(Đời sống) - Chiều 29/6, tại cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Huyện đoàn Hậu Lộc tổ chức khởi động chương trình “Tuổi trẻ Công an Thanh Hóa đồng hành cùng ngư dân bám biển năm 2013”.
Tờ Tiền Phong cho biết, tại buổi lễ, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa đã trao 400 lá cờ Tổ quốc, 300 cuốn Luật Biển Việt Nam, 100 chiếc áo phao cứu sinh cho ngư dân các xã Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc). Các ĐVTN đã xuống từng tàu cá đang đậu tại cảng tặng cờ cho ngư dân.
Nhân dịp này Huyện đoàn Hậu Lộc và Đoàn xã Hòa Lộc đã trao 10 suất quà cho con em ngư dân nghèo. Đêm 29/6, các ĐVTN tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức chương trình văn nghệ hát về biển đảo quê hương, bên cạnh đó lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển đảo đến ngư dân địa phương.
Thiếu tá Lê Việt Hồng - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình “Tuổi trẻ Công an Thanh Hóa đồng hành cùng ngư dân bám biển năm 2013” sẽ được tổ chức tại các huyện, thị ven biển còn lại của tỉnh Thanh Hóa trong tháng 7 tới.
Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa trao cờ Tổ quốc, Luật biển Việt Nam, phao cứu sinh cho ngư dân |
Trước đó, một hoạt động tương tự khác là buổi tập huấn về Luật biển Việt Nam 2012 đã được Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) kết hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào ngày 13/4.
Buổi tập huấn có sự tham gia của hơn 200 ngư dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại buổi tập huấn, ngư dân đã được phổ biến về những điều cơ bản trong Luật biển Việt Nam 2012, giải thích quy định của quốc tế và quyền của các nước về vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, tình hình biển Đông.
Hoạt động trên được ông Phan Thạch - phó chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho là “rất hiệu quả”. Tại buổi tập huấn, ông Trần Duy Hải - phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - nhấn mạnh: “Việc ra đời và thông qua Luật biển năm 2012 là nhu cầu khách quan của đất nước ta. Đó là văn bản pháp luật hoàn chỉnh, hài hòa với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước và phát triển kinh tế”.
Nhiều ý kiến đưa ra trong buổi tập huấn cho thấy điều ngư dân thực sự đang cần lúc này là Nhà nước có những biện pháp trực tiếp bảo vệ họ khi hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Tỉnh) đề nghị Nhà nước nên có biện pháp can thiệp cho ngư dân được đánh bắt ở những vùng chồng lấn với các nước Indonesia và Malaysia. Vì không ít trường hợp ngư dân hoạt động trong các vùng biển chồng lấn này đã nước ngoài bắt giữ.
Còn ngư dân Võ Văn Tổng (xã Phước Tỉnh) kiến nghị nên đưa lực lượng chức năng ra hoạt động ở đường ranh, vừa để ngăn chặn tàu bè nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép vừa hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng địa điểm và giải quyết sự cố trên biển. Theo ngư dân này, việc này chính là biện pháp để bảo vệ ngư dân trực tiếp.
Trả lời các đề xuất của ngư dân, ông Trần Duy Hải khẳng định thời gian qua VN đã đấu tranh hết sức quyết liệt để giữ vững chủ quyền, bảo vệ ngư dân. Rất nhiều trường hợp ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, Bộ Ngoại giao đều lên tiếng phản đối, gửi công hàm yêu cầu các nước phải thả vô điều kiện. Chính phủ đã và đang từng bước tăng cường lực lượng trên biển để bảo vệ ngư dân, trong đó ngoài những lực lượng khác, lực lượng kiểm ngư sẽ hỗ trợ bà con ngư dân trên biển.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao khuyên bà con ngư dân nên đi đánh bắt theo tổ đội, nhóm để cùng nhau hỗ trợ khi gặp sự cố.
- H.T (Tổng hợp)