“Cửa nên để ba” – Cửa là nơi đón tài, mở phúc, cần thuận thiên lý
Theo quan niệm phong thủy truyền thống, cửa nhà được ví như "miệng" của ngôi nhà, là nơi thu hút vận khí may mắn và tài lộc. “Cửa nên để ba” có thể hiểu theo hai ý nghĩa chính:
Thứ nhất, về hình dáng, người xưa thường thiết kế cửa cổng hoặc cửa chính sao cho phần trên rộng hơn phần dưới khoảng 3cm. Điều này tượng trưng cho việc "trên rộng dưới hẹp" tức là để đón tài, giữ lộc. Cũng như cái phễu, phần trên càng mở rộng thì càng dễ thu hút những điều tốt lành vào nhà. Phần dưới càng nhỏ thì tài lộc càng khó thất thoát.
Thứ hai, về biểu tượng, số 3 trong văn hóa phương Đông mang ý nghĩa rất tích cực, đại ý là muôn vật mới được sinh thành. Con số 3 cũng đại diện cho sự phát triển, hài hòa giữa thiên - địa - nhân. Khi “cửa để ba”, cũng tức là mở lối đón thiên thời, địa lợi, nhân hòa vào nhà.

“Nhà nên để bốn” – Nhà ở cần đủ bốn yếu tố để vượng khí dài lâu
Nhà nên để bốn, có nghĩa là khi làm nhà cần chú ý tới bốn yếu tố quan trọng.
Tính thẩm mỹ: Một ngôi nhà đẹp không chỉ là về kiến trúc hay màu sơn bên ngoài, mà còn là sự hài hòa, sạch sẽ, tạo cảm giác thư thái và ấm cúng, hạnh phúc khi bước vào.
Tính bền vững: Một ngôi nhà cần có kết cấu chặt chẽ và bền vững, có thế mới ở được cả đời, nhiều đời.
Tính công năng: Mỗi khu vực trong nhà đều phải được thiết kế sao cho phục vụ đúng chức năng, hợp phong thủy. Từ nhà thờ, phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh đều đúng vị trí, dễ sử dụng.
Tính kinh tế: Người khôn ngoan sẽ làm nhà vừa với khả năng kinh tế, đừng ham làm nhà quá to rồi cả đời còng lưng trả nợ.
Ngoài ra, nhà ở tốt còn cần đón đủ ánh sáng, thông gió tốt, tránh ẩm thấp, âm u – bởi môi trường sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Một ngôi nhà sáng sủa, sạch sẽ, gọn gàng là nơi sinh ra phúc khí, sức khỏe và vận may.

“Quan tài để sáu” – Tiễn biệt nhẹ nhàng, mong an yên nơi chín suối
“Quan tài để sáu”, nói về nghi thức hậu sự cho người đã khuất. Người xưa cho rằng số 6 mang ý nghĩa của lộc, của thuận lợi. Quan tài thường được người xưa làm với chiều dài khoảng sáu thước ba (tương đương khoảng 2,1m), ngoài việc phù hợp về kích thước thực tế cho thi hài và đồ tùy táng, còn mang ý nghĩa:
Dân gian tin rằng, con người sau khi mất đi sẽ trải qua sáu cõi luân hồi: thiên giới, nhân gian, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Trong đó, ba cõi đầu được coi là con đường tốt đẹp. Quan tài dài sáu thước là mong người mất được nhẹ nhàng siêu thoát, đầu thai vào chốn lành.
Thời bây giờ quan tài có nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau, nhưng với người coi trọng truyền thống, con số “sáu” vẫn là biểu tượng của lòng thành kính, mong người mất yên lòng nơi chín suối.