Trở về với cách mạng và một mình “ôm” nguyên trái bom

22:32, Chủ nhật 31/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Trải qua bao sóng gió, bão tố, sau 3.000 ngày thi gan với chế độ giam cầm tàn bạo của chính quyền Sài Gòn, cuối cùng Hà Minh Trí đã chiến thắng tất cả, trở về với cách mạng.

(Phunutoday) - Trải qua bao sóng gió, bão tố, sau 3.000 ngày thi gan với chế độ giam cầm tàn bạo của chính quyền Sài Gòn, cuối cùng Hà Minh Trí đã chiến thắng tất cả, trở về với cách mạng. Tính cho tới lúc Hà Minh Trí bước ra khỏi trại giam Chí Hòa, có ít nhất 3 lần ông đã nghe thấy hơi nóng của thần chết phả vào phía sau gáy, nhưng “người chiến sĩ giáo phái Cao đài” vẫn trở về an toàn nơi ông đã ra đi vào cuộc “tỉ thí” với chế độ Diệm – Nhu.
[links()]
“Mạng lớn” của người chiến sĩ Mười Trí chưa dừng lại ở đó, khi sau đó ít lâu ông đã một mình bị một trái bom tạ của Mỹ thả xuống trúng ngay người, nhưng nó chỉ đủ sức làm cho ông mất một chân, chứ không “tan xác” như lẽ thường, khi ông vẫn còn rất yêu đời, yêu người vợ mới cưới và còn có nghĩa vụ với sự nghiệp lớn của dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gặp “sư phụ” trước ngày ra tù

Dù đã trải qua hơn 8 năm dưới chế độ lao tù tàn bạo, tàn phá đến tận cùng thể chất và trí óc người tù, rồi lại bị trọng thương, nay tuổi cũng đã cao, nhưng ông Mười Trí vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, đặc biệt là trí nhớ còn rất tốt. Ông có thể kể từng chi tiết trong cuộc đời dữ dội suốt mấy chục năm chiến tranh, cũng như sau ngày hòa bình.

 Tôi đã ngồi bên ông suốt cả buổi sáng trong ngôi nhà nhỏ yên tĩnh, giữa khu vườn nhiều cây trái ở thị xã Tây Ninh, nghe ông về cuộc đời mình. Bản thân câu chuyện đời ông đã vô cùng thú vị, ông lại có cách kể chuyện thu hút, hài hước, nên đã hết buổi sáng, quyển sổ tay của tôi ghi đã đầy, mà tôi vẫn thấy câu chuyện còn quá ngắn. Khi kể đến chuyện sắp được trả tự do, ông Mười Trí dừng lại khá lâu để nhắc về lần gặp người thầy của ông, cũng là người thầy của ngành tình báo Việt Nam. Đó là ông Trần Quốc Hương, tức Mười Hương.

Ông Mười Trí nhớ lại: “Lúc tôi gần ra tù, một hôm bọn cảnh sát đưa một người tù từ trại giam Mang Cá vào khám Chí Hòa chung với tôi. Tôi sững sờ khi biết đó là đồng chí Mười Hương. Lựa lúc không ai để ý, tôi đến gần, bí mật báo cáo mọi chuyện mà tôi nắm được cho người đồng chí mà tôi luôn ngưỡng mộ là bậc thầy trong ngành tình báo cách mạng.

Ông Mười Hương bí mật trao cho tôi một chiếc đồng hồ rồi nói nhỏ, đại ý: tình thế đang diễn biến phức tạp, có thể lợi dụng tình hình này mà đấu tranh, vận động đòi trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có tôi. Sau khi ra tù, tôi đem chiếc đồng hồ này đến địa chỉ ... ở chợ Thị Nghè gặp anh …, họ sẽ biết là người của ông Mười Hương mà giúp đỡ.

Dù trước đó chưa từng một lần gặp ông Mười Hương, nhưng Hà Minh Trí đã nghe nói nhiều về ông, ngay cả kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Mê Thuột cũng đã thông qua người tổng chỉ huy ngành tình báo của cách mạng này. Trước đây ở Vũng Tàu, khi học về nghiệp vụ biệt động, cũng như sau này khoác lên mình chiếc áo lính Cao đài để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, Mười Trí thường được các bậc chỉ huy nhắc nhiều về một nhà kiến trúc sư của ngành tình báo cách mạng có cái tên Mười Hương.
e
Ông Hà Minh Trí bị mất chân trái sau khi một mình “ôm” nguyên trái bom Mỹ.

