Trung Quốc đã hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy xử lý uranium ở tỉnh Quảng Đông sau cuộc biểu tình của hàng trăm người vào hôm 12/7.
Tờ Thanh niên dẫn tin từ website của chính quyền địa phương cho hay, chính quyền quận Hạc Sơn thuộc thành phố Giang Môn (Quảng Đông) sẽ không đề xuất dự án xây dựng nhà máy xử lý uranium của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), “thể theo nguyện vọng của nhân dân”.
CNNC vốn có kế hoạch xây dựng dự án xử lý uranium trị giá 37 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ USD) ở đây.
Quyết định hủy dự án được đưa ra nhanh chóng đến bất ngờ sau khi cuộc biểu tình thu hút hàng trăm người tại các công sở ở Hạc Sơn diễn ra, buộc chính quyền cam kết gia hạn thời gian lấy ý kiến người dân thêm 10 ngày.
Một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Khi chỉ người dân địa phương lo lắng, đề xuất xây dựng khu phức hợp rộng 230 héc ta ở trung tâm khu công nghiệp đồng bằng Châu Giang, Quảng Đông cũng gây lo lắng tại các đặc khu Hồng Kông và Macau ở gần đó, theo Reuters.
Nhà chức trách ở Macau đã chính thức nêu lo ngại với các quan chức ở Quảng Đông.
Theo kế hoạch được công bố hồi đầu tháng 7, nhà máy này sẽ thực hiện việc chuyển đổi, làm giàu và sản xuất uranium. Tuy nhiên, không nói rõ liệu nhà máy có thực hiện việc tái xử lý nhiên liệu qua sử dụng hay không.
Giáo sư về kỹ thuật hạt nhân tại Trường đại học Thành phố Hồng Kông Hồ Trọng Hào cho hay, ông chỉ có thể đoán rằng mục đích của nhà máy là cung cấp thêm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ hai hoặc cho hải quân.
Việc tái xử lý nhiên liệu qua sử dụng vốn có thể phát ra các lượng phóng xạ cao và chính quyền thành phố Giang Môn cũng không cho biết các biện pháp nào sẽ được áp dụng để tránh rò rỉ phóng xạ.
Các chuyên gia lo ngại các biện pháp bảo vệ nghèo nàn sẽ dẫn đến ô nhiễm các dây chuyền thực phẩm bởi việc rò rỉ bụi uranium, bụi uranium có thể gây ung thư máu nếu được hấp thu vào cơ thể người.
Hồi đầu năm 2011, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân tại Phong Thành, trên bờ biển Vịnh Bắc Bộ, cách thị xã Móng Cái của Việt Nam khoảng 60 km về phía Đông.
Théo kế hoạch đó, nhà máy sẽ có 6 lò phản ứng (giai đọan đầu hai lò) loại nước ép, công suất mỗi lò 1080MW, theo công nghệ CPR-1000 thuộc thế hệ thứ 2, nguyên bản từ công nghệ Pháp - Mỹ đã hoàn thiện từ những năm 80 thế kỷ trước, nhưng được Trung Quốc nội địa hóa đến hơn 80%.
Xung quanh dự án này, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại trước những ảnh hưởng mà Việt Nam có thể phải hứng chịu từ lượng khí phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc này.
- P.V (Tổng hợp)