“Mỗi lần nghe con bi bô gọi tiếng cha, lòng tôi lại dâng trào niềm hạnh phúc. Xúc động đến rớt nước mắt bởi sau bao sóng gió cuối cùng tôi đã có tổ ấm cho riêng mình. Tôi phải sống, sống tốt và cống hiến cho xã hội như một cách trả nợ cuộc đời”. Sinh năm 1972 nhưng gần 10 năm sống chung với căn bệnh thế kỉ, Lê Công Thông chưa bao giờ dám mơ hạnh phúc ngày hôm nay là có thật với một kẻ anh chị một thời dọc ngang khắp chốn như anh…
[links()]
Giang hồ một cõi
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của cậu bé Thông là những chuỗi ngày lang thang đầu đường xó chợ cùng đám bạn nghèo trong xóm. Gia cảnh quá khó khăn nên Thông chỉ học đến hết cấp 2 thì ở nhà phụ mẹ bán hàng.
Sớm va chạm với cuộc sống và đồng tiền trong một môi trường phức tạp, cậu bé Thông hiền lành, vô tư dần biến thành một tên côn đồ xấc xược, ngang tàn tuổi mới lớn.
Thông tham gia đủ các đám đánh nhau lớn nhỏ và nổi tiếng bởi sự gai góc, lạnh lùng nên 18 tuổi Thông đã được biết tiếng là quậy nhất xóm trọ nghèo. Mẹ không thể can ngăn, bà con lối xóm đều phải chủ động không “dây” với Thông để bảo vệ cho chính bản thân.
Quậy chán ở xóm, Thông tụ tập đám bạn bè xấu, suốt ngày ăn không ngồi rồi ngày ngày kéo nhau hết đi đâm thuê chém mướn lại đến bảo kê nhà hàng. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng bộ mặt ngầu, lầm lỳ và sự liều lĩnh của Thông thì trong đám xã hội đen không ai không biết tiếng.
Chỉ một cái nhìn bị cho là “đểu” của một ai đó nhìn mình, Thông sẵn sàng cho đàn em chém người đó một trận thừa sống thiếu chết. Băng nhóm của thủ lĩnh Lê Công Thông đã gây ra hàng loạt các vụ đánh nhau, đâm chém ầm ĩ gây đau đầu suốt một thời gian dài cho chính quyền địa phương.
Uy quyền của một kẻ giang hồ và tiền bạc đã khiến Thông trượt dài trên con đường lầm lạc. Dù có những giây phút ngắn ngủi Thông nghĩ về mẹ cha, về gia đình nhưng máu “yêng hùng” nổi lên Thông cho qua đi tất cả để chứng tỏ bản lĩnh với đám đàn em dưới chướng.
Vết trượt đó cứ kéo dài cho đến một lần khi băng nhóm của Thông tranh giành địa bàn bảo kê với bang nhóm khác trận hỗn chiễn đang diễn ra thì công an ập tới bắt cả đám Thông phải trả giá cho những tháng ngày nông nổi tuổi trẻ của mình bằng 5 năm tù giam.
Trở về
Chịu cảnh giam cầm sau song sắt lạnh lẽo Lê Công Thông mới thấm thía sự mất tự do, mới thấm thía hạnh phúc mình đã vuột mất cho những trận chiến đẫm máu vì tiền, vì gái. Bây giờ, chỉ còn duy nhất trong Thông là sự cô đơn trong 4 bức tường giam lạnh lẽo.
Thời gian chậm chạp trôi qua với một kẻ bị lãng quên! Ra tù, trở về với đời thường một thời gian thì Thông phát hiện ra mình bị nhiễm HIV. Thông không biết mình lây căn bệnh thế kỉ đó từ ai, khi nào và bằng cách nào, nhưng sự thật ấy đang hiện hữu ngay trước mắt.
Một tay anh chị như Thông không biết rơi nước mắt khi cầm dao chém người khác, nhưng chỉ trong tích tắc nhìn thấy kết quả xét nghiệm HIV, Thông đã khóc và đã sụp đổ hoàn toàn. Không người thân, không bạn bè, không nhà, không cửa và bệnh tật.
