Đám ma đàn hát thâu đêm, thuê ca sĩ, vũ công hát múa, có cả múa lửa, múa sexy… xuất hiện ngày càng nhiều. Có người lý giải đây là văn hóa Nam Bộ, khác với đám ma Miền Bắc buồn than khóc bi ai.
Đây là sự ngộ nhận đáng tiếc, người Việt từ Bắc vào Nam thống nhất một nền văn hóa Á đông trong hầu hết những giá trị chuẩn mực. Nghi lễ tang ma, cưới gả cũng xuất phát từ cái nền chung. Dị biệt thì có, nhưng hoàn toàn không có “đám ma vui”.
Trên một diễn đàn, có người giải thích rằng đây là “nét văn hóa riêng” của Nam Bộ: “Lúc mình mới vào Sài Gòn năm 1998, thấy họ hát thâu đêm. Điều khác biệt rõ rệt nhất mà mình nhận thấy giữa đám tang hai miền là đám tang miền Nam không hề buồn chút nào.
Người đồng tính “biểu diễn” ở một đám tang tại TP.HCM |
Mình đã từng được nghe kể rồi, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến vẫn không khỏi ngạc nhiên. Trong khi đó, đám tang miền Bắc thì buồn lắm, thê lương ai oán khủng khiếp”.
Ở đây có chuyện cần bàn là “đám ma vui” có phải là hiện tượng phổ biến, một đặc thù của văn hóa miền Nam hay không?
Người Việt nói chung trong nền tảng hỗn dung Tam Giáo tin tưởng con người có linh hồn, có luân hồi thế giới, có trời đất, có địa ngục niết bàn, nên nghi lễ tang ma cũng xoay quanh yếu tố này, thể hiện tấm lòng hiếu đạo của người còn sống với người mất, và mục tiêu làm sao cho người mất sớm siêu thoát vào cõi cực lạc.
Nghĩa tử là nghĩa tận nên nghi tiết lễ nghĩa với người chết phải được thực hiện chu đáo. Cổ luật quy định việc tang ma không chỉ là nghi lễ mà còn là luật hình. Quy định về tang chế được Quốc Triều Hình Luật của Lê Thánh Tông và Hoàng Việt Luật Lệ của vua Gia Long quy định tương tự như nhau.
Ai vi phạm quy chế này, cưới vợ gả chồng, vui chơi chè chén trong lúc cư tang sẽ bị phạt tù, lưu đày hoặc bị đánh bằng roi. Quy định này về sau bị mê tín hóa thành chuyện hên xui nên mới phát sinh lệ “đám cưới chạy tang”.
Nghi tiết về ma chay cưới hỏi của người Việt được thực hiện theo sách Thọ Mai Gia Lễ. Người Nam Bộ thực hiện tang ma có một vài nghi tiết dị biệt như lễ đánh phá quàn trong lễ động quan, nhạc lễ trong đám tang, nhưng đều thống nhất theo tinh thần chung đám tang là trang nghiêm.
Lễ phá quàn được cho là nhằm nhắc lại lòng hiếu thảo của chàng Lía, một nông dân chống lại triều đình bị vây trên núi. Mẹ chết, biết quân triều đình mai phục, chàng Lía vẫn lẻn về nhà cướp quan tài của mẹ đem về căn cứ chôn giấu.
Lễ phá quàn diễn ra ngay trước lúc động quan, tùy theo từng vùng, từng gia đình có thể làm quy mô như một hoạt cảnh có diễn xướng ca hát múa võ. Nội dung và giai điệu diễn xướng này đều phải theo quy ước, tuồng tích chàng Lía cướp quan tài của mẹ để báo hiếu.
Ngày nay lễ phá quàn đơn giản hơn, chỉ là một người biết võ cầm đuốc, đèn sáp, múa bài quyền tứ trụ trước đầu săng và chung quanh quan tài. Đơn giản hơn nữa là người trưởng nhóm đạo tỳ khiêng quan tài mang cặp nến to vái lạy trước quan tài và sau đó cùng đám đạo tỳ đi một vòng quan tài trước khi di quan.
Ý nghĩa của lễ phá quàn có phần biến tướng về ý nghĩa là đánh bạt ma quỷ đeo bám để việc di quan được an toàn thuận lợi. Biến tướng hơn nữa là có vài trường hợp những người đồng tính đã lợi dụng lễ này để múa may uốn lượn kiếm tiền.
Tuy nhiên những biến tướng này vẫn nằm trong khuôn khổ nghi thức động quan của đám tang, không phải là nội dung ý nghĩa của “đám tang vui”.
Người đồng tính “biểu diễn” ở một đám tang tại TP.HCM |
Đặc điểm thứ hai của đám tang ở Nam Bộ là nhạc lễ. Với tên gọi của nó đã cho thấy không phải để mua vui, mà để tăng tính trang trọng cho tang lễ, khác với dàn nhạc vui chơi giải trí là đàn ca tài tử.
Ngoài việc phục vụ cúng tế theo nghi lễ, vào lúc đêm khuya vắng người, theo yêu cầu của gia chủ hoặc những người dự tang, ban nhạc lễ cũng có thể hòa tấu những bài nhạc trong khuôn khổ nhạc cổ, nhạc lễ nhưng không có ca hát. Việc làm này có ý nghĩa làm không khí bớt cô quạnh vắng vẻ chứ không nhằm để vui.
Với những quy ước nghiêm nhặt như vậy, nhạc lễ trong đám tang Nam Bộ là sinh hoạt văn hóa đúng đắn, tích cực, tăng tính trang nghiêm, long trọng cho nghi lễ mà không phải để mua vui. Và bản chất của lễ tang Nam Bộ hoàn toàn không có nghi thức đàn ca múa hát.
Gần đây, ở một số nơi có xảy ra biến tướng, ban nhạc lễ chơi cả tân nhạc trong những lúc nghỉ ngơi ngoài nghi lễ thậm chí có thể có những trường hợp múa hát nhạc trẻ, nhạc ngoại.
Dùng nhạc cụ cổ truyền theo cung bậc ngũ âm chơi nhạc tây phương với giai điệu bát âm là sự pha trộn lố bịch, sự xuống cấp đáng báo động của những ban nhạc lễ, sự xuống cấp về thẩm mỹ văn hóa ứng xử của người nghe. Hiện tượng ca, múa thoát y, hoàn toàn là yếu tố ngoại lai chứ không phải là “văn hóa Nam Bộ” như một số bài viết và ý kiến trên các diễn đàn mạng.