Vàng lên cơn điên, rau muống, xe ôm, nhà nghỉ... cũng leo thang chóng mặt

( PHUNUTODAY ) - Trước tình trạng giá vàng và giá USD liên tục tăng vọt trong mấy ngày qua, đặc biệt, lập kỷ lục trong ngày hôm nay (9/8), các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm cho đến các loại dịch vụ dường như cũng theo đó mà nhảy vọt.

(Phunutoday) - Trước tình trạng giá vàng và giá USD liên tục tăng vọt trong mấy ngày qua, đặc biệt, lập kỷ lục trong ngày hôm nay (9/8), các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm cho đến các loại dịch vụ dường như cũng theo đó mà nhảy vọt.

Thực phẩm leo thang

Theo khảo sát của PV tại một số chợ ở Hà Nội như: chợ Quỳnh Mai, chợ Mai Động , chợ Ngọc Hà… thì giá một số loại thực phẩm đã tăng mạnh trong hai ngày gần đây.
Mô tả ảnh.
 
Cụ thể, giá thịt lợn đã tăng lên 120.000 – 150.000 đồng/kg (trước đây là 110.000 – 130.000 đồng/kg). Thịt gà ta tăng 160.000 – 180.000 đồng/kg (gà làm sẵn, trước đây là 150.000 – 160.000 đồng/kg), gà công nghiệp 90.000 – 95.000 đồng/kg (trước là 80.000 – 85.000 đồng/kg); thịt bò tăng lên 220.000 – 240.000 đồng/kg (trước là 200.000 – 220.000 đồng/kg).

“Mới chiều hôm qua, tôi mua thịt ba chỉ có 120.000 đồng/1cân, nhưng sáng nay đi chợ đã thấy lên 130.000 đồng/1cân rồi. Năm ngoái thịt lợn chỉ có 65-70.000/1 cân là cao, sang đến năm nay đã tăng gấp đôi rồi. Cứ thế này thì với đồng lương ít ỏi người dân như chúng tôi sống thế nào được” - chị Nguyễn Thị Nga (Mai Động – Hà Nội) cho biết.
Mô tả ảnh.
Giá thịt lợn đã tăng lên 120.000 – 150.000 đồng/kg
Còn theo chị Trần Bích Phượng (Ba Đình – Hà Nội) thì giá thịt lợn, thịt bò… ở chợ Ngọc Hà đã tăng từ vài ngày trước.

“Tôi ngày nào cũng đi chợ nên thấy các loại thịt đã tăng từ 2-3 ngày nay, lên khoảng 10.000-20.000 đồng/1 cân. Hôm nay nghe nói giá vàng và giá USD tăng mạnh thì chắc vài ngày nữa các loại thực phẩm sẽ lại tăng tiếp thôi.”

Bên cạnh đó, các loại rau củ cũng đồng loạt tăng giá ở các chợ. Nếu như 1 tuần trước, rau muống chỉ có giá 3000 - 4000 đồng/mớ thì ngày hôm nay, rau muống cũng vượt giá lên đến 5000 – 6000 đồng/ mớ. Rau cải cũng tăng lên 6000 – 7000 đồng/ bó. Riêng mùng tơi, trước đây là 2500 – 3000 đồng/mớ thì nay cũng tăng lên đến 5000 đồng/mớ. Các loại rau khác cũng tăng từ 1000 – 3000 đồng.
Mô tả ảnh.
Rau muống vượt giá lên đến 5000 – 6000 đồng/ mớ. rau cải cũng tăng lên 6000 – 7000 đồng/ bó.
“Hai hôm nay là tôi nhập rau đắt hơn cả chục ngàn đồng 1 kg, thế nên về cũng phải bán đắt hơn chứ kỳ thực không muốn tăng giá. Vàng lên giá thì rau củ cũng phải tăng giá theo thôi” - Chị Hoa bán rau ở chợ Mai Động cho biết.

Còn riêng các loại gạo tuy cho đến thời điểm 12h ngày 9/8 vẫn chưa tăng giá, song theo chủ một cửa hàng tại 135 phố Tam Trinh thì 2-3 ngày nay các loại thịt cá, rau củ đều rục rịch tăng cả nên chắc nay mai giá gạo cũng sẽ tăng. “Hôm qua nhập gạo về tôi cũng nghe nói sắp tới gạo sẽ tăng lên vài nghìn 1cân.” - chị cho biết. Theo đó, gạo Bắc Hương hiện nay có giá 18.000 đồng/kg, Tạp Dao 12.500 đồng/kg, Tám Hải Hậu 19.500 đồng/kg,  Tám Thái 21000 đồng/kg… và sắp tới, theo suy đoán của chị gạo sẽ tăng 2-3000 đồng/kg.

Các sản phẩm thiết yếu khác như: sữa, bột giặt, nước rửa chén hay các loại đồ dùng gia dụng (đồ nhựa, đồ sành sứ…) chưa tăng giá cho đến thời điểm hiện nay. Song, trước sức ép tăng giá của các loại thực phẩm thì nguy cơ tăng giá các mặt hàng này là rất cao.

Vàng tăng, nhà nghỉ và các loại dịch vụ cũng tăng?

Giá vàng và tiền USD tăng đột biến trong vài ngày vừa qua dường như cũng kéo theo sự lên giá của các loại dịch vụ.