Một dấu chấm hết hoàn hảo cho cuộc đời của chàng trai trẻ. Suy sụp tinh thần, Thông bỏ nhà đi lang thang, đám đàn em năm xưa giờ nhìn thấy Thông bệ rạc chúng quay mặt làm ngơ, may mắn lắm mới có đứa vứt cho vài đồng bạc lẻ khi bất ngờ gặp anh.
Rồi Thông được các đồng đẳng viên quận 8 tìm gặp và giới thiệu anh tham gia nhóm tự lực dành cho người có H.
“Cuộc đời tôi có thật nhiều những ngã rẽ bất ngờ. Có ngã rẽ đã khiến tôi trượt dài nhưng lần này đã giúp tôi trở về con đường hoàn lương. Các thành viên nhóm dành rất nhiều thời gian bên tôi, động viên tinh thần và giúp tôi hiểu biết hơn về căn bệnh mình đang mắc phải. Người nhiễm H không có nghĩa là phải chết”.
Lê Công Thông nhớ lại. Anh tình nguyện tham gia sinh hoạt nhóm và rất tích cực cùng tham gia vào các hoạt động xã hội. Một Lê Công Thông đã được lột xác hoàn toàn. Anh được nhận vào làm việc tại Trung tâm chăm sóc Ban ngày (thuộc Trung tâm Y tế, quận 8, TP.HCM) với vị trí của một nhân viên y tế.
Công việc không quá vất vả với những người có H, vừa giúp anh có tiền trang trải cuộc sống, vừa tạo điều kiện để anh tiếp xúc và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ như mình.
Anh chia sẻ: “Nhìn những người đến đây xét nghiệm, những người có H tôi nhận ra mình của một thời. Lúc phát hiện ra, tôi đã hoang mang cực độ, đau khổ vô cùng, nhưng rồi được sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình, tôi đã vững vàng vượt qua bệnh tật.
Và bây giờ khi chính mình được tham gia vào các hoạt động xã hội, tôi mới nhận thấy mình đã đánh mất bao nhiêu điều đáng quý cho những năm tháng tuổi trẻ bồng bột. Và tôi biết cuộc đời này thật ý nghĩa, đừng bao giờ để phí phạm”.
Và chính anh là người nhiệt tình nhất an ủi, động viên mỗi người bệnh có H. Anh coi họ như anh em bạn bè và tích cực giới thiệu họ đến tham gia sinh hoạt tại những câu lạc bộ đồng đẳng trên địa bàn sinh sống.
Ngoài công việc tại Trung tâm, Thông dành phần lớn thời gian còn lại công việc ở nhóm Bạn giúp bạn. Là một thành viên nòng cốt lại năng nổ, nhiệt tình nên công việc nào cũng đến tay anh.
Anh cùng nhóm Bạn giúp bạn phân công nhau sắp xếp, dọn dẹp phục vụ các cuộc họp, hội nghị ở Trung tâm; Vào sổ tên bệnh nhân; Thăm hỏi và an ủi những người bệnh nặng…Mọi người trong Trung tâm đều dành cho Thông những lời khen ngơi và tình cảm yêu quý bởi Thông luôn dồn tâm sức làm việc, hoàn thành nhanh và tốt.
Công việc tình nguyện tại Trung tâm với vài trăm ngàn bồi dưỡng hàng tháng không đủ chi nên Thông chạy thêm xe ôm hoặc chở hàng thuê. Dù mỗi cuốc xe chỉ vài chục ngàn nhưng anh luôn hào hứng.
Kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình là niềm hạnh phúc mà anh đã đánh mất từ rất lâu nên dù mệt, dù vất vả Thông vẫn vui vẻ mỗi ngày với công việc của mình. Vậy nên khách hàng quen thuộc của anh xe ôm Thông luôn yêu mến chàng trai có khuôn mặt rất ngầu nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.
Anh cũng thật thà bảo: “Nhiều hôm đang chạy xe gặp những bạn bè cũ đang vạ vật nơi góc đường là tôi dừng xe luôn và gọi điện cho nhóm cử người đến giúp đỡ. Nhìn bạn bè vậy không đành lòng. Dù mình chẳng giúp được gì nhiều nhưng cũng thấy an lòng khi bạn được trợ giúp”.