 Tên thật của ông là Trần Ngọc Ban, quê ở Vụ Bản, Bình Lục, Hà Nam. Ông sinh ra trong một gia đình tư sản, nhưng nhờ được sự giác ngộ của người thầy dạy học Nguyễn Đức Quỳ (sau trở thành Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Trần Ngọc Ban đã tham gia cách mạng từ rất sớm, lúc mới 13 tuổi.

Ngọc Ban được thầy Quỳ giới thiệu lên Hà Nội gặp các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Lê Toàn Thư, Hoàng Đình Tuất, được gặp Bác Hồ để được giao những công việc cách mạng ngày càng quan trọng hơn. Năm 1941, ông bị Pháp bắt cùng với ông Nguyễn Thọ Chân vì treo cờ búa liềm và rải truyền đơn, rồi bị tống giam hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Nhưng do còn nhỏ tuổi, được gia đình lo lót, ông đã được trả tự do.

Năm 1943, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trước và sau cách mạng tháng Tám, ông là Thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là người có vai trò chính chuẩn bị chu đáo cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông được Bác Hồ phân công vào Nam công tác thời gian 6 tháng, nhưng không ai ngờ chuyến đã kéo dài tới 10 năm.

Vào Nam, ông cùng các ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Chính trong thời gian này, ông Mười Hương đã đào tạo và tổ chức nên những nhà tình báo sau này trở thành huyền thoại, như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, những người mà tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới vì sự cống hiến của họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với vai trò một “kiến trúc sư” tình báo đất nước, ông Mười Hương có tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế về thế mạnh, khả năng làm tình báo và phẩm chất của từng người.

Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch tình Xứ ủy, với vỏ bọc là “giáo sư” Sài Gòn, ông Mười Hương đã cài cắm nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ vào bộ máy của địch. Với điệp viên xuất sắc Lê Hữu Thúy (Đại tá, Anh hùng LLVTND), ông Mười Hương khai thác triệt để các mối quan hệ của Lê Hữu Thúy với các nhân vật chóp bu trong chính quyền Diệm, chui sâu vào hàng ngũ của địch.

Lê Hữu Thúy đã thành công trong việc khơi sâu mâu thuẫn giữa các giáo phái với chính quyền Diệm. Với điệp viên Phạm Ngọc Thảo, ông Mười Hương đã cho anh ta tiếp cận gia đình họ Ngô bằng tài năng cá nhân, nhanh chóng được Diệm trọng dụng.

Ông Mười Hương đã nhìn thấy khả năng thiên phú của Phạm Xuân Ẩn và quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học nghề báo để phục vụ kế hoạch lâu dài. Với vỏ bọc này, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã có điều kiện tiếp cận nhiều nhân vật quan trọng của cả Mỹ và Sài Gòn, moi nhiều thông tin có giá trị về các chiến lược đặc biệt của kẻ thù, giúp quân ta đập tan mọi âm mưu của địch.

Năm 1958, ông Mười Hương sa vào tay giặc. Biết ông là cán bộ cao cấp của cách mạng, anh em Diệm - Nhu quyết tâm chiêu dụ ông. Ngô Đình Nhu đã đích thân gặp ông tại nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn ở Thuận An (Huế) để mua chuộc, dọa dẫm ông. Không khuất phục được ông, Nhu đưa ông vào danh sách 200 tù nhân đặc biệt nguy hiểm cần thủ tiêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì Diệm – Nhu đã bị đảo chánh và giết chết.

 Chính trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” của những cuộc đảo chánh liên miên giữa thập niên 1960 ở Sài Gòn, ông Mười Hương đã được trả tự do, và người thầy về tình báo của cách mạng Việt Nam đã có cuộc gặp với người chiến sĩ gây nên vụ ám sát nổi tiếng tên Hà Minh Trí.

 Ra tù, ông Mười Hương tiếp tục điều hành mạng lưới tình báo của cách mạng ở miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chỉ huy mạng lưới tình báo góp phần giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn, tránh bị đổ máu. Trong khi Hà Minh Trí chính thức rời bỏ vỏ bọc “giáo phái Cao đài”, trở về cùng quân giải phóng và nhân dân miền Nam chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Mới 30 tuổi, Hà Minh Trí đã vượt qua 3 – 4 lần tình huống “mười phần chết, một phần sống”. Ở vụ ám sát Ngô Đình Diệm, ngay sau khi “phát súng trên cao nguyên” vang lên làm tay Bộ trưởng Bộ Canh nông của Diệm ngã gục, khi Hà Minh Trí đang cố khắc phục sự cố kẹt đạn khẩu súng và lao về phía Ngô Đình Diệm, đã có ít nhất 10 họng súng các loại của lực lượng an ninh bảo vệ hội chợ chĩa về phía “người thương gia” Hà Minh Trí.

