Tội phạm tuổi teen mếu máo vì nhớ mẹ

06:01, Thứ năm 20/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhà em rất gần với trại tạm giam, đứng ở cổng có thể nhìn thấy, mỗi lần như vậy, em cố gắng quay đi, vì em sợ mình sẽ khóc khi hình dung ba mẹ đứng ở cổng nhìn lên trại tạm giam, ngóng chờ đứa con tội lỗihellip;

Thằng bé nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế bằng sắt ở phòng thăm gặp. Nó sinh năm 1997, tên là Nguyễn Văn Út, bị đi tù vì tội cướp tài sản. Nếu nhìn vào vóc dáng của nó, nhìn vào tuổi đời của nó, hẳn chẳng ai nghĩ nó dám “liều” tới mức vác dao bầu đi cướp điện thoại, máy tính.

Ngồi trong trại tạm giam, nó mếu máo, sụt sịt vừa khóc, vừa hồi tưởng lại quãng đời quậy phá, chọc trời khuấy nước và nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ.

Trớ trêu nhất, nhà của Út ở ngay dưới cổng trại tạm giam, đứng ở “trong này” có thể nhìn thấy thấp thoáng mái ấm gia đình, chỉ cách một chiếc cổng sắt đã là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt.

Từ đứa trẻ gan lỳ ham chơi hơn ham học…

“Em tên là Nguyễn Văn Út, SN 1997, trú tại tổ 1, phường Duy Tân, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Em là con út trong gia đình có 7 anh chị em, nên ba mẹ đặt luôn tên là Út.

Hay ốm yếu, lại là con út nên ngay từ nhỏ em đã được ba mẹ cưng chiều, ưu ái hơn so với các anh chị khác trong nhà. Biết rõ đặc quyền, đặc lợi con út, em quậy phá và làm ba mẹ phiền lòng rất nhiều.

Mải chơi, không chịu học hành, ì ạch lưu ban “2 năm một lớp”, thường xuyên bị thầy cô rầy la, bạn bè chê cười, những con chữ, bài toán sớm trở thành “cơn ác mộng” của đứa trẻ lên 9.

Hồi ấy, 9 tuổi, em mới học lớp 2 vì bị “đúp”, em tự đưa ra “quyết định” động trời: bỏ học. Biết rằng, tội tự ý bỏ học sẽ bị ba mẹ đánh đòn, nên thay bằng việc trở về nhà sau giờ tan học, em dạt vòm, lang thang một mình khắp các hang cùng ngõ hẻm ở thành phố Kon Tum.

Phạm nhân Nguyễn Văn Út
Phạm nhân Nguyễn Văn Út

Lếch thếch khoác chiếc ba lô trên vai, trong đầu em khi đó chỉ nghĩ đơn giản một điều, tìm chỗ nào ẩn náu càng khó phát hiện càng tốt. Nếu mò mặt về nhà kiểu gì cũng bị ăn nguyên một bữa lươn, bữa trạch vào mông, và kinh hãi nhất là ba mẹ sẽ bắt quay trở lại trường lớp.

Em ghét đi học. 2 ngày liên tiếp lang thang, người đi đường thương tình thấy một thằng bé nhỏ con, trông lôi thôi như dân bụi đời, liền cho miếng bánh mỳ, ngụm nước lót dạ, cầm hơi.

Cứ trưa và tối, em nhằm ghế đá công viên làm giường, lấy sương làm mền, ngủ ngon lành. Sau này ngẫm lại, cũng thấy mình “liều” thật đấy. Nhỏ tí đã biết “bày đặt” bỏ nhà đi bụi, may không bị bắt cóc.

Sau 2 ngày lang thang, vạ vật sống chung với đói, rét, đứa trẻ lên 9 cũng phải chùn chân, em đành “khăn gói quả mướp” quay trở về nhận tội trước mặt ba mẹ. Vừa nhìn thấy em xuất hiện, mẹ ôm chầm lấy, nước mắt ngắn dài hỏi: “con đi đâu 2 ngày nay, ba mẹ tìm đỏ mắt không thấy đâu cả”.

Ba vừa thương, vừa giận nhưng nhìn em thảm hại quá nên không nỡ đánh đòn. Thấy con trai không thiết tha với bảng đen, phấn trắng, lường trước được “hậu quả” có thể tiếp diễn nếu như ép em tới trường, ba mẹ đồng ý cho em nghỉ học đúng như sở nguyện.

