Trung Quốc nhận quả đắng 'gậy ông đập lưng ông'

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Với ý định chi phối các nước bằng kinh tế, nhưng dường như, chiêu bài này của Trung quốc lại bị phản tác dụng, khi mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mở rộng đầu tư sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn Myanmar thì ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc để kết thân phương Tây.

Trong công cuộc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và hệ thống quốc tế, Trung Quốc rõ ràng đã đạt được thành công rất lớn. Trung Quốc hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong lúc giới trung lưu Trung Quốc ngày càng tăng, dự kiến nước này cũng sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, khi Trung Quốc càng lớn mạnh thì tham vọng bá quyền của nước này khiến nhiều quốc gia e ngại. Chính vì thế, để thoát khỏi cái bóng Trung Quốc, nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách thoát dần ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc.

Myanmar ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc để hướng Tây

Khi chính phủ bán dân sự của Tổng thống Myanmar Thein Sein lên nắm quyền, nhiều người đã thốt lên: Bình mới, rượu cũ. Điều đó chắc chắn không đúng với những chính sách đối ngoại, điển hình là chiến lược “thoát khỏi cái bóng Trung Quốc” mà Myanmar đang thực hiện.

Báo Infonet đưa tin, nhiều nhà quan sát quốc tế đến nay vẫn tin rằng Myanmar là một trong những "người bạn trung thành của Trung Quốc". Nhưng điều đó không còn đúng nữa.

Đầu tiên, chỉ một vài tháng sau khi ông Thein Sein lên nắm quyền, ông đã ra lệnh đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone, một thỏa thuận trị giá hơn 3,6 tỷ USD mà Trung Quốc đã ký với chính quyền quân sự trước đây. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua, ông Thein Sein đã kiên quyết đưa đề tài con đập gây tranh cãi này vào các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh đã bóng gió đưa ra những đề nghị hấp dẫn như bồi thường hoặc “rót thêm viện trợ” để thuyết phục Myanmar nối lại dự án Myitsone, nhưng Thein Sein vẫn kiên quyết nói không.

Thứ hai, ông Thein Sein đang tìm cách xây dựng lòng tin với Mỹ và đồng minh thân cận nhất của mình ở châu Á là Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ dựa vào hai đối thủ cạnh tranh khó chịu nhất của Trung Quốc để tạo cân bằng cho Myanmar sau hơn 2 thập kỷ bị ảnh hưởng và chi phối bởi Bắc Kinh. Sự hợp tác với Mỹ và Nhật Bản sẽ không chỉ khiến Trung Quốc tổn thương về kinh tế mà còn về mặt quân sự.

  Yamaha - Nhật Bản xây nhà máy sản xuất xe máy tại Myanmar

Cuối năm ngoái, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn Myanmar là một trong những chặng dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông này tái đắc cử nhiệm kỳ mới. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Myanmar.  Đáp lại thịnh tình của "bà đỡ" Mỹ, Tổng thống Myanmar đã có chuyển tới thăm Mỹ vào cuối tháng 5/2013. Trong chuyến thăm này, ông Thein Sein đã có buổi nói chuyện tại Phòng Thương mại Mỹ trước các lãnh đạo công nghiệp Mỹ.

Theo số liệu chính thức của Chính phủ Myanmar, năm 2012, kim ngạch thương mại giữa Myanmar và Mỹ đạt 190,96 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Myanmar sang Mỹ đạt 16,47 triệu USD và nhập khẩu là 174,49 triệu USD.

Trong quý I/2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt 90 triệu USD. Mỹ hiện có 15 dự án đầu tư tại Myanmar với tổng số vốn là 243,56 triệu USD, đứng thứ chín trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar.

Không chỉ bắt tay với Mỹ, Myanmar còn "chơi" với cả Nhật Bản với phương châm đôi bên cùng có lợi. Bằng chứng là trong chuyến đi Myanmar đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản sau 36 năm trong tháng 5 vừa qua, ông Shinzo Abe chẳng những đã xóa nợ cho Myanmar mà còn hứa hẹn có thêm các khoản tiền cho vay mới để phát triển. Nhật Bản đã hủy số nợ 1,74 tỉ USD và cho vay thêm nửa tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và điện lực. Trước đó, Nhật Bản đã xóa hơn 3,5 tỉ USD nợ cho Myanmar.

Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Myanmar trong năm 2012 đạt hơn 1,4 tỷ USD. Đầu tư của Nhật Bản vào Myamar kể từ khi Myanmar mở cửa cho đầu tư vào cuối năm 1988 đến tháng 3/2013 đã lên đến 270,283 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Myanmar.

Nhật Bản chuyển hướng đầu tư sang ASEAN

Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng sau khi chính phủ Nhật Bản chính thức quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà nước này gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư vào tháng 9 năm ngoái. Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục điều các tàu ngư chính, hải giám và máy bay ra quấy rối ở vùng biển tranh chấp này.

Từ những căng thẳng biển đảo, Nhật Bản dường như cảnh giác hơn với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển hướng mở rộng đầu tư trực tiếp và chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), để  tránh các rắc rối về lãnh thổ  làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Theo đó địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại “V.I.P” đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Mạng tin “Sankei” dẫn nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.

Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang mở rộng thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu do JETRO cung cấp trên mục “Thông tin khu vực và quốc gia” năm 2012, tỷ lệ đầu tư tăng so với năm trước lần lượt là Myanmar 66%, Philippines 15%, Indonesia 13%, và đây là những thị trường mà doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng khó khăn kinh tế của Trung Quốc, giá nhân công tăng cao, các cuộc biểu tình chống Nhật và căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Trong khi đó, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.

Ở Philippines, trong vòng 1-2 năm qua, các nhà máy của Nhật Bản mọc lên như “nấm sau mưa” trong đó có trường hợp doanh nghiệp Nhật chuyển một phần bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang.

Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón một luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn