Quan tài là đồ vật dành cho người đã qua khuất, những người đang sống chắc chắn sẽ e ngại khi động chạm đến chúng chứ chưa nói gì đến việc nằm thử. Vậy tại sao cổ nhân lại nhắc nhở rằng: “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác”?
Quan tài không hẳn là điều xui xẻo như chúng ta vẫn nghĩ
Xa xưa, phần lớn những người qua đời thường mang trong mình các bệnh hiểm nghèo hoặc lây nhiễm. Gia đình nào khó khăn thì chỉ chôn cất người đã khuất với tấm chiếu manh, thế nhưng việc này sẽ khiến mầm bệnh của người mất lây lan ra đất, nước.
Về sau, dù có khó khăn đến mấy thì gia đình cũng sẽ cố gắng chôn cất người đã khuất trong chiếc quan tài. Vừa để họ có chỗ an nghỉ tử tế vừa hạn chế phần nào các virus gây bệnh lan ra ngoài.
Ngày xưa, người già thường chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc quan tài. Không phải là họ mong đợi cái chết, chỉ là họ thấy việc qua đời không phải là điều quá kinh khủng, nặng nề. Đó cũng là quy luật tự nhiên, sinh – lão – bệnh – tử ai cũng sẽ phải trải qua. Quan tài cũng chính là nơi chốn cuối cùng của cuộc đời, ai giàu sang hay nghèo nàn thì cuối đời cũng phải dùng đến vật dụng này.
Không chỉ thể hiện việc xem nhẹ cái chết, người xưa thường chuẩn bị sẵn quan tài cho mình còn với mong muốn được “áp thọ”. Tức là phần nào kìm hãm được tuổi tác của mình để đạt được tuổi thọ cao hơn.
Trong quan niệm của người xưa, quan tài không phải là điều xui rủi, thậm chí sẽ gặp may mắn nếu gặp chúng trong giấc mơ. Vật dụng dành cho người đã qua đời này còn mang ý nghĩa là “Thăng quan tiến chức”, thu hút nhiều may mắn, bổng lộc
Hiện nay, nhiều người làm kinh doanh, buôn bán còn sắm cho mình đồ vật trang trí phong thủy hình quan tài để đặt trong cửa hàng, công ty với mong muốn nhận được nhiều tài lộc. Cũng theo giải mã giấc mơ, thì mơ thấy quan tài không hẳn là điềm xấu, trái lại nó có thể là điềm báo tài lộc đang tới.
Có lẽ, với những lý do trên nên người xưa cho rằng quan tài không phải là điềm xấu và thử quan tài cũng vậy. Nhưng tại sao lại phải kiêng kỵ việc thử giày của người khác?
Đi giày của người khác ẩn chứa nhiều rủi ro
Giày dép khi đi ở dưới chân sẽ tiếp xúc với mặt đường, mặt đất nên chắc chắn không thể sạch sẽ, thơm tho được. Hơn nữa, giày dép bó sát vào chân nên nên sẽ dính mồ hôi, nấm hoặc những loại virus gây bệnh khác. Do đó, nếu đi giày của người khác sẽ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh về da, lỗ chân lông, tuyến mồ hôi…
Thời ngày xưa, y học còn chưa phát triển nên việc điều trị những bệnh lây nhiễm còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng ai muốn mình mắc bệnh cả nên cần phòng ngừa từ trước và việc không tùy tiện đi giày của người khác là một trong những cách cần phải biết.
Ngoài ra còn một lý do sâu xa hơn nữa, cổ nhân quan niệm rằng, đôi giày chính là cái “gốc” của mỗi người. Nếu cho người khác mượn giày, chẳng khác nào để người khác "cắm rễ" dưới chân mình và bước đi thay mình. Việc làm này được xem là không may mắn và cũng chẳng ai muốn có người sống thay cuộc đời của mình cả.
Thấm thía lời dạy: “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác.”
Câu nói: “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác”, không phải nhắc nhở bạn hãy đi nằm thử quan tài. Người xưa chỉ muốn nhấn mạnh rằng, đôi khi trong nguy có cơ, trong cơ có nguy, nhiều khi điều là xui xẻo của người này lại là may mắn của người khác.
Vậy nên đừng bao giờ tuyệt đối bất cứ điều gì, cũng đừng quá cứng nhắc, rập khuôn trong cách nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống.
Ngày nay, câu nói “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác.” không còn hoàn toàn chính xác nhưng ẩn ý sâu thẳm mà người xưa gửi gắm thì vẫn còn nguyên giá trị.
Mỗi người cần sống lạc quan, nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, tỉnh táo trước những cám dỗ của cuộc sống. Nếu vận dụng tốt, chắc chắn thành công sẽ sớm mỉm cười với tất cả mọi người!