Thế nhưng, vì có quá nhiều khẩu súng chĩa về phía ông, nên không có khẩu nào nã đạn, vì vậy mà Hà Minh Trí thoát chết, đúng như kế hoạch ám sát đã lường trước: khả năng 50% phải hi sinh, 50% còn lại là bị bắt.

Trên “chuyến tàu định mệnh” đưa Hà Minh Trí và mấy trăm tù chính trị ra Côn Đảo tháng 8 năm 1963, nhờ sự “phản kèo” của tay Đại úy phi công Dương Minh Đường được giao ném bom hủy diệt chuyến tàu mà Mười Trí và mấy trăm người tù mới thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Sau khi anh em Diệm – Nhu bị lật đổ và bị giết chết, Hà Minh Trí bị “kẻ cựu thù” Mai Hữu Xuân điệu từ Côn Đảo về Sài Gòn để giải quyết chuyện “ân oán giang hồ” do trước đó Mười Trí đã khai mình ám sát Ngô Đình Diệm là do lệnh của Mai Hữu Xuân, làm viên Tướng này bị thất sủng thời gian dài, thế nhưng Mai Hữu Xuân chưa kịp ra tay thì đã bị một cuộc đảo chánh khác hất ra khỏi bộ máy cầm quyền của chính quyền Sài Gòn, nhờ vậy mà Mười Trí thoát nạn.

Rồi bao thế lực khác “đánh hơi” thấy Hà Minh Trí thực chất là người của cách mạng chứ không phải “người lính giáo phái Cao đài”, nên tìm cách thủ tiêu, thì bất ngờ một tín đồ của Cao đài là Phan Khắc Sửu lên nắm ghế “Quốc trưởng” Việt Nam Cộng Hòa và ra lệnh trả tự do cho “người lính giáo phái Cao đài” Hà Mình Trí.

Ông được trả tự do ngày 10/3/1965 sau 8 năm, 16 ngày bị giam giữ. Là một người đã quá quen với những thủ đoạn của kẻ thù, luôn đề phòng mọi tình huống nguy hiểm xung quanh, nên khi bước ra khỏi cổng trại giam Chí Hòa, Hà Minh Trí nhận ra ngay có những “cái đuôi” bám theo mình.

Không khó khăn lắm để Mười Trí “cắt đuôi” và tìm đến chợ Thị Nghè theo lời dặn của ông Mười Hương ở trong trại giam. Ba ngày sau, Mười Trí bắt liên lạc được với tổ chức và được đưa về Ban Tổ chức Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định đóng ở ấp An Phú, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Cuối tháng 4/1965, ông được phân công công tác ở Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Vậy là từ một chiến sĩ thiếu niên trong Đội An ninh biệt động của cách mạng ở Vũng Tàu, sau 16 năm hóa thân thành “người lính giáo phái Cao đài” để gây nên sự kiện ám sát Ngô Đình Diệm làm nổi sóng chế độ Sài Gòn, giờ Hà Minh Trí mới chính thức trở về với tổ chức cách mạng. Ông Mười Trí cùng với người dân đất thép thành đồng Củ Chi bước vào cuộc thi gan giữa ý chí thép của người dân đất thép và các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ.

Người chiến sĩ Mười Trí vừa mới rời khỏi những phòng giam tới tăm của kẻ thù, giờ cùng quân và dân Củ Chi thoát ẩn thoát hiện dưới những địa đạo ăn sâu trong lòng đất làm nên cuộc chiến đấu thần thánh. Mười Trí và đồng đội đã có những trận đánh nảy lửa với quân đội Mỹ - Sài Gòn ở khu vực mà sau này được xây dựng đền tưởng niệm Bến Dược.

Cũng tại đây, Mười Trí đã một mình “ôm” nguyên trái bom Mỹ từ máy bay thả xuống. Cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt dưới những địa đạo Củ Chi sau này đã được cô đọng trong bài văn bia được đặt tại đền Bến Dược, với nội dung:

 Vùng đất sáng ở Miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xăm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối. Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng. Tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi xác ngã chất chồng, người chết không yên, tan mồ nát mả.

