(Bảo vệ người tiêu dùng) – Tuần qua quả là nhiều thông tin ảm đạm với người tiêu dùng cả nước, người viết cố kiếm một tin vui để điểm mà lướt khắp các báo không thấy đâu, đành điểm những tin không thể vui.
Dùng hóa chất tái chế bún cũ, ôi thiu thành bún mới
Với các loại hóa chất từ Trung Quốc tuần sang, và với nhiều sự kết hợp khác nhau, đầy sáng tạo của người Việt, nhiều loại thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, thối rữa… được kết hợp với hóa chất độc hại để thành những loại thực phẩm tươi ngon như mới.
Theo miêu tả của tờ Thanh niên, khi vào cơ sở sản xuất bún tươi của bà Hoa, nằm trên đường số 4, phường 4, quận 8, TP. HCM, các công nhân được miêu tả là mình trần, tay không, có người còn lở loét vẫn tham gia làm bún như thường; nền nhà, thau chậu cáu bẩn…
Cơ sở tái chế bún ế, ôi thiu thành bún mới của bà Hoa. Ảnh: TN. |
Không chỉ sản xuất bún mới, cơ sở của bà Hoa còn thu gom bún ế, bún cũ, ôi thiu về tái chế lại và lại bán ra thị trường. Bún ế được thu hồi và phân loại, qua một số công đoạn được đưa vào trộn với chung với bột mới (bột nguyên liệu mới) rồi tiếp tục đưa qua máy tạo sợi cho ra bún mới. Để bún cũ, bún ế sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, cơ sở dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào.
Ngày sau đó khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở sản xuất bún của bà Hoa 7kg hóa chất dạng bột trắng mịn; một số bột màu vàng chanh, màu trắng dạng cốm và dung dịch không màu, có mùi nhưng không rõ loại.
Bà Hoa khai những hóa chất, phụ gia trên mua từ chợ Kim Biên (quận 5, TP. HCM), được sử dụng trong từng công đoạn để tẩy trắng, chống mốc và tạo mùi thơm khi làm bún.
Theo lời khai của bà Hoa tại cơ quan chức năng về quy trình làm bún, gạo được ngâm nước 3 - 4 ngày rồi đem xay bột. Mỗi cối bột xay cho vào một loại hóa chất tẩy trắng. Khi bột được xay nhuyễn thì tiếp tục cho vào 10gr hóa chất dạng bột màu vàng chanh (bà Hoa không cho biết chất này dùng để làm gì).
Tiếp theo cho bột vào từng bao (loại bao 50) ép cho ráo nước rồi trộn cùng bún ế, bún thiu của ngày hôm trước. Lúc này cơ sở cho "nước thơm" - dung dịch không màu, có mùi hôi, cho vào để rửa bún, giúp bún không còn mùi hôi; rồi cho tất cả vào máy đánh bột, để đánh trộn đều hỗn hợp "bột, bún cũ, hóa chất" nói trên.
Sau cùng, bà Hoa cho tiếp một loại hóa chất khác cũng màu trắng nhưng có dạng như thuốc cốm, để chống mốc!
Theo điều tra, chất bột màu vàng chanh là hóa chất tinopal sử dụng trong công nghiệp, chất siêu tẩy và rất độc. Loại này thường được bán ở các sạp chuyên cung cấp hóa chất dùng trong dệt, nhuộm.
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN) cho biết, chất tinopal là chất tẩy trắng rất mạnh, thường được dùng trong công nghiệp, nó có tính ô xy hóa cao và rất hại cho cơ thể. Nếu sử dụng lâu dài, ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, và còn là nguy cơ gây ung thư.
Không phát hiện bún chứa chất độc
Bún được làm bẩn độc như trên đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không hay biết, chi khi báo chí vào mới ra chuyện. Ấy vậy nhưng, khi xét nghiệm bún bán trên thị trường cũng đâu có phát hiện gì lạ đâu. Có lẽ chỉ ở TP. HCM người ta mới sản xuất bún bẩn độc kiểu như trên, còn Hà Nội thì thật thà và lo cho sức khỏe người tiêu dùng hơn.
