Mụn Nhọt ở trẻ, trong y học được biết là thương tổn nhiễm trùng sâu quanh các nang lông. Lúc đầu, Mụn nhọt chỉ là cục sưng đỏ, sờ thấy cứng, rất đau y như bị côn trùng cắn. Để vài ngày thì sẽ thấy nhọt mưng mủ lên với một ngòi màu vàng và hoại tử vùng chính giữa thương tổn. Những mụn nhọt này có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể, đặc biệt là ở da đầu, mặt, cổ và mông.
Triệu chứng mụn nhọt ở mông trẻ
Mụn nhọt có thể xuất hiện một hoặc nhiều cái, mọc riêng lẻ hoặc từng chùm phụ thuộc vi khuẩn gây bệnh. Tùy theo tổn thương, mụn, nhọt sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau: To bằng hạt chanh, hạt bắp, trái chanh hoặc có thể bằng… trái táo xanh (áp-xe nguyên một khối cơ), rất là nguy hiểm.
Mụn nhọt thường xuất hiện với một chấm nhỏ đỏ và chứa đầy mủ rồi lớn dần lên. Các triệu chứng chính gồm:
– Đau và mềm nhũn xung quanh mụn nhọt.
– Đầu trắng hoặc vàng của khối mủ ngay trung tâm của nhọt.
Điều trị mụn nhọt ở mông trẻ
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay! Một sai lầm phổ biến ở các bà mẹ nuôi con nhỏ là luôn xem chuyện nổi mụn, nhọt của con chỉ là… chuyện nhỏ, do con ăn nhiều đồ “nóng”, hoặc tưởng là côn trùng cắn. Vì thế, khi thấy con nổi mụn nhọt, mẹ có xu hướng để trẻ ở nhà chăm sóc, tìm đủ các loại lá để tắm cho con, sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá thuốc, tắm bằng nước khổ qua, cố cho con ăn các món “mát” để hết nhiệt trong người.
Trong khi đó, như đã nói, mụn nhọt là do vi khuẩn nên trẻ cần được đưa đến bác sĩ và điều trị sớm. Nếu bạn đưa trẻ đi khám sớm, việc điều trị rất đơn giản. Trong khi đó, đưa bé đi khám càng trễ, việc điều trị mụn nhọt cho trẻ càng khó khăn hơn.
Khi thấy trẻ mọc mụn nhọt, dù sốt hay không sốt, cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh biến chứng. Để phòng ngừa, mẹ nên tắm rửa, vệ sinh da cho con mỗi ngày, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi cho trẻ.