Giặc quyết đẩy dân ta lùi về thời đồ đá. Tiếng Bác Hồ: "Dù đốt cháy dãy Trường Sơn...". Muôn triệu trái tim sôi sục căm hờn. Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém, tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng. Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận. "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lớp lớp lên đường. Tuổi trẻ ! Tuổi anh hùng như đại bàng vỗ cánh "Đâu có giặc là ta cứ đi!”.
Ông Hà Minh Trí được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi.
Ông Hà Minh Trí được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi.

Thành phố Sài Gòn, vì sao lấp lánh: thề chết đứng chẳng sống quỳ. Những đoàn quân đẹp tựa thiên thần, đạp đỉnh Trường Sơn, vượt sông Cửu Long tiến về Thành phố. Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, hò mái đẩy ngân nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương.

Mừng họp mặt bốn phương dũng sĩ, quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng. Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh. Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm. Vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần. Biệt động Thành đánh giữa Sài Gòn, tàu chiến sân bay, kho xăng bốc nổ - lòng dân lửa dậy, ngày xuống đường, đêm không ngủ, đạp rào gai, che họng súng, liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh. Lũ giặc nước kinh tâm, bom tấn, pháo bầy, thần sấm, con ma, B52 rải thảm.
Thần, người căm giận.

Ầm, ầm chiến dịch Hồ Chí Minh.
Như bão gầm, như thác lũ, dũng tướng, tinh binh, bạt núi, san đèo, tiến về Thành phố.
Rạp trời cờ đỏ
Trúc chẻ ngói tan
Quét sạch hung tàn
Quê hương giải phóng
Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?
Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn... chim bay về núi tối rồi.
Máu hồng tỏa hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời.
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người.

Bây giờ, thỉnh thoảng ông Mười Trí vẫn quay lại thăm địa đạo Củ Chi và vào đền Bến Dược thấp nhang cho đồng đội, đồng bào đã anh dũng ngã xuống trên vùng đất thép, tại đây ông từng có những năm tháng chiến đấu kiên cường. Cũng chính nơi này ông đã gặp lại người bạn tù Kim Hưng một cách rất tình cờ và thành chồng thành vợ vào năm 1966. Cũng chính nơi này, ông đã thêm một lần suýt mất mạng và trở thành thương binh nặng.

Trái bom oan nghiệt nhưng may mắn

 Tại chiến trường Củ Chi, Hà Minh Trí trở thành thuộc cấp và cộng sự đắc lực của người chỉ huy Nguyễn Tài (phó Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định, tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông, biệt danh Tư Trọng, con của nhà văn Nguyễn Công Hoan). Trong thời gian này, ông Mười Trí thường xuyên được người chỉ huy có kiến thức rộng, giỏi về văn chương Nguyễn Tài trò chuyện để hình dung về các thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong hơn 8 năm cầm tù, tra tấn người ám sát Ngô Đình Diệm.

Theo ông Mười Trí, nhiều cuộc trò chuyện ấy sau này đã thấp thoáng trong tác phẩm “Đối mặt với CIA” được Nguyễn Tài viết sau ngày miền Nam giải phóng. Nguyễn Tài là người con thứ hai của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhưng ông không theo nghiệp văn. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1944, bắt đầu công tác trong ngành Công an từ sau cách mạng tháng Tám.

 Tháng 9/1945, từ chiến khu về Hà Nội, Nguyễn Tài được phân công công tác tại Sở Liêm phóng rồi Sở Công an Bắc Bộ. Năm 1947 sau khi các lực lượng vũ trang rút khỏi Hà nội, ông ở lại nội thành, nhận nhiệm vụ mới: Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội phụ trách công tác trí thức vận, đồng thời đảm nhận chức Phó Giám đốc Công an. Năm 1958, khi mới 32 tuổi, ông giữ vị trí Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Năm 1964, ông tình nguyện vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

 Tại chiến trường ác liệt Củ Chi, ông được phân công làm Phó Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định, là thủ trưởng trực tiếp của Hà Minh Trí. Thú vị trước câu chuyện của người thuộc cấp đã làm đảo điên chính trường Sài Gòn, Nguyễn Tài chuẩn bị một kế hoạch mới cho Hà Minh Trí trở vào Sài Gòn với nhiệm vụ mới không kém phần gai góc so với nhiệm vụ “người lính giáo phái Cao đài” ngày trước.
Ông Hà Minh Trí.
Ông Hà Minh Trí.

