TQ xua hơn 30 tàu cá khủng ra Trường Sa, Việt Nam

14:04, Thứ hai 06/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền 24/24 giờ...

Mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng 6/5 đã xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản.

[links()]

TTXVN dẫn mạng Tin tức Trung Quốc cho hay, đây là đội tàu đánh cá quy mô lớn nhất của Trung Quốc đến  hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm 2013 đến nay.

Theo nguồn tin, số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền 24/24 giờ, trong đó có một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn làm nhiệm vụ bảo đảm vật tư thiết yếu như dầu, nước ngọt, đá cây, thực phẩm; quản lý an toàn hoạt động sản xuất và hỗ trợ xử lý khẩn cấp cho đội tàu.
 
Được biết, thời gian hoạt động của đội tàu này sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày.

Đây là hành động mới nhất xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo một số hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
 
“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông,” người phát ngôn nói.

"Tàu cá nước ngoài" bị làm mờ biển kiểm soát theo truyền thông Trung Quốc đã bị tàu Ngư chính (hoạt động trái phép ở Đá Vành Khăn) dùng vòi rồng xua đuổi



Cùng ngày 6/5, tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc bản điện tử đưa tin, Trung Quốc đã dùng vũ lực trục xuất "tàu cá nước ngoài" đánh bắt tại vùng biển gần Đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines và Trung Quốc cũng "tuyên bố" chủ quyền và Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép - PV).

Bản tin trên tờ Nhân Dân nhật báo điện tử không nói rõ thời gian xảy ra vụ "dùng vũ lực trục xuất tàu cá nước ngoài" ở Đá Vành Khăn, đồng thời cũng không tiết lộ thông tin tàu cá bị tàu Ngư chính đang hoạt động trái phép ở đây xua đuổi là của quốc gia nào trong khi phần biển kiểm soát tàu cá trên hình ảnh minh họa bị tờ báo làm mờ.

Bức ảnh đăng tải trên tờ báo này và được giới truyền thông Trung Quốc lấy lại cho thấy chiếc tàu cá ở khá gần, bất chấp Ngư chính Trung Quốc đe dọa.

Theo bản tin trên Nhân Dân nhật báo, chiếc tàu Ngư chính số hiệu 45001 tiến sát chiếc "tàu cá nước ngoài" 10 mét, một khoảng cách đã khá nguy hiểm trên biển nhưng chiếc tàu cá này vẫn đánh bắt bình thường và không chịu dời đi, tàu Trung Quốc đã bật vòi rồng xối thẳng vào tàu cá đối phương, cuối cùng chiếc tàu cá này phải rút ra khỏi khu vực.

Hành động ngông cuồng trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này vừa bất ngờ đưa ra đề nghị đàm phán  Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với ASEAN vào khoảng tháng 8 tới.

Lời đề nghị lần này của Trung Quốc bị nhiều nhà quan sát nghi ngờ là “kế hoãn binh” khi Trung quốc đang ngày càng vấp phải nhiều sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Vào ngày 22/1, ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Quốc tế để phân xử các vấn đề quanh bãi cạn Scarborough và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. “Con giun xéo lắm cũng quằn” là cách mà Manila đang đánh động đối với Trung Quốc và tạo động lực cho các nước ASEAN vốn đã chịu sức ép quá lớn từ người láng giềng khổng lồ. Khi chiêu bài “song phương” ngày càng mất dần tác dụng, chuỗi chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc đã liên tục dẫn dụ các quốc gia ASEAN trong hơn 30 năm qua đang đứng trước hồi kết thì đàm phán COC là giải pháp tình thế mà Trung Quốc lựa chọn.

PV (Tổng hợp)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc