Toán học ở họp Quốc hội

09:44, Thứ năm 01/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Bộ trưởng Xây dựng cho rằng dư nợ bất động sản khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi thống kê của NHNN là khoảng 203.000 tỷ; Bộ Tài chính xin lùi tăng lương sau đó lại chuyển thành chỉ tăng thêm 100.000 đồng...

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng dư nợ bất động sản khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi thống kê của NHNN là khoảng 203.000 tỷ; Bộ Tài chính xin lùi tăng lương sau đó lại chuyển thành chỉ tăng thêm 100.000 đồng; Thống đốc NHNN cho biết có khoảng 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng...
[links()]
Dư nợ bất động sản: 1 triệu tỷ đồng hay 203.000 tỷ?

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra khá nhiều con số đáng quan ngại về thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra khá nhiều con số đáng quan ngại về thị trường bất động sản.


Tuy nhiên, sáng 31/10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tính toán, nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/10, trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói: "Hiện nay tôi nắm được dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỷ, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ".

Tuy nhiên, con số Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đưa ra lại cách xa một trời một vực. Theo đó, cho vay bất động sản, xây dựng chỉ chiếm 5% tổng dư nợ.

Ông Tiến cũng thêm một lần khẳng định con số này khi Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi lại.

Lộ trình tăng lương: Chưa tăng - Tăng - Chưa tăng?

Chính phủ lần đầu tiên trình bày khả năng lùi tăng lương là vào phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/10 và chính thức đưa vào báo cáo tại đầu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (khai mạc 22/10).

Tuy nhiên, đến sáng 31/10, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, sau khi tính toán lại cân đối ngân sách, chủ động cắt giảm các khoản chi, trong đó có chi đầu tư, Chính phủ quyết định vẫn giữ lộ trình tăng lương trong năm 2013. Tuy nhiên, mức tăng sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, lương tối thiểu của khoảng 8,3 triệu người lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách… sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100.000 đồng so với mức 1,05 triệu đồng hiện nay. Thời điểm áp dụng kể từ 1/7/2013.

Chính phủ đề xuất tăng lương thêm 100.000 đồng
Chính phủ đề xuất tăng lương thêm 100.000 đồng

"Dường như sức ép từ phía công chúng khiến Chính phủ phải thay đổi ý kiến của mình, từ chỗ ngừng tăng lương theo đúng lộ trình lên 1,3 triệu đồng rồi chuyển thành chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng và lùi thời gian thực hiện hai tháng. Nhưng quả thật ngân sách khó khăn thế này, nguồn đâu mà tăng lương", lãnh đạo một ủy ban của Quốc hội chia sẻ bên hành lang chiều 31/10.

Đề xuất tăng lương 100.000 đồng của Chính phủ không nhận được nhiều ý kiến tán đồng tại nghị trường. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, "có lẽ chưa thể tăng lương được". Ông cho rằng, nếu có tăng, thì chỉ nên chọn lọc với một số đối tượng là những đối tượng chính sách, các cụ hưu trí và một bộ phận công chức thu nhập dưới 2-3 triệu đồng mỗi tháng.

20 tỷ đô chôn chặt vào vàng

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những hạn chế trong quản lý thị trường vàng.

Ông Bình nói, Ngân hàng Nhà nước đã không làm tốt việc tuyên truyền phổ biến chính sách trong quản lý thị trường vàng, nên có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây bất ổn trên thị trường.

Thống đốc cho biết, theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15 đến 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng.

Thực hiện đề án chống "vàng hóa", Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng, trong đó có Nghị định 24 và đã có kết quả ban đầu.

Từ tháng 5/2012 trở lại đây, giá vàng bên ngoài và trong nước chênh nhau khá lớn, nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá hoàn toàn ổn định. Ngay lúc Quốc hội đang họp, giá vàng cao hơn thế giới 3 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn hạ.

Như vậy, mục tiêu ban đầu đã đạt kết quả rất có ý nghĩa quyết định, tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã được chặn đứng, từ tháng 5 đến nay, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng và mua 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay để tăng thanh khoản và góp phần giảm lãi suất, ông Bình cho biết.

  • Minh Minh (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc