Với người dân xứ Nghệ, việc các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bắt được tên tội phạm trốn truy nã 22 năm với 3 lần thay tên đổi họ, từng sống chui lủi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam với đủ các vỏ bọc khác nhau… thực sự là một kỳ tích. Với các anh – những chiến sỹ Công an nhân dân thì đó là niềm vui khi một việc khó đã được hoàn thành, một đối tượng trốn nã bị bắt có nghĩa là người dân bớt đi sự nguy hiểm, bất an.
[links()]
Những dấu chân thầm lặng
Kẻ trốn nã 22 năm ấy có tên trong Lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, do Phòng Điều tra hình sự Quân khu 5 phát ra là Nguyễn Ngọc Huỳnh, sinh năm 1969, trú tại xóm 7B, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, bị truy nã về hành vi giết người năm 1990.
Ngần ấy thời gian với bao sự đổi thay, vần vũ của tạo hóa, Nguyễn Ngọc Huỳnh trốn chạy khi mới là một chàng thanh niên ngoài 20 tuổi, khi bị bắt, anh ta đã là một người đàn ông xấp xỉ 50, tóc đã lốm đốm bạc, nước da sạm đen, giọng nói xứ Nghệ đã bị pha tạp nhiều âm sắc vùng miền khác.
Ngồi trong trụ sở công an ngày đầu tiên bị bắt, Huỳnh liên tục lắc đầu và thở dài ngao ngán, thậm chí có lúc anh ta còn buông một câu nói: “Giờ mới bắt đầu đi thi hành án thì còn gì là đời”.
Huỳnh thừa biết với hành vi giết người thì mức án đang chờ mình phía trước là khá nặng, chính bởi thế mà anh ta quyết liệt trốn chạy bằng được, và điều đó đã khiến lực lượng tầm nã phải lao tâm khổ tứ, vất vả không kể xiết.
Việc bắt được kẻ trốn nã Nguyễn Ngọc Huỳnh thể hiện sự quyết tâm của các cán bộ chiến sỹ Công an huyện Quỳnh Lưu nói riêng, Công an tỉnh Nghệ An nói chung trong việc đấu tranh không khoan nhượng với những đối tượng phạm tội nguy hiểm.
Đối tượng Nguyễn Ngọc Huỳnh tại cơ quan công an. |
Theo hồ sơ vụ án, vào những năm 1985 – 1986, Nguyễn Ngọc Huỳnh từng là công nhân quốc phòng, công việc chính là trồng cà phê ở các nông trường cà phê Nghệ An. Tính tình anh ta khi ấy được mọi người đánh giá là hiền lành nhưng hơi cục tính, nhiều lúc không tự chủ được.
Một chiều tháng 4/1987, Huỳnh đi ăn cơm cùng đám bạn, trong bữa cơm cả đám uống thêm mấy chén rượu nên hơi bốc đồng, lúc ấy người cùng mâm có mấy lời chướng tai, rồi hai bên xảy ra cãi vã, thế là Huỳnh cướp súng định giết người vừa cãi nhau với mình.
May mắn lần đó mọi người đã can ngăn kịp nên án mạng không xảy ra. Nhưng với hành vi côn đồ và nguy hiểm đó, tháng 5/1990, Phòng điều tra hình sự Quân khu 5 đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Ngọc Huỳnh về hành vi giết người.
Vào nhà tạm giam được khoảng 20 ngày, lợi dụng sơ hở, Huỳnh đã trốn trại trở về quê để… cưới vợ. Và sau đó anh ta biến mất như thể chưa từng tồn tại trên thế gian này.
Sau một thời gian truy tìm không kết quả, Phòng Điều tra hình sự Quân khu 5 đã ra Quyết định truy nã toàn quốc đối với Huỳnh về hành vi giết người. Sau đó, thông tin truy nã về đối tượng Huỳnh đã được gửi tới lực lượng công an để cùng phối hợp truy tìm, bắt giữ…
Một cán bộ điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, ngay từ khi nhận hồ sơ truy nã về Huỳnh, nhận thấy đây là đối tượng truy nã nguy hiểm nên lãnh đạo Công an huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các lực lượng tập trung thu thập thông tin, xác minh và truy tìm.
