Đảng viên là ai?
Hiện nay, Đảng viên đang thực hiện theo quy định nêu tại Điều lệ Đảng. Trong đó Điều 1 Điều lệ Đảng nêu rõ về Đảng viên như sau:
- Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Theo đó, có thể hiểu Đảng viên là:
- Thuộc giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
- Mục đích phấn đấu cả đời là vì lý tưởng của Đảng, lợi ích của Tổ quốc, giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Phải coi những điều này còn trên cả lợi ích của cá nhân Đảng viên đó.
- Phải chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, có đạo đức, lối sống lành mạnh, lao động và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…
Thực tế, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, có rất nhiều người đáp ứng điều kiện và được bầu vào đứng hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều kiện, tiêu chuẩn của Đảng viên
Theo định nghĩa nêu trên, không phải đối tượng nào cũng được kết nạp vào Đảng bởi những yêu cầu và tiêu chuẩn, điều kiện khá nghiêm khắc. Điều lệ Đảng nêu rõ, tiêu chuẩn của Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam gồm:
- Tuổi đời: Để trở thành Đảng viên, quần chúng cần phải đáp ứng điều kiện về tuổi từ đủ 18 - 60 tuổi. Riêng những đối tượng trên 60 tuổi nếu muốn được kết nạp Đảng thì phải đáp ứng các điều kiện về sức khoẻ, uy tín, nơi công tác, cư trú…
- Trình độ học vấn:
Phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng đặc biệt khác gồm: Người sống ở miền núi, hải đảo… có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì chỉ cần tốt nghiệp tiểu học;
Già làng, trưởng bản… thì chỉ cần biết đọc, viết chữ quốc ngữ, có văn bản đồng ý trước khi ra quyết định kết nạp.
- Là người ưu tú, được tín nhiệm: Đây là điều kiện quan trọng theo định nghĩa Đảng viên đã nêu ở trên.
- Thực hiện cương lĩnh, Điều lệ Đảng một cách nghiêm túc, tự nguyện…
- Lý lịch: Người kết nạp vào Đảng phải có lý lịch rõ ràng, trong sáng. Đồng thời, người thân gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng. vợ/chồng, con đẻ của người muốn vào Đảng cũng sẽ phải trải qua quá trình thẩm tra lý lịch khắt khe.
- Được hai Đảng viên chính thức giới thiệu: Điều kiện về Đảng viên chính thức là phải cùng lao động, học tập, công tác cùng nhau ít nhất 12 tháng trong cùng một đơn vị và người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình về người kết nạp vào Đảng.
- Dự bị 12 tháng: Sau khi được kết nạp, trước khi được chuyển sang Đảng viên chính thức, người vào Đảng phải trải qua thời gian dự bị 12 tháng. Trong thời gian 12 tháng này, người được kết nạp vẫn phải tiếp tục rèn luyện, không ngừng phấn đấu, cố gắng để tự hoàn thiện bản thân theo các tiêu chuẩn cần có của Đảng viên.
Trường hợp sinh con thứ 3 vẫn có thể được xem xét kết nạp đảng viên
Những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình có thể xem xét kết nạp đảng gồm:
Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).
+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19.1.1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18.10.1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).
Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).