(Bảo vệ người tiêu dùng) - Các loại tương ớt không rõ nguồn gốc có chứa chất Rhodamine B gây ung thư tràn lan trên thị trường với giá bán 10.000-15.000 đồng một lít.
[links()]
Thời gian qua, không chỉ trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà tại nhiều địa phương khác, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các mẫu tương ớt không rõ nguồn gốc.
Các loại tương ớt này thường đựng vào loại can nhựa lớn, giá 10.000-15.000 đồng một lít, bên ngoài không hề có tem nhãn nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần. Đặc biệt loại tương ớt này được sử dụng phổ biến ở các quán ăn vỉa hè.
Khảo sát của PV, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội cho thấy, loại tương ớt được các quán ăn vỉa hè sử dụng chủ yếu là tương ớt không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng. Tất cả các chủ quán ăn vỉa hè đều thừa nhận, họ mua với số lượng lớn sau đó đóng ở các can nhựa lớn và để dùng dần. Mỗi ngày, các quán ăn vỉa hè tiêu thụ số lượng hàng chục thậm chí hàng trăm can nhựa loại 20 lít chứa tương ớt.
Hầu hết các loại tương ớt mà các quán ăn sử dụng sau một thời gian đều lắng cặn đen đóng cứng trên các thành thìa ăn. Theo quan sát, các cặn đen bám trên thìa ăn ở các lọ tương ớt mà thực khách sử dụng tương ớt trông rất bẩn, mất vệ sinh. Khi vo cặn đen này rời ra như bột sữa trẻ em trông rất ghê.
Chủ 1 quán ăn lí giải, nguyên nhân của các cặn đen bám trên thành thìa tương ớt loại không nhãn mác chủ yếu do họ để tương ớt bên ngoài quá lâu không đảm bảo môi trường nhiệt độ bảo quản tương ứng nên dẫn đến tình trạng xuất hiện cặn đen.
“Thực khách vẫn sử dụng tương ớt này để cho vào nước phở, bún hàng ngày và sử dụng”, chủ một quán ăn trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận.
Tương ớt không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường |
Thực tế qua các vụ bắt giữ tương ớt bẩn của Phòng cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội cho thấy, các loại tương ớt bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ được các chủ lò sản xuất tương ớt trộn lẫn phẩm màu, bột màu nghệ, bột màu đỏ, chất tạo độ sệt và chất bảo quản trong quá trình sản xuất. Đặc biệt trong thành phần loại tương nay có sử dụng chất Rhodamine B, một thành phần của phẩm màu công nghiệp có thể gây ung thư.
Tương ớt sau khi được chế sẽ được phân phối bán cho các tiểu thương ở chợ. Tại khu vực chợ Đồng Xuân, chỉ cần bỏ ra từ 4-10 nghìn đồng bất cứ ai cũng có thể sở hữu được 1 chai tương ớt có vị cay xè và màu sắc bắt mắt.
Đại diện nhãn hiệu tương ớt có thương hiệu trên thị trường hiện nay cũng cho biết, việc các loại tương ớt bẩn, không rõ nguồn gốc được chế biến thủ công ở các cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện máy móc, trang thiết bị công nghệ bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay người tiêu dùng sử dụng có thể gây đau bụng hoặc các bệnh đường ruột liên quan. Đó là chưa kể các chất phẩm màu mà các cơ sở “gia đình” sử dụng có các chất gây bệnh khác rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho rằng, rất khó nhận biết tương ớt có chứa chất gây ung thư vì các độc chất trên không mùi, không vị. Cách duy nhất là nhận biết qua màu của sản phẩm. Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm, mùi vị thơm ngon chứ không có màu sặc sỡ, tươi rói như được pha hóa chất. Những thực phẩm có sử dụng chất phẩm màu rhodamine B thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, màu đẹp đều, không bị phai màu trong nước
Đại diện Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm tương ớt nên chọn các loại có nhãn hiệu rõ ràng và tuyệt đối không nên sử dụng các loại tương ớt bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn, thành phần trên thị trường hiện nay.
Rhodamine B là một hợp chất hóa học có cấu tạo phân tử là C28H31ClN2O3, đây là một thành phần của phẩm màu công nghiệp. Rhodamine B gây độc cấp và mãn tính. Qua tiếp xúc, nó gây dị ứng hoặc làm mẩn ngứa da, mắt,... Qua đường hô hấp, nó gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực. Qua đường tiêu hóa, nó gây nôn mửa, có hại cho gan và thận. Nếu tích tụ dần trong cơ thể nó gây nhiều tác hại đối với gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh cũng như có thể gây ung thư. Tuy nhiên, do có giá rẻ và độ bền màu cao, nên nhiều người kinh doanh đã lạm dụng phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamine B, dù nó đã bị cấm sử dụng. |
H.T (Tổng hợp)