Lý giải về tính minh bạch của giá xăng dầu, Chủ tịch HĐQT Petrolimex khẳng định, riêng về lĩnh vực xăng dầu, giá cả xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các loại hàng hiện nay.
[links()]
Tại cuộc họp báo thành lập Hiệp hội xăng dầu sáng 13/3, trả lời báo chí, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, giá cả xăng dầu ở Việt Nam, từ lâu được thực hiện theo các quy định, nghị định và quyết định của Chính phủ. "Chúng tôi cho rằng, riêng về lĩnh vực xăng dầu, giá cả xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các loại hàng hiện nay", ông Bảo nói.
Tại Việt Nam, giá xăng dầu đang minh bạch nhất? |
Theo ông Bảo, sở dĩ dư luận hay đặt câu hỏi minh bạch về giá xăng dầu là do giá trong nước phải phụ thuộc vào giá thế giới, một thứ không hề minh bạch. Ông Bảo phân tích, hiện không có cung cầu nào tác động đến giá thế giới để ngay ngày hôm sau, mức giá này biến động lên xuống một vài đôla nhanh như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, xăng dầu trong nước phải mua theo giá thế giới và Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi quốc tế.
"Xăng dầu trong nước bị cuốn theo thứ chúng ta không đánh giá và phân tích được chính là giá thế giới", ông Bảo lý giải.
Nghị định 84 quy định về giá và chi phí kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp phải tuân thủ. Giá xăng dầu phụ thuộc vào giá thế giới, tỷ giá và sắc thuế. Theo ông Bảo, phí kinh doanh xăng dầu 600 đồng mỗi lít là không đủ.
Còn theo một số chuyên gia, việc cần làm là để xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường để có sự cạnh tranh thực sự. Bất cập hiện nay là doanh nghiệp Nhà nước lỗ bao nhiêu cũng không lo vì đã có nhà nước chịu.
Trước đó, một số chuyên gia từng đề nghị cần quy định mức cụ thể doanh nghiệp đầu mối được chiết khấu cho các đại lý của mình. Vì hiện nay, cứ đến khi cần tăng giá, các doanh nghiệp đầu mối có xu hướng giảm chiết khấu cho đại lý xuống mức rất thấp, đẩy đại lý vào cảnh càng bán càng lỗ, buộc phải bán cầm chừng. Điều này tạo sức ép lên cơ quan nhà nước buộc phải cho các doanh nghiệp đầu mối tăng giá.
Ngược lại, khi không muốn giảm giá, các doanh nghiệp đầu mối lại thi nhau tăng chiết khấu để bán được nhiều hàng và không giảm giá. Vì vậy, cần có quy định khống chế mức giá trần, sàn của chiết khấu, không thể để doanh nghiệp thích cho đại lý bao nhiêu thì cho.
"Hiếm có lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều bức xúc, người dân bất bình vì giá tăng nhanh, giảm chậm. Doanh nghiệp đại lý thì kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu", bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nói về những bất cập trong điều hành kinh doanh xăng, dầu tại Quốc hội ngày 30/10/2012.
Theo bà Nga, qua nhiều đợt tăng giá cho thấy, các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau. Đấy là điều bất thường, có dấu hiệu cho thấy nhóm các DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm luật Cạnh tranh.
"Đến hẹn lại lên, cứ sát đến thời gian được phép điều chỉnh, doanh nghiệp lại báo lỗ, các đại lý than thiếu hàng và bán nhỏ giọt...", bà Nga nói thêm.
Đầu tháng 1/2013, tại Hội nghị tổng kết hoạt động 2012 và triển khai nhiệm vụ 2013 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Giá xăng dầu cần phải làm minh bạch hơn nữa. Nói xăng dầu không lãi nhưng các lĩnh vực khác thuộc tập đoàn Petrolimex quản lý có lãi. Việc có lãi nhưng vẫn tăng giá, người dân và chuyên gia người ta có quyền hỏi là đúng”.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong năm 2013, về xăng dầu, Bộ Công Thương phải kiểm soát chặt chẽ. Việc sửa đổi Nghị định 84 để giá xăng dầu theo giá thị trường cần phải được triển khai.
“Mục đích là giá xăng dầu phải minh bạch. Muốn vậy, đòi hỏi trong cơ chế, chính sách cũng cần phải công khai, minh bạch. Đồng thời, cần khuyến khích cạnh tranh để giá xăng dầu thực sự thị trường. Làm sao để người dân không bức xúc nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
- P.V (tổng hợp)