"Giải Nobel Hòa bình được trao cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) hôm thứ sáu vừa rồi lẽ ra nên dành cho tôi", VNE đưa tin theo tờ Al-Akhbar của Lebanon dẫn lời Tổng thống Syria nói.
Tờ báo trên cho biết "lời nói đùa" này xuất hiện tại một buổi gặp mặt gần đây giữa ông Bashar al-Assad với một số khách mời tại phủ tổng thống Syria. Tuy nhiên, nó được cho là không phù hợp với lời phát ngôn của một tổng thống.
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Ảnh: EPA. |
Ông Assad được cho là người đã đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến khiến 115.000 người thiệt mạng từ năm 2011 đến nay. Vào tháng 8 vừa qua, một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus, được cho là do quân chính phủ Syria thực hiện, làm chết 1.200 người.
OPCW và Liên Hợp Quốc gồm 60 chuyên gia và nhân viên hỗ trợ đang làm việc cật lực để tiêu hủy kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông này. Theo OPCW, họ hy vọng công việc sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Theo BBC, OPCW - tổ chức có trụ sở chính đặt ở The Hague, Hà Lan, được thành lập với nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ Công ước cấm Vũ khí Hóa học năm 1997.
Tổ chức này gần đây đã gửi các thanh tra đến Syria để giám sát việc giải trừ kho vũ khí hóa học của nước này.
Phần thưởng của Giải Nobel Hòa bình bao gồm một huân chương vàng, và 8 triệu krona (1,25 triệu đôla Mỹ).
Tổng giám đốc OPCW cho biết tổ chức này đoạt giải Nobel Hòa bình là một cú hích lớn đối với tinh thần các thanh sát viên đang làm việc ở Syria.
Phóng viên BBC tại Oslo, nơi diễn ra lễ công bố chủ nhân giải Nobel năm nay, nói giải thưởng này là sự công nhận đối với tổ chức giám sát quy trình thực hiện một trong những hiệp ước giải giáp vũ khí có thể nói là thành công nhất từ trước đến nay.
Công ước cấm Vũ khí Hóa học năm 1993 đã dẫn đến việc phá hủy gần 80% số vũ khí hóa học trên toàn thế giới. Syria, quốc gia được cho là có kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ là nước thứ 131 ký vào công ước.
OPCW được thành lập với nhiệm vụ giám sát việc chấp hành Công ước cấm Vũ khí Hóa học năm 1997. |
Trong khi đó, các nhân viên của tổ chức quốc tế tại Syria ngày càng trở thành mục tiêu cho các vụ ám sát và tấn công.
Khu vực phía bắc Syria ngày càng trở nên hỗn lọan với hàng trăm nhóm nổi dậy tấn công lẫn nhau. Sự hiện diện của quân đội chính phủ Syria cũng biến nơi đây trở thành một trong những khu vực đẫm máu nhất.
Hôm qua (14/10), một quả bom trong xe ô tô phát nổ tại thị trấn Darkush, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ làm ít nhất 27 người chết, trong đó có 3 trẻ em. Mục tiêu của vụ tấn công được cho là khu chợ của thị trấn, theo VNE.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua có buổi tiếp kiến đặc phái viên hòa bình của Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi ở London thảo luận về việc tổ chức cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria tại Geneva. Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavror trước đó cũng đề xuất Mỹ tổ chức một cuộc đối thoại giữa các bên tham chiến ở Syria vào giữa tháng 11.
"Chúng tôi tin rằng việc cần làm ngay lúc này là sắp xếp một cuộc đàm phám để bàn thảo các vấn đề hướng tới xây dựng một nước Syria mới. Cần phải có một chính phủ chuyển tiếp". Ông Kerry cho hay.
Lời kêu gọi xuất hiện chỉ một ngày sau khi Hội đồng Quốc Gia Syria, phe nổi dậy được các nước Arab và Phương Tây công nhận, bác bỏ khả năng tham dự cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva nếu cuộc đàm phán được tổ chức.