Tía tô được sử dụng nhiều trong các món ăn, là loại rau gia vị mang lại mùi thơm và hương vị đặc trưng. Ngoài ra, loại rau này còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như tăng cường miễn dịch, giúp giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa. Tía tô là loại dược liệu, xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian. Cây tía tô rất dễ sống, dễ chăm sóc. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể trồng loại cây này tại nhà.
Cách trồng tía tô bằng cành vừa nhanh vừa đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh. Một cách khác để trồng tía tô là sử dụng hạt. Tuy nhiên, cách trồng bằng hạt sẽ mất nhiều thời gian hơn để chờ hạt nảy mầm và phát triển thành cây con.
Chuẩn bị đất và chậu trồng cây tía tô
Bạn nên chuẩn bị đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, đảm bảo khả năng thoát nước để trồng cây tía tô. Để tăng độ màu mỡ của đất, bạn có thể trộn thêm phân hữu cơ hoai mục, mùn cưa hoặc xơ dừa vào đất. Nếu trồng trong chậu, hãy đảm bảo chậu có lỗ thoát nước để tránh ngập úng, làm thối rễ cây. Chậu có độ sâu khoảng 20-30 cm là đủ để rễ cây phát triển.
Cắt cành tía tô
Bạn cần chọn những cành tía tô xanh tươi, khỏe mạnh, không bị héo, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Ngoài ra, nên lựa những cành bánh tẻ, tức là không quá già, không quá non.
Cắt các cành có độ dài khoảng 15-20cm, có 4-5 lá để đảm bảo sức sống cao nhất, có thể phát triển thành cây.
Dùng kéo sắc để cắt các cành tía tô. Nên cắt dứt khoát, gọn gàng để hạn chế tối đa tổn thương đối với cành. Lưu ý, kéo cắt cành phải là kéo sạch để tránh gây bệnh cho cành cây.
Ngâm cành trong nước khoảng 1-2 tiếng trước khi trồng vào đất để tăng khả năng bén rễ. Để đạt hiệu quả cao hơn, bạn có thể chuẩn bị nước kích rễ. Sản phẩm này có thể mua ở các cửa hàng vật tư cây trồng. Ngâm cành vào nước kích rễ theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Sau khi ngâm nước, hãy cắt bớt những lá ở phía gốc cành. Việc này giúp dinh dưỡng tập trung vào phát triển rễ, giúp cây khỏe mạnh hơn. Chỉ cần để lại 2-3 lá ở phía ngọn là được.
Dùng que hoặc ngón tay tạo lỗ nhỏ trong đất. Sau đó, cắm cành tía tô vào đất. Đảm bảo cành tía tô cắm sâu từ 5-7cm trong đất. Lấy đất lấp vào lỗ, ấn nhẹ xung quanh để cành đứng vững.

Chăm sóc cây tía tô
Sau khi trồng, hãy tưới nước đều đặn để giữ ẩm đất. Nên để chậy tía tô ở nơi có nắng nhẹ. Tuyệt đối không để ở vị trí có nắng gắt. Nhiệt độ quá cao sẽ khiến cành không thể phát triển. Ở giai đoạn đầu, cành tía tô cần có thời gian để bén rễ và thích nghi với môi trường sống.
Cây tía tô ưa ẩm nên cần tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều khiến cây bị úng. Tùy theo tình hình thời tiết, có thể tưới cho cây 1-2 lần/ngày. Vào những ngày nắng nóng, có thể tăng lượng nước tưới, tần suất tưới để cây không bị khô héo.
Sau khoảng 2-3 tuần cắm cành tía tô vào đất, phần rễ cây sẽ phát triển mạnh. Lúc này, bạn cần bón phân để thúc đẩy quá trình sinh trưởng và ra lá của cây. Có thể bón bằng phân đạm hoặc phân hữu cơ đều được.
Khi cây tía tô lớn, có tỉa bớt các lá ở phần gốc, các lá nhỏ để dinh dưỡng được đưa đến các nhánh khỏe mạnh hơn.
Cây tía tô vốn ít sâu bệnh nên bạn không cần phải lo lắng về vấn đề này trong quá trình trồng.
Thông thường, từ 30-45 ngày sau khi cắm cành tía tô vào đất, bạn có thể bắt đầu hái lá để sử dụng.
Nên cắt lá từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên cắt quá nhiều lá cùng một lúc để cây có thể tiếp tục phát triển, ra nhiều lá ở đợt sau.
Sau khoảng 15-20 ngày, bạn có thể thu hoạch lần tiếp theo.
Trên đây là cách trồng cây tía tô. Có thể thấy, cách trồng tía tô bằng cành tương đối đơn giản. Nếu trong nhà có không gian, bạn có thể trồng vài cây để lúc nào cũng có sẵn rau ăn. Lá tía tô không chỉ dùng làm gia vị cho các món ăn mà còn có thể dùng để đun nước uống, nấu nước gội đầu, nước xông mặt, xông toàn thân.