 Thế nhưng, kế hoạch ấy mãi mãi chỉ còn nằm trên giấy, vì sau đó Mười Trí đã bị bom, và rồi Nguyễn Tài cũng sa vào tay giặc cho đến tận ngày miền Nam giải phóng, trong cuộc đối đầu cân não với CIA, để sau này ông viết nên tác phẩm “Đối mặt với CIA”.

 Ngày 23/12/1970 trên đường đi công tác, Nguyễn Tài bị bắt. Ông được chuyển đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia tại Sài Gòn, biệt giam suốt 3 năm sau đó trong một xà lim sơn trắng toàn bộ, đèn bật sáng suốt ngày đêm, làm lạnh bởi một máy điều hòa nhiệt độ công suất cao - căn phòng được thiết kế để làm ông mất định hướng. Tại đây, người Mỹ đảm nhận hoàn toàn việc thẩm vấn ông.

Trước khi Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, Mỹ đã ra lệnh cho Việt Nam Cộng hòa thủ tiêu Nguyễn Tài bằng cách dùng máy bay chở ra quăng xuống biển, nhưng người được lệnh đã không thực hiện. Năm 2002, Nguyễn Tài được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đầu năm 1967, Mười Trí chuẩn bị tư thể sẵn sàng để trở vào Sài Gòn với một nhiệm vụ mới, đặc biệt quan trọng do đích thân Phó Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định Nguyễn Tài tổ chức. Đêm trước khi rời Củ Chi về nội thành Sài Gòn, nằm dưới địa đạo Bến Dược chờ người chỉ huy Nguyễn Tài đi công tác về giao nhiệm vụ vào Sài Gòn, ông Mười Trí hăm hở chuẩn bị bao kế hoạch mới.

Ông cũng thoáng bâng khuâng khi phải chia tay, bỏ lại người vợ mới cưới ở lại Củ Chi. Đêm Củ Chi thường bị cắt khúc bởi những trận bom, pháo bất ngờ của đối phương. Nằm dưới địa đạo, Mười Trí nghe ầm ầm tiếng bom ngày càng gần hơn. Bất ngờ, ông Mười Trí thấy như căn hầm trên đầu đổ sụp, cơ thể tê buốt, đất đá rơi rào rào trên đầu.

 Định thần nhìn lại, Mười Trí và đồng đội nhận ra 1 trái bom rơi xuyên nắp hầm, xuyên qua đùi trái Mười Trí, nhưng không nổ. Dù đau đớn đến tột cùng, nhưng Mười Trí cũng còn kịp hiểu rằng, như vậy là mạng của ông và các đồng đội trong hầm quá lớn, chứ nếu bom nổ thì “mỗi người chỉ còn 1 bụm thịt xương”.

 Sáng hôm sau người chỉ huy Nguyễn Tài về tới Bến Dược để tiễn người cộng sự Mười Trí vào Sài Gòn thực hiện kế hoạch mới, nhưng Nguyễn Tài đã phải vội vã đến trạm quân y tiền phương để theo dõi Mười Trí trong cơn “thập tử nhất sinh”. Cuối cùng, sức trẻ, ý chí đã giúp cho Mười Trí vượt qua thương tật nặng nề, nhưng cũng phải bỏ lại 1 chân bên dòng sông Bến Dược, cùng với kế hoạch vào Sài Gòn mãi mãi nằm lại trong cặp hồ sơ của người chỉ huy Nguyễn Tài.

Bây giờ ngồi nhớ lại những chuyện đã qua, ông Mười Trí không hiểu sao mạng mình lớn đến thế, cứ liên tục thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Có lẽ do ông có quá nhiều tên, từ Phan Văn Điền đến Kin Tà; Đinh Văn Phú; Đinh Dũng; Triệu Thiên Thương, Hà Minh Trí; Mười Trí, Mười Thương, Nguyễn Văn Điền…, nên Diêm Vương dưới âm phủ cũng không biết gọi tên nào cho đúng.

Ông trải qua những năm cuối của cuộc chiến với chiếc nạng gỗ trong trại thương binh dưới tán rừng già Tây Ninh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành Công an, đến năm 1989 thì chuyển sang làm phó Ban Nội chính rồi Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu và sống với gia đình ở thị xã Tây Ninh. Năm 2005 ông Hà Minh Trí được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kỳ tới: Chuyện tình như huyền thoại của người tử tù.

Thiên Thanh

[links()]
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc