Từng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, được ăn học đầy đủ, nhưng trong một lần giúp anh trai “đòi” lại gỗ từ tay kiểm lâm, 2 anh em tôi đã gây ra một vụ giết cán bộ kiểm lâm gây xôn xao dư luận ở Bình Thuận năm 1996. 6 năm trời chạy trốn truy nã, tôi vẫn không thoát khỏi án tù 20 năm. Cả cuộc đời mình, cả tuổi thanh xuân của mình, cả hạnh phúc của mình, tôi đều đã phải đem ra để trả giá cho những sai lầm đã gây ra, dẫn đến cái chết của một người vô tội, trong một câu chuyện mâu thuẫn không đáng có.
Lời thú của kẻ giết người trốn truy nã ở Bình Thuận
Gia đình tôi sống ở Bình Thuận. Cả nhà ngoài làm nông thì còn có nghề khai thác gỗ. Vào cái đêm định mệnh của 14 năm trước, anh trai tôi về, báo tin là xe gỗ bị kiểm lâm thu và gọi tôi lên trạm kiểm lâm để xin lại.
Lúc đó, vợ tôi đang có mang. Tôi đi mà không ngờ cái đêm đó đã đẩy cuộc đời mình bước sang một trang khác, với những ký ức đen tối và đau buồn.
Đêm hôm đó, 2 anh em tôi cùng với 4 người nữa đã lên trạm kiểm lâm để xin lại số gỗ bị tịch thu. Nhưng sau một hồi vừa xin, vừa mua chuộc không được, chúng tôi đã xông vào hành hung các cán bộ kiểm lâm, gây ra cái chết đáng tiếc cho 1 người và khiến những người còn lại bị thương.
Vì là người đứng đầu, nên anh trai tôi bị lãnh án tử hình, còn tôi vì quá sợ hãi nên đã bỏ trốn ngay trong đêm. Đó là những ngày cực kỳ tăm tối với gia đình tôi. Bố mẹ tôi coi như mất đi một lúc 2 đứa con trai.
Tôi, vì sợ hãi nên chạy trốn, nhưng suốt quãng thời gian lang thang, phiêu bạt, trốn truy nã, tôi chưa bao giờ có được một phút giây thấy lương tâm thanh thản.
Phạm nhân Nguyễn Hữu |
Mặc cảm tội lỗi với người cán bộ bị mình giết hại, sự ân hận với bố mẹ, vợ con đã khiến 6 năm trời trốn chui, trốn lủi của tôi trôi qua trong tột cùng tủi cực và đau đớn.
Tôi đã bắt đầu hành trình chạy trốn của mình qua hầu hết các tỉnh miền Nam. Đêm đầu sau khi gây tội, tôi bơi qua sông rồi chạy trốn vào Tp.HCM, sau đó lại ngược ra Cam Ranh, Khánh Hòa, tiếp tục chạy lên Buôn Mê Thuột, rồi lại sang Gia Lai, qua Đắk Nông, Đắk Lắk, xuống Bình Dương, sông Bé… rồi lại về Tp.HCM.
Cứ như thế, bước chân của tôi đã đặt đến hầu hết các tỉnh miền Nam, nơi nào cũng chỉ ở lại một thời gian ngắn, cứ thấy động là lại chạy.
Tôi không bao giờ có thể quên những ngày trốn truy nã. Tôi luôn mang trong lòng nỗi sợ hãi bị công an bắt. Ám ảnh đến nỗi, ở Tây Nguyên, nơi chủ yếu bà con đi chân đất, đi dép lào, chỉ cần nhìn thấy một người đi dép da là tôi đoán ngay đó là công an.
Thế là chỉ một lúc sau, tôi đã thu dọn đồ đạc rồi lại lạc bước sang một vùng đất mới, xa lạ, với hi vọng kiếm được một nơi trú ẩn an toàn hơn.
6 năm trời trải qua cảnh trốn chạy sự truy đuổi của công an, tôi đã thấm thía hơn ai hết nỗi cay đắng, cực nhục của một kẻ phạm tội trên đường trốn chạy, lúc nào cũng sống căng thẳng, sợ hãi và luôn mang cảm giác bị rình rập.