Ngày 5/7, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã công bố kết quả kiểm tra 7 mẫu bún lấy tại các chợ của 5 quận trên địa bàn.
Kết quả, cả 7 mẫu bún trên đều đạt chỉ tiêu chất lượng, không chứa các chất cấm sử dụng trong thực phẩm như chất làm sáng trắng (tinopal), chất bảo quản, foocmon và hàn the.
Thu giữ trứng và lợn không rõ nguồn gốc
Sáng 2/7, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển trứng và heo không rõ nguồn gốc.
Kiểm tra xe khách BKS 60B-01193, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 13.200 quả trứng vịt không hóa đơn chứng từ, không kiểm dịch, đang trên được vận chuyển từ Tiền Giang đi Đồng Nai để tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã thu giữ và tiêu hủy toàn bộ.
Hơn 13.000 quả trứng trên xe khách bị thu giữ và tiêu hủy. Ảnh:TN. |
Cùng ngày, kiểm tra xe tải BKS 70C-01399 vận chuyển 94 con lợn sống lưu thông trên QL1 hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, tài xế cũng không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch cho số heo trên. Tài xế cho biết số lợn này được vận chuyển từ Đồng Nai về Tây Ninh để giết mổ lấy thịt.
Thu hồi mỹ phẩm Kanebo của Nhật ở Việt Nam
Ăn bẩn, làm đẹp cũng độc, điều đó đã trở nên quen thuộc. Như tuần trước chúng tôi đã điểm, tại TP.HCM cơ quan chức năng đã thu giữ lô hàng với hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, vụ việc đó chưa qua thì tuần này một hãng mỹ phẩm có “số má” hẳn hoi của Nhật lại thu hồi sản phẩm vì gây kích ứng da.
Cụ thể là, ngày 6/7, đại diện nhà phân phối chính thức mỹ phẩm Kanebo Cosmetics của Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo thu hồi 29 mã sản phẩm (thuộc 9 loại) đang được lưu hành tại Việt Nam, vì có chứa thành phần Rhododenol, do có những nghi ngờ về tác dụng phụ của thành phần này.
Quyết định này được đưa ra khi trước đó, tại Nhật Bản hãng Kanebo Cosmetics cũng đã thu hồi tự nguyện 54 sản phẩm làm trắng da có chứa thành phần Rhododenol trên toàn thế giới, vì ghi nhận một số trường hợp có sự kích ứng tạo nên nốt trắng trên da của một số khách hàng tiêu dùng trên thị trường Nhật Bản.
Một số sản phẩm mỹ phẩm của Kanebo Cosmetic thu hồi tại Việt Nam. Ảnh: DV. |
Các loại mỹ phẩm của hãng Kanebo Cosmetics thu hồi tại Việt Nam được bán với giá từ 800.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/hộp.
Hà Nội: Tăng gấp đôi viện phí hiện hành
Tiếp nối những thông tin buồn về an toàn thực phẩm, và hòa cùng không khí tăng giá chung, tuần qua HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về “Điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố Hà Nội”, với mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công ở Thủ đô.
Theo đó, mức điều chỉnh bằng 75% mức trần quy định trong Thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ ngày 1/8; bằng 100% mức trần quy định trong Thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ năm 2016.
Cụ thể, từ 1/8, với khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa;
Với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày...
Quả đúng là, càng ngày càng tốn nhiều tiền ăn, tỷ lệ thuận với đó là đồ ăn bẩn độc để rồi sinh bệnh, bệnh rồi thì vào viện chi phí cũng ngày càng tăng, mỗi lần tăng là gấp đôi, ba lần mức cũ, dù chất lượng dịch vụ thì chẳng thay đổi là bao. Thế mới hiểu tại sao ví tiền của người dâng ngày càng kiệt quệ.
- Phạm Thanh