Thời điểm đó vợ Huỳnh vừa sinh đứa con đầu lòng mới được mấy tháng tuổi, một mặt các anh vẫn tập trung nắm bắt, theo dõi mọi thông tin, diễn biến xung quanh nhà anh ta, mặt khác, các anh dựng lên các mối quan hệ của Huỳnh để lần tìm theo dấu vết của hắn.
Sở dĩ các anh luôn có niềm tin sẽ bắt được Huỳnh, cho dù sớm hay muộn, là bởi vợ con Huỳnh vẫn đang ở Quỳnh Lưu. Hơn nữa, đó là người vợ anh ta quyết định cưới khi trốn trại, với tình yêu “cháy bỏng” như vậy thì Huỳnh không thể bỏ bẵng vợ con mà mất tích được.
Cùng với việc thu thập thông tin, truy tìm đối tượng, tổ công tác Công an huyện Quỳnh Lưu cũng rất chú trọng việc vận động, thuyết phục người thân, vợ của Huỳnh khuyên chồng ra đầu thú.
Có thể nói đó là công việc chẳng hề dễ dàng gì, bởi với tâm lý lo lắng, thương cho người thân của mình, nên vợ Huỳnh cũng như bố, mẹ và anh chị em của anh ta không hợp tác với cơ quan điều tra trong việc vận động, thuyết phục anh ta về đầu thú.
Bao lần các điều tra viên đến nhà Huỳnh để nói chuyện thì bấy nhiêu lần các anh bị gia đình Huỳnh tỏ thái độ lạnh nhạt, thậm chí còn lớn giọng tuyên bố: “Các anh đến đây nhiều cũng vô ích thôi, nó sống chết ở đâu chúng tôi không quan tâm”.
Vậy nhưng các cán bộ điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu vẫn kiên nhẫn qua lại nhà Huỳnh, trong ngần ấy năm, cứ bất chợt lại có một điều tra viên đến hỏi thăm, chuyện trò với gia đình anh ta. Các anh thuyết phục:
“Gia đình hãy vận động, kêu gọi anh Huỳnh về trả án, càng trốn lâu càng không có lợi cho anh ta. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, liệu anh ta có thể bỏ gia đình, bỏ tổ tiên họ hàng để trốn mãi được không? Sống khốn khổ, chui lủi như thế thì còn gì là cuộc sống, là con người nữa”.
Suốt 22 năm trời, bàn chân của các cán bộ tầm nã huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ đã đặt đến hầu hết các tỉnh, thành của cả nước, từ những vùng núi phía Bắc cho đến những kênh rạch chằng chịt vùng Tây Nam Bộ… để lần theo tung tích của kẻ trốn nã Nguyễn Ngọc Huỳnh.
Các thành viên trong tổ tầm nã của Công an huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều thay đổi với nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng ai cũng đau đáu việc tìm kiếm thông tin về Huỳnh.
Lời thú tội của kẻ trốn nã
Chiều muộn một ngày giữa tháng 9/2012, lực lượng trinh sát Công an huyện Quỳnh Lưu và Công an xã Quỳnh Châu, Nghệ An phát hiện thấy một người đàn ông có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện tại nhà của Nguyễn Ngọc Huỳnh ở xã Quỳnh Châu.
Qua nhận định tuổi tác và diện mạo bên ngoài của người đàn ông này, tổ công tác Công an huyện Quỳnh Lưu nghi ngờ đó chính là kẻ trốn nã Nguyễn Ngọc Huỳnh. Phải chăng anh ta nghĩ rằng, đã 22 năm trôi qua rồi, mọi chuyện đã trôi vào lãng quên nên cả gan mò về nhà để thăm vợ con. Tổ công tác lập tức lên kế hoạch tiếp cận, xác minh.
