Hiện nay hầu hết các gia đình đều có ít nhất 1 chiếc xe máy, thậm chí có gia đình có 3-5 chiếc xe máy, mỗi thành viên một chiếc. Di chuyển bằng xe máy vẫn là hình thức giao thông phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt trong nhiều năm qua vấn đề về bảo hiểm bắt buộc cho xe máy khiến nhiều người quan tâm.
Bảo hiểm xe máylà gì có những loại gì?
Bảo hiểm xe máy hiện có hai loại là bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc. Đây là những giấy tờ mà chủ xe khi bỏ tiền ra mua thì sẽ nhằm đảm bảo trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp gặp các sự cố khi tham gia giao thông.
- Bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc dân sự là loại bảo hiểm chủ xe phải mua để đảm bảo khi gây ra tai nạn thì người bị tai nạn có thể nhận được khoản bồi thường, khắc phục sự cố.
- Bảo hiểm tự nguyện là loại bảo hiểm mà người chủ xe mua để bảo đảm quyền lợi của mình khi không may bị mất, bị hư hỏng xe...
Hai loại bảo hiểm này thuộc phạm vi bảo hiểm khác nhau và đối tượng nhận bảo hiểm khác nhau.
Quy định của luật về bảo hiểm xe máy
Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA (được sửa đổi bởi Thông tư 28/2024/TT-BCA) quy định khi lưu thông trên đường thì người điều khiển xe máy phải mang theo các giấy tờ sau:
- Giấy phép lái xe
- Giấy đăng ký xe
- Bảo hiểm xe máy bắt buộc
- Giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD…
Đến 1/1/2025 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15 có hiệu lực thay thế cho luật hiện hành nhưng quy định về giấy tờ bảo hiểm bắt buộc của chủ xe máy vẫn là giấy tờ bắt buộc. Cụ thể khoản 1 Điều 56 của Luật này quy định:
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy rõ ràng bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc vẫn là giấy tờ cần phải có. Trước thực trạng nhiều người mua bảo hiểm để đối phó CSGT và việc thực hiện quyền lợi bảo hiểm nhiều thủ tục, đã có cử tri đề xuất bãi bỏ quy định mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, khuyến khích bảo hiểm tự nguyện. Do đó thông tin từ 2025 người đi xe máy không phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, có thể dùng bảo hiểm tự nguyện là không đúng, đó chỉ là đề xuất, chưa được quy định.
Người dân chú ý bảo hiểm bắt buộc là giấy tờ quy định không có sẽ bị xử phạt, trong trường hợp không có loại bảo hiểm này mà có bảo hiểm tự nguyện vẫn bị vi phạm, còn có bảo hiểm bắt buộc mà không có bảo hiểm tự nguyện thì sẽ không bị vi phạm.
Đi xe máy không có bảo hiểm bắt buộc sẽ bị xử phạt thế nào?
Điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
"2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực"
Như vậy mức xử phạt sẽ ở khủng 100-200.000 đồng và không có hình phạt bổ sung.
Hiện nay Bộ Công an đã lên Dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 100 và dự kiến nội dung sẽ có hiệu lực từ 2025.