Thật kì lạ, những đứa trẻ khác khát chữ, thèm chữ và ao ước được học chữ, còn em, có cơ hội được đến trường nhưng một mực từ chối, quay lưng với nó. Có thể, chính vì sự kém hiểu biết, nông cạn này đã tạo thành một chuỗi những sai lầm sau này trong cuộc đời em.

Bỏ học, sức vóc không có, trong khi tuổi còn nhỏ, không thể làm các công việc nặng, em được giao nhiệm vụ ở nhà trông cháu giúp các anh chị. Em miễn cưỡng vâng lời. Lớn hơn một chút, ba mẹ kéo em làm việc cùng ba mẹ ở lò gạch.

Công việc ở đây tuy vất vả, nhưng cũng đỡ tù đọng, nhàm chán hơn việc trông trẻ con. Khi em 15 tuổi, ba mẹ cho em xuống nhà chú ở Gia Lai học nghề làm biển quảng cáo, cắt dán chữ. Công việc không nặng nhọc, vất vả, song đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và một chút khéo léo, tỉ mẩn.

Cũng có lúc cảm thấy mình không phù hợp với công việc đi vào tiểu tiết như vậy, nhưng xét đến cùng, em cần một nghề để tự lập cuộc sống, trong khi tri thức, học thức không có, nên bám trụ, học hỏi nghề làm biển quảng cáo này cũng là may mắn lắm rồi.

Nghĩ vậy, em cố gắng học hỏi tay nghề, nén nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ xuống. Vào mấy ngày dư dả không nhiều việc, em xin phép chú cho về thăm ba mẹ và đây trở thành dấu mốc làm xoay chuyển cuộc đời em.   

…Đến liều lĩnh cầm dao bầu đi cướp đêm

Đó là một buổi đêm, khoảng tầm 10h ngày 7/6/2012, sau khi đi nhậu cùng tụi bạn, đang trên đường trở về nhà, em gặp anh Phương (tức Nguyễn Tri Phương, SN 1992, trú tại 506/1 Phan Đình Phùng, TP Kon Tum_ PV) đang đi cùng anh Hiếu và Mười.

Anh Phương rủ em đi cướp lấy tiền tiêu sài. Có men rượu và cũng đang thiếu tiền tiêu, em gật đầu đồng ý và nhập hội cùng các anh ấy. Tụi em đi xe mô tô tới lán trại xây dựng công trình trụ sở Trung tâm Viễn thông Kon Tum, thuộc tổ 3, phường Ngô Mây, vì biết chắc đó là nơi có thể “bắt được con cá to”.  

Khi vào lán, thấy chỉ có một người đang ngồi ở đó, tụi em xông tới, dùng hung khí khống chế người đàn ông đó. Sau này mới biết anh ấy tên là Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ kỹ thuật công trình và cướp được chiếc máy tính xách tay.

Sau khi thu được chiến lợi phẩm, tụi em lên xe máy và rồ ga phóng đi. Hả hê với “chiến công” vừa gặt hái được, em tiếp tục cùng nhóm anh Phương đi “săn mồi” thâu đêm.

Đến tầm 1h sáng, ngày 8/6, khi đi ngang qua nhà anh Nguyễn Đình Hậu (tổ 1, phường Duy Tân, TP Kon Tum), thấy nhà anh yên ắng, cửa sổ khép hờ, tụi em bảo nhau đột nhập vào nhà trộm cắp.

Chủ nhà ngủ say tới mức tụi em đi lại trong phòng, nhìn ngó những đồ giá trị cũng không hề hay biết, tới khi nhìn thấy chiếc điện thoại Nokia ở đầu giường – có vẻ là có giá trị hơn cả, Phương cầm lấy chiếc điện thoại.

Lúc này, anh Hậu phát hiện ra có kẻ gian đột nhập, anh toan hô hoán và nắm lấy tay Phương. Hoảng hồn, Phương hét lên gọi hỗ trợ, sẵn con dao bầu trong tay, em đâm vào đùi anh Hậu một nhát. Trong khi nạn nhân kêu la vì vết thương ở phần mềm đang chảy máu, tụi em hò nhau bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau phi vụ đó, em và Phương về nhà Phương ngủ, ngây thơ tin rằng sự việc không bị bại lộ. Nhưng, chỉ sau 6 tiếng gây ra vụ trộm cắp, các chú Công an đã tìm tới nhà Phương và tóm gọn em và Phương khi cả 2 đứa vẫn còn ngái ngủ.

Quen với việc em thường xuyên vắng nhà, ba mẹ nghĩ đơn giản em đi chơi cùng bạn và ngủ nhà bạn giống như bao lần khác, nhưng khi các chú Công an báo tin em bị bắt vì tham gia vào vụ cướp tài sản táo tợn lúc nửa đêm, ba mẹ chết lặng.

Lần đầu tiên và duy nhất em được gặp ba mẹ cho tới thời điểm này, là lần gặp mặt ở trụ sở Công an thành phố. Ba mẹ mang quần áo tới cho em. Nói trong làn nước mắt, mẹ bảo: “Sao con dại thế? Ba mẹ chẳng còn mặt mũi nào nhìn người ta”, rồi mẹ khóc.

Em biết, mình đã gây nên tội, em hối hận lắm. Ba mẹ em xuất thân là dân xứ Nghệ hiền lành, chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động, thật thà, không hiểu sao lại sinh ra đứa nghịch tử như em. Nhiều đêm không ngủ được vì nhớ ba mẹ, em càng trách mình, thấy mình giống như oan nghiệt của ba mẹ vậy.

Em bị đưa vào trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum, vụ án của em được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ, và với hi vọng có thể sớm trở về đoàn tụ với ba mẹ, trong suốt quá trình xét hỏi, em đã thành khẩn khai báo, mong chờ sự khoan hồng của Pháp luật.

Nhà em ở dưới ngay chân cổng trại giam, đã không biết bao nhiêu lần, em chứng kiến cảnh những chiếc xe bít bùng dẫn giải phạm nhân từ nơi khác nhập trại và từ trại chuyển đi nơi khác.

Từ nhỏ, em cơ hồ sợ hãi mỗi lần nhìn lên “thế giới” sau cánh song sắt nhà tù, và mường tượng một thế giới hiểu là “địa ngục trần gian”, như người ta vẫn thường nói. Nhưng, khi bị bắt, em được các cán bộ quản giáo động viên, giúp đỡ rất nhiều.

Các chú, các bác thường khuyên em là: “Cháu còn ít tuổi, còn cả tương lai rộng mở phía trước. Vì thế hãy thành khẩn khai báo để hưởng khoan hồng của Pháp luật, sớm trở về đi tiếp quãng đời thênh thang phía trước”.

Nhà tù không giống như “địa ngục trần gian” mà người đời mô tả. Ở đây có tình người, có lòng bao dung, yêu thương thực sự - những điều em từng không tin là có thật trong thế giới tù tội, nhưng cho tới hôm nay, sau tất cả những gì “nhận” được từ các bác, các chú cán bộ, quản giáo, em tin tưởng rằng ở nơi tối tăm này vẫn có những tấm lòng thơm thảo, tốt bụng.

Ngôi nhà nhỏ của em, chỉ cách trại tạm giam này dăm bước chân, đứng ở cổng có thể nhìn thấy thấp thoáng, mỗi lần như vậy, em thường cố gắng quay mặt đi, vì em sợ mình sẽ khóc khi hình dung ba mẹ đang đứng ở cổng nhà, xa xăm nhìn lên trại tạm giam, ngóng chờ đứa con tội lỗi…

Lời Kết: Xét cho cùng, Nguyễn Văn Út vẫn chỉ là một đứa trẻ, vẫn còn khóc ầm ĩ cả đêm vì nhớ ba mẹ, vẫn quanh co khi nhắc về tội lỗi, vẫn hào hứng kể về lần dạt nhà khi lên 9.

Út là một “cây non” chưa kịp lớn, và với những “cây non” như thế này, càng cần hơn sự chung tay uốn nắn của cả gia đình và xã hội, để cái cây ấy có thể đứng thẳng, trụ vững trước sóng gió cuộc đời.

  • Trang Đỗ Miêu (ghi theo lời kể Nguyễn Văn Út – trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum)

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc