Theo thống kê năm 2009, hiện cả nước có 7.966 lễ hội.Thế nhưng, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, nhiều lễ hội đầu năm mới đã không còn giữ được vẻ đẹp cổ truyền, là hiện tượng văn hóa, đương nhiên chúng mang theo nhiều dấu ấn không hay của thời đại.
[links()]
Tin từ Hội khai ấn đền Trần vài hôm nay thật không vui, vẫn tái diễn cảnh bát nháo của nhiều năm trước. Nếu năm kia báo đưa tin “hãi hùng, nghẹt thở, kinh hoàng, chen chúc bẹp ruột, chặt chém trong đêm xin - cướp ấn đền Trần và có hiện tượng làm ấn giả” (Tiền Phong)... thì năm nay “ngay từ đêm 23, hàng nghìn người đã chen nhau vào đền...cướp kiệu rước, đoạt lộc đền, đạp đầu cưỡi cổ nhau để xin ấn, lòng tham có được lá ấn đền Trần để “quan lộ thênh thang” vẫn làm mờ mắt nhiều người...” (ANTĐ).
Cảnh người dân chen lấn, giẫm đạp lên nhau tại buổi phát ấn đền Trần sáng 24/2 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Lễ khai ấn có từ thời Trần, mở vào khoảng giữa “tháng ăn chơi”, mục đích là để nhà vua và triều đình khẳng định một năm làm việc mới của hệ thống quan lại các cấp (tương tự chỉ thị mới đây của Thủ tướng cấm viên chức ăn tết sa đà). “Khai ấn” chỉ có nghĩa là “bắt đầu đóng triện”, hệ thống khởi động làm việc sau nhiều ngày cất ấn nghỉ tết. Đó là một nét văn hóa tốt đẹp và khoa học, biểu hiện một xã hội kỷ cương, di sản của nhà chính trị xuất sắc Trần Thủ Độ.
Không hiểu từ đâu “khai ấn” đã trở thành “ban ấn”, nhuốm màu sắc của thời “chạy chức” rối loạn kỷ cương, xuống cấp đạo đức, đầu têu có lẽ là những người có chức hoặc mơ màng được thăng tiến. Cái biến tướng tha hóa đó cũng giống như với bà Chúa Kho. Thay vì để tưởng nhớ một bà chúa giúp triều đình làm hậu cần giỏi đánh giặc giữ nước, người ta lại đi lễ để vay vốn làm ăn.
Khách mời cũng ôm lộc, ném tiền
Tối 23/2, trong lúc người dân bị lực lượng cảnh sát, bảo vệ dồn ra khỏi đền Trần thì hàng trăm đại biểu cũng bắt đầu xếp hàng để vào làm lễ. Phía bên trái cổng đền Trần dành hẳn một bãi đỗ ôtô cho quan khách và một đường ra vào riêng. Người dân chỉ còn cách làm lễ hóng qua tầng tầng lớp lớp hàng rào sắt, cảnh sát, bảo vệ, dân phòng.
Rồi không khác khung cảnh bát nháo bên ngoài những hàng rào là mấy, sát giờ hành lễ, đại biểu, khách mời của ban tổ chức cũng “nổi loạn” với trăm kiểu chen ngang, giành chỗ và chửi bới lẫn nhau. Lực lượng bảo vệ can thiệp cũng khó làm yên các vị khách mời này bởi ai cũng muốn vào sâu bên trong hậu cung xin lộc. Càng sát giờ Tý (23g đêm 23/2), nhiều người càng bị kích động hơn khi loa của ban tổ chức đọc tên tuổi với đầy đủ chức danh quan chức từ trung ương đến địa phương vào làm lễ.
Đến sau giờ rước kiệu ấn và làm lễ khai ấn, nhiều người dân tranh thủ lúc chưa được vào còn đứng quanh bãi đỗ xe của ban tổ chức để xem mặt các quan chức đi lễ. Người cầm hoa, người cầm oản, nến túa ra ngoài với khuôn mặt hồ hởi. Cũng chính những vị khách mời này vò tiền thành nắm ném rào rào vào kiệu ấn khi nhà đền tiến hành nghi lễ rước ấn quanh hồ.
23g30 buổi lễ khai ấn kết thúc, bên ngoài các hàng rào chắn được mở cửa tự do, người dân túa vào đền Trần cúng bái gây nên tình trạng hỗn loạn |
Cái gì trong đền cũng thiêng!
Kể từ năm 2012, khi tỉnh Nam Định không tổ chức phát ấn vào đêm 14 nữa thì nảy ra “phong trào” vơ vét lộc đền. Trước khi tái diễn những trò làm xiếc như treo mình trên xà nhà thì những người đi hội còn thành thạo những trò như nhảy qua hàng rào, đu lên cây. Mệt mỏi và bức xúc sau hơn ba giờ chờ đợi bên ngoài, mỗi lần có người “hò dô”, những người đứng gần lại ra sức xô hàng rào sắt do lực lượng bảo vệ dựng lên. Giờ khai ấn vừa điểm, đám đông này lần lượt xô đổ hàng rào để vào trong. Cuộc càn quét lộc đền cũng bắt đầu.
Từ hoa trên ban thờ, nến thắp dở đến hoa quả đồ lễ đều lọt vào tầm ngắm. Cũng bởi thế, từ nửa đêm hậu cung đền Thiên Trường chật cứng người. Cảnh trèo lên lan can rồi mượn thế giẫm lên vai người đi trước để nhảy vào bên trong không hiếm. Những người đeo biển phục vụ lễ hội cũng tìm cách tiếp tay cho người nhà bằng cách nhanh tay “cất” ít lộc đền trước khi bị dòng người ào vào lấy mất. Những người không đủ sức chen vào thì trèo hẳn lên lư đồng, lấy chuông gõ lanh canh để lấy may.
Thanh Hóa: người dự lễ khai ấn cũng chen lấn, xô đẩy Ngay cả một lễ hội đền Trần nhỏ như ở Thanh Hóa người tham gia cũng chen chúc, xô đẩy, giành giật lẫn nhau. Cũng vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng giêng năm Quý Tỵ (đêm 23 rạng sáng 24-2), tại làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Trần của xã Hà Dương, chính quyền xã đã tổ chức lễ khai ấn, phát ấn đền Trần. Dòng người đổ xô vào khu vực các bàn phát ấn bên trong đền thờ Trần Hưng Đạo ngày một đông dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy nghẹt thở suốt hơn 40 phút từ giờ phát ấn. Lực lượng công an, dân quân của địa phương phải căng mình vãn hồi trật tự. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - bí thư Huyện ủy Hà Trung - thừa nhận công tác đảm bảo an ninh trật tự tại lễ khai ấn, phát ấn đền Trần năm nay chưa được tốt do không lường trước được số lượng du khách và nhân dân địa phương đến dự lễ đông gấp đôi so với năm ngoái. |
- An Khanh (Tổng hợp từ TTO)