Có một thời gian, tôi trốn ra Cam Ranh, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Buổi chiều đi lao động về, nghe đứa cháu bảo có một công an và một dân quân đang đứng đợi tôi trước cổng nhà. Biết có chuyện chẳng lành, tôi bỏ chạy thừa sống thiếu chết, bất chấp các đồng chí công an vừa chạy theo đuổi, vừa bắn chỉ thiên cảnh cáo phía sau.
Hôm đó, trời mưa tầm tã, tôi cứ thế chạy thục mạng, bất chấp trời mưa, sấm chớp. Nỗi sợ hãi lấn át toàn bộ tâm trí tôi. Tôi cứ đi mải miết trong rừng, đi suốt đêm, chỉ nghĩ đến việc thoát khỏi sự truy đuổi của công an, mà hoàn toàn không thấy mệt mỏi. Hôm đó, vì trời mưa, nên tôi may mắn trốn thoát.
Cuộc sống trốn chạy của một tên tội phạm căng thẳng đến nỗi, trong nhiều năm trời, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết. Vì thấy cuộc sống của mình khi đó còn kinh khủng và tuyệt vọng hơn cái chết.
Tôi nhớ nhất là có lần vô tình, trong một lúc ngồi xem tivi, tôi tình cờ xem được chương trình “Vì an ninh tổ quốc” phát phóng sự về vụ án mà anh em mình gây ra.
Qua phóng sự đó, tôi mới biết người cán bộ kiểm lâm xấu số bị anh em tôi hại chết còn để lại một đứa con nhỏ bơ vơ không ai chăm sóc. Khi đó, cổ họng tôi nghẹn đắng, nước mắt chỉ chực ứa ra, cảm giác tội lỗi ùa về, khiến lương tâm tôi không sao thanh thản được.
Sau lần xem chương trình “Vì an ninh tổ quốc”, tôi thường xuyên bị linh hồn người cán bộ kiểm lâm hiện về ám ảnh. Cảm giác tội lỗi mỗi ngày một chất chồng. Đến một hôm, không chịu đựng nổi nữa, tôi đã quyết định đi đầu thú.
Tôi bắt xe đến Công an tỉnh Bình Thuận, đã dừng chân trước phòng PC14 của công an tỉnh với ý nghĩ chắc chắn mình sẽ đầu thú, để chấm dứt cuộc đời chui lủi đầy mệt mỏi này. Nhưng cứ như là ma xui quỷ khiến, khi đứng trước trụ sở của công an tỉnh, tôi lại không sao bước chân vào được.
Tôi đứng đó, tần ngần suốt 2 tiếng đồng hồ cho đến tận chiều tối, cứ bụng bảo dạ phải nhấc cái chân lên để bước vào mà không sao làm được. Đứng ở cái thời khắc phải đối mặt với tội ác mình gây ra, tôi đã không đủ can đảm và dũng khí để nhận tội và chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Cuối cùng, tôi đã từ bỏ ý định. Tôi lại bắt xe và đi vào miền Nam, lại tiếp tục mệt mỏi với cuộc sống nay đây mai đó, lại chung sống với sợ hãi và lo lắng, lại bị lương tâm dằn vặt mỗi đêm.
Những chiêm nghiệm đau đớn về luật nhân quả
Nhưng ngày đền tội của tôi cuối cùng đã tới. Năm 2002, tôi bị công an bắt tại Tp.HCM. Khi ấy tôi vừa thấy sợ hãi, chân tay bủn rủn, nhưng cũng thấy nhẹ cả người, cứ như mình vừa được giải thoát khỏi tảng đá hàng nghìn cân đang đè nặng lên ngực.