Vị khách lạ ở nhà Huỳnh hầu như không mấy khi có mặt ở nhà, gần như cả ngày anh ta ẩn mình trong khu rừng phía sau hòng tránh sự phát hiện của mọi người, chỉ đến khi trời tối anh mới vội lẻn vào nhà. Bởi vậy, những người hàng xóm dù ở rất gần nhà Huỳnh cũng không hề biết đến sự có mặt của người khách lạ đó.
Không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào từ vị khách lạ này, tổ công tác Công an huyện Quỳnh Lưu và Công an xã Quỳnh Châu luôn bám sát khu vực nhà Nguyễn Ngọc Huỳnh. Cho đến 1h ngày 19/9/2012, từ vị trí quan sát, các trinh sát phát hiện vị khách này lò dò đi từ trong rừng đi ra, anh ta nhìn trước ngó sau rồi chui tọt vào nhà, đóng sập cửa lại.
Không khó để các trinh sát nhận ra đó chính là Huỳnh. Lập tức vòng vây được khép chặt. Đồng chí Trưởng Công an xã Quỳnh Châu được phân công đến gõ cửa kêu gọi Huỳnh ra đầu thú. Cánh cửa vẫn đóng im ỉm một lúc lâu, rồi đột ngột bật mở, Huỳnh từ bên trong lao ra ngoài định vào rừng lẩn trốn, nhưng anh ta đã bị tổ công tác tóm gọn.
Tại trụ sở Công an, gần một ngày trời anh ta thở ngắn, than dài kêu chán nản, buồn bã vì bị bắt quá bất ngờ, đến khi được các cán bộ Công an chuyện trò, phân tích đúng sai, lúc đó Huỳnh mới chịu hợp tác khai báo.
Anh ta cho biết, những ngày bắt đầu cuộc đời trốn nã chui lủi, Huỳnh đã chạy một mạch lên Tuyên Quang – nơi anh ta từng có thời gian đến làm rừng để lẩn trốn. Tại đây, anh ta làm một bộ hồ sơ giả để xin vào làm công nhân cho một nông trường.
Sau khi phát hiện mình bị truy nã toàn quốc, Huỳnh đã rời Tuyên Quang và trốn vào các tỉnh Tây Nguyên. Tại vùng đất này, Huỳnh lấy tên mới là Huy và tạo một vỏ bọc mới là người làm nương, rẫy thuê. Hằng ngày anh ta quần quật trên nương, tối vào những lán dựng cho người đi nương để ngủ qua ngày.
Sống ở Tây Nguyên được hơn 2 năm, lo sợ nếu cứ ở lại đó sẽ bị phát hiện, Huỳnh lại khăn gói lên đường. Lần này anh ta mò mẫm vào tỉnh Bình Thuận, xin vào làm thuê cho một xưởng chuyên sản xuất nước mắm.
Nhưng ở đây chưa nóng chỗ, Huỳnh tiếp tục cuộc trốn chạy, lần này anh ta dừng chân ở Đà Nẵng. Với cái tên mới là Ngọc và vỏ bọc mới là một người đi đánh cá thuê, Huỳnh đã kéo dài thời gian trốn nã thêm vài năm nữa.
Cuộc trốn chạy vẫn chưa dừng lại ở đó, khi biết tin tổ công tác Công an xứ Nghệ đã phát hiện thấy dấu vết của mình ở Đà Nẵng, Huỳnh đã vội vàng bỏ chạy. Lần đó anh ta chạy vào Vũng Tàu và đổi tên mới là Nguyên, tại vùng đất mới, Huỳnh lại tạo cho mình vỏ bọc là một anh công nhân sản xuất nước đá…
Cứ như vậy, thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua, Huỳnh liên tục trốn chạy và tạo những vỏ bọc mới để không bị phát hiện. Đến khi anh ta tưởng mọi chuyện đã chìm vào quên lãng, lệnh truy nã ngày xưa chắc đã “hết hiệu lực”, Huỳnh quay về. Chẳng ngờ, lực lượng Công an xứ Nghệ vẫn đang chờ anh ta…
- Ngọc Phạm