Hạnh phúc giản đơn
Những tưởng cuộc đời cứ như thế trôi qua nhưng một lần nữa Thông lại có khúc rẽ mới cho mình. Nói đến đây, khuôn mặt rất “ngầu” của Thông thoáng chút ưu tư, lo lắng nhưng ánh mắt lại ánh lên niềm hạnh phúc.
Cũng thật dễ hiểu vì giờ đây Thông không chỉ một mình. Có một người phụ nữ đã vượt qua búa rìu dư luận cùng bao lời dèm pha để để yêu anh và chung sống trọn đời cùng anh. Anh xúc động kể về người vợ yêu thương của mình:
“Chúng tôi gặp nhau trong một lần đi tham dự hội thảo về HIV. Chẳng hiểu sao cô ấy lại để ý đến tôi, thương cảnh cơm niêu nước lọ của tôi. Tình yêu của chúng tôi không như những tình yêu đôi lứa khác bởi cô ấy chấp nhận yêu tôi, làm vợ tôi là nhận về mình rất nhiều thiệt thòi.
Thế nhưng cô ấy quyết theo tôi và bảo muốn có một đứa con để sau này nó bưng hình cho mình đỡ tủi. Nghe những lời cô ấy nói tôi cũng không thể tin được thì người ngoài dèm pha cũng là chuyện thường”.
Mặc dù cảm nhận tình cảm chân thành của chị nhưng bao đêm suy nghĩ, dằn vặt trước sự sống chết mong manh của chính mình anh không dám đèo bòng vợ con, cũng không dám mơ mộng có một tổ ấm cho riêng mình.
Thế nhưng anh càng tránh chị thì chị lại càng tìm tới anh, gần gũi, chia sẻ cho anh mọi việc lớn nhỏ. Chị bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên can của người thân, bạn bè để dọn về sống với anh.
Một người phụ nữ dũng cảm dám yêu và chung sống với một người có H như anh! Hạnh phúc càng được nhân đôi khi năm 2008, gia đình nhỏ của anh đón chào thành viên mới . Lần đầu tiên nhìn thấy con, Thông đã khóc như một đứa trẻ.
Chưa bao giờ, chưa một lúc nào hạnh phúc ngập tràn đến như thế. Để có được những giọt nước mắt hạnh phúc như ngày hôm đó Thông đã phải trả một cái giá quá đắt nhưng anh vẫn luôn bảo mình vẫn còn là người may mắn.
Đứa nhỏ nay đã 4 tuổi, hiếu động trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho người cha trên con đường xây dựng lại cuộc đời và cống hiến cho xã hội. “Tôi đã nợ bao người và nợ cuộc đời tươi đẹp này nhiều quá. Bây giờ là lúc phải trả rồi”, Thông chia sẻ.
Giờ đây do bận rộn tham gia công việc ở Khoa Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng quận 8, Thông không đủ thời gian giữ mối chạy xe chở hàng. Do vậy, ngoài giờ làm việc, Thông lại xắn tay đỡ vợ chút ít việc nhà, chăm sóc con cái để cô tranh thủ đính cườm áo lễ để tăng thu nhập.
Dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn chất chồng trên vai anh nhưng Thông vẫn dành những khoảng thời gian để 2 vợ chồng cùng giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ có thêm niềm tin, yêu đời và vượt qua bệnh tật để sống có ích, sống cống hiến cho xã hội.
Và chính Thông cũng tin may mắn rồi sẽ mỉm cười như vị thần may mắn đã mang đến tổ ấm yêu thương cho anh lúc này.
Trong căn nhà trọ nhỏ xíu, tuềnh toàng trong khu xóm trọ, người ta luôn nghe thấy tiếng nói cười rộn ràng, tiếng trẻ nô đùa, bi bô gọi cha mẹ. Trong mái ấm nghèo ấy, hạnh phúc chỉ giản đơn là được chia sẻ và yêu thương thật nhiều.
- Vũ Linh