Tôi nghiệm ra cái ý nghĩa của luật nhân quả mà mà các cụ vẫn nói, nhận ra rằng ở đời, cái ác sẽ bị trừng trị, có tội thì phải trả, nhận ra 6 năm trời chạy trốn của mình thật vô nghĩa và không đáng giá, vì dù sớm hay muộn, tôi vẫn phải đền tội trước pháp luật, vẫn phải đối diện với sự trừng phạt của tòa án lương tâm.
Ngày đó, nhận thức pháp luật của tôi chưa tốt, tôi xem những hình ảnh về chuồng cọp, hầm đá ở nhà tù Côn Đảo thời Pháp, Mỹ mà kinh hãi, cứ nghĩ đi tù như thế thì chẳng thể sống nổi. Thế nên tôi chạy trốn.
Đến lúc bị bắt lại, vào buồng giam, thấy được ăn uống đầy đủ, chỗ ăn ngủ, chỗ tắm rửa vệ sinh đều tử tế. Lúc đó tôi bật khóc, vừa mừng, vừa tủi, vừa đau đớn, vừa xa xót.
Tôi chạy trốn 6 năm, anh trai bị tử hình, bố mẹ tôi vô cùng đau đớn. Có lần tôi liều mạng về thăm, ông bà đã khuyên tôi ra đầu thú và nói: “Con là niềm hi vọng duy nhất còn lại của bố mẹ, bây giờ con cứ chạy trốn như thế, bố mẹ biết sống làm sao”.
Khuyên tôi không được, vì quá đau đớn nên cuối cùng bố mẹ tôi đã lần lượt ra đi. Đám tang bố và mẹ, tôi đều không có mặt. Tôi không chỉ là một tên tội phạm mang tội giết người, mà còn là đứa con tội đồ, bất hiếu với bố mẹ.
Nếu biết nhà tù như thế này, thì tôi đã chẳng trốn làm gì, cho hoài phí những năm trốn chạy sống không ra sống, chết không ra chết. Nếu tôi tỉnh ngộ sớm hơn, có lẽ bố mẹ tôi cũng không ra đi sớm thế.
Sau khi bị bắt, tôi bị kết án tù 20 năm cho tội lỗi của mình. Nhưng tôi không còn thấy sợ hãi nữa, chỉ cảm thấy thanh thản và sẵn sàng đối diện với tội lỗi của mình. Ngày tôi giết người, trốn truy nã, vợ tôi vẫn còn đang mang thai đứa con gái đầu lòng.
Lúc vợ sinh con, tôi không hề có mặt bên cạnh. Đến lúc con gái đầu lòng được vài tháng tuổi, tôi mới có cơ hội về nhìn mặt con một lát rồi lại vội vã đi ngay. 6 năm trời tôi trốn chạy, vợ tôi ở nhà nuôi con một mình, chịu không biết bao nhiêu khó khăn, tủi cực, con gái tôi lớn lên cũng không có được sự quan tâm của bố.
Tôi phạm tội từ năm 1996, chạy trốn mất 6 năm, đã thụ án được 8 năm, nhưng vẫn còn 12 năm tù ở phía trước nữa. Con gái tôi giờ đã 14 tuổi, nhưng những lần 2 bố con được gặp nhau chỉ đếm trên đầu bàn tay. Tôi coi đó cũng là cái giá phải trả cho những tội lỗi của mình.
Một phút sai lầm và phải trả giá bằng cả tuổi trẻ, cả hạnh phúc gia đình và những năm tháng sống xa vợ con, xa gia đình, người thân, điều an ủi duy nhất với tôi là đến giờ phút này, tôi vẫn được sự quan tâm, chăm sóc của vợ hiền.
Ngày tôi đi, vợ tôi mới hơn 26 tuổi. Giờ cô ấy đã bước sang tuổi 40. Chưa một lần kêu than, chưa một lần trách móc, vợ tôi vẫn chăm sóc, chờ đợi tôi, bất kể tôi vẫn còn mười mấy năm tù phía trước.
Người vợ hiền và đứa con gái thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của bố là động lực giúp tôi cải tạo tốt suốt 8 năm nay, để hi vọng sớm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, trở về với gia đình.
- Châu Mộc (Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Hữu)
[links()]