làm của họ.
Quay trở lại câu hỏi "làm việc thiện có nên tính toán" thì quan điểm cá nhân của tôi là làm việc gì cũng nên tính toán. Nhưng không phải tính toán xem mình mất gì được gì, mà tính toán xem cách mình làm có tốt chưa, có thể tốt hơn không? Đừng nhầm lẫn và đánh tráo hai khái niệm đó với nhau để rồi nhao nhao phản đối. Đâu phải bỗng nhiên mà những người giữ vai trò chủ chốt trong các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện xã hội lại có thu nhập rất cao? Bởi vì phần lớn trong số họ toàn là thạc sĩ, tiến sĩ, du học sinh hoặc cử nhân xuất sắc cả đấy. Họ rất giỏi. Họ giỏi thì mới tính toán được cách làm cho tổ chức của họ đi lên, giúp được nhiều người hơn với chi phí thấp hơn. Họ là trùm tính toán!
Một số người nói anh tranh luận một chiều, xóa comment chỉ trích và chỉ để lại comment đồng tình. Anh nói gì về điều này?
Thực ra tôi chỉ xoá comment của những người lạ thôi chứ bạn bè vào chỉ trích, thậm chí "rủa xả" tôi vẫn để. Vì bạn bè với nhau thì vui mà. Lên facebook là phải vui, cái gì không vui thì ta không nên để. Mà bị chửi hay "chặt chém" là những thứ thực sự rất không vui. Tôi phát cuồng với facebook vì có tính năng xoá bài và khoá nick.
Cứ ai có quan điểm trái ngược với mình thì mình có thể xoá và ngăn chặn. Tôi nghĩ như vậy là văn minh. Khi mình xoá comment, tức là mình đưa thông điệp, bạn và tôi không cùng quan điểm hoặc ít nhất là, ở khía cạnh này tôi thấy chẳng có gì để tranh luận thêm. Có nhiều người họ tự hiểu và sẽ rút lui. Hoặc họ mở một diễn đàn khác, tức là share bài về tường nhà họ để thảo luận thì tôi đâu có quan tâm.
Nhưng một số người lại lập tức quay sang chửi bới rủa xả công kích cá nhân tôi rằng hèn nhát, không được làm như vậy. Tôi thực sự không hiểu tại sao mình lại phải để người ta chửi mình mới là anh hùng? Tôi chỉ thấy như vậy là ngu. Và để tránh cho những người có quan điểm ngược với mình bị ức chế thì tôi nhẹ nhàng khoá nick để họ bình an, đỡ bực tức trong người.
Thời trẻ anh từng đi tình nguyện như vậy bao giờ chưa? Ngày đó suy nghĩ của anh về hoạt động tình nguyện với bây giờ có gì khác?
Bạn hỏi làm tôi thấy mình già quá (cười). Thời nào thì tôi cũng đi tình nguyện và chưa bao giờ có ý định ngưng việc đó lại bạn ạ. Cũng có lúc tôi nghĩ, giá như mình được đứng trong hàng ngũ sinh viên tình nguyện thì chắc có nhiều kỷ niệm vui lắm. Nhưng thật may mắn là sau khi suy xét thì tôi thấy cách làm phong trào đó không phù hợp với mình.
Tôi và những bạn tình nguyện viên của tôi giúp cho thí sinh và người nhà của họ bằng nhiều cách, giúp nhiều việc, có cả chỉ đường, chở đi thi, cho thuê mướn phòng trọ và phát đồ ăn miễn phí. Ngày trước tôi chỉ nhìn vào các hoạt động tình nguyện của sinh viên một cách trầm trồ theo kiểu "ồ vui đây, thích đây, thật ý nghĩa". Giờ thì tôi lại hay trăn trở với câu hỏi, từng đây người, từng đây cái đầu, phải nghĩ ra một cách gì tốt hơn chứ nhỉ?
Anh có nhắn gửi gì tới các bạn sinh viên tình nguyện không?
Nhiệt huyết và tấm lòng của các bạn thực sự rất tuyệt vời. Ngày hôm nay, các bạn có thể vui sướng và hạnh phúc với việc làm hàng rào sống. Nhưng hãy để niềm vui ấy trôi qua thật mau nhé. Vì các bạn là những người chủ nhân tương lai của đất nước, chỉ các bạn mới có thể làm được điều đó tốt nhất.
Còn việc làm hàng rào, tôi nghĩ nên nhường lại cho những cây hoa dâm bụt. Vì hoa dâm bụt làm việc đó tốt hơn các bạn rất nhiều.
Anh nhắn gửi vậy không sợ các bạn tự ái sao?
Tự ái nặng thì càng tốt.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
'Tình nguyện viên bá đạo' và cái tâm của nhà báo Sự kiện một tình nguyện viên tiếp sức mùa thi bị cáo buộc “cản trở nhà báo tác nghiệp” lại khơi lên câu chuyện về đạo đức nghề báo. |