Theo đó, dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ cũng tăng từ 30.000 – 50.000 đồng/ 1 đêm và 5000 – 10.000 đồng/ 1 giờ.

“Cả gia đình tôi sống chủ yếu từ việc cho thuê nhà nghỉ này. Bây giờ vàng tăng, tiền đô tăng, rồi đồ ăn thức uống cũng tăng giá nên bắt buộc chúng tôi cũng phải lên giá theo thôi. Nếu không sẽ không đảm bảo cuộc sống cho 4 người chúng tôi được” – Ông Thanh, chủ nhà nghỉ Hoa Hồng tại ngõ 87 phố Tam Trinh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, nhà nghỉ của gia đình ông trước đây khoảng 1 tuần có giá 150.000 đồng/ 1phòng/1 đêm, và 50.000 đồng/ 2 tiếng đầu, mỗi tiếng sau là 10.000 đồng. Nhưng cho đến nay, ông đã phải tăng lên 180.000 đồng/1phòng/1 đêm. Và tăng 60.000 đồng/2 tiếng đầu, mỗi tiếng sau là 15.000 đồng.

Tuy nhiên, tại nhà nghỉ Thanh Bình địa chỉ 686 Minh Khai thì tăng đến 50.000 đồng/1 phòng/ 1đêm so với trước. Theo anh Quang, nhân viên làm việc tại nhà nghỉ này thì trước đây mỗi phòng có giá 220.000 đồng/1 đêm, nhưng mới ngày hôm qua, ông bà chỉ đã niêm yết giá mới là 270.000 đồng/1 phòng/1 đêm.
Mô tả ảnh.
Nhà nghỉ Thanh Bình cũng vừa tăng lên 270.000 đồng/1 phòng/1 đêm
Ngoài việc nhà nghỉ tăng giá, dịch vụ xe ôm, xe khách cũng có dấu hiệu tăng. Cụ thể là đi xe ôm từ Bờ Hồ ra đến trung tâm thương mại Vincom trước đây chỉ 20.000 đồng, nhưng đã nay đã tăng lên 30.000 đồng. Giải thích cho việc này là một câu muôn thuở: “Giờ cái gì cũng tăng nên xe ôm cũng phải lên giá thôi, mà xăng giờ cũng đắt nữa. Không lên giá thì có mà chết đói”.

Còn với dịch vụ vận chuyển bằng ôtô thì một số đơn vị có tiếng tăm như Hoàng Long, Mai Linh, Hải Vân… chưa lên giá. Song với một số xe nhỏ lẻ chạy đi các tỉnh thì giá cả đã dao động. Cụ thể, giá xe ôtô từ Hà Nội về Thái Nguyên đã tăng từ 45.000 đồng lên 55.000 đồng.

Tuy nhiên, với việc giá USD ngày hôm nay tăng đến 21.220 VND/USD, đã có ảnh hưởng đến những người đang dân đang có nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng.

“Gia đình tôi đang có kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Nhưng hôm nay tiền USD đã tăng nên có lẽ chúng tôi cần cân nhắc lại… Đi theo tour du lịch nên cái gì cũng tính bằng tiền đô hết mà trong nhà lại chỉ có tiền Việt thôi nên sẽ đội lên rất nhiều…” - Chị Hải Anh, nhân viên văn phòng tại Láng Hạ cho biết.

Đa phần các tour du lịch trong nước hay nước ngoài đều được các Công ty du lịch niêm yết theo giá USD, vậy nên với việc USD tăng giá đã khiến cho không chỉ chị Hải Anh mà rất nhiều người phải tạm hoãn các chương trình nghỉ dưỡng.

Vàng tăng giá kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng?

Ngày 9/8, giá vàng tại Việt Nam đạt kỷ lục 46,3 triệu đồng/ lượng, và giá USD cũng tăng đến ngưỡng kịch trần 21.220 VND/USD. Vẫn biết, giá vàng hay giá USD tăng đều không có mối liên hệ đến giá cả của các loại thực phẩm hay dịch vụ (có chăng chỉ là dịch vụ du lịch tính theo giá USD), song trên thực tế đã có rất nhiều người viện vào cớ này để đồng loạt tăng giá các mặt hàng.

Theo Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TPHCM, thì việc vàng tăng giá đang và sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. “Đầu tháng 7, rất nhiều người dự báo rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sẽ chỉ tăng quanh mức 0,7%, tuy nhiên không ai ngờ rằng giá thịt heo tăng mạnh đồng thời với giá của các loại thực phẩm khác cũng tăng theo. Và đến nay thì vàng lên đột ngột theo giá thế giới, thế nên không ít thì nhiều, người dân cũng sẽ quy giá hàng hóa theo giá vàng, và có thể giá các loại hàng hóa sẽ tăng theo, thúc đẩy lạm phát.”

Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng vừa có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên thị trường Hà Nội. Theo đó, Sở Tài chính có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên và đột xuất các yếu tố hình thành giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ do các DN đăng ký giá, kê khai giá trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý và có phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước những DN không chấp hành đúng theo giá đã đăng ký, kê khai; chủ trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá trên địa bàn TP, kiên quyết xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán không đúng mức giá đã đăng ký, kê khai…
  • Duyên Duyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn