Câu chuyện về vết chân khổng lồ
Chuyện thật như đùa này diễn ra tại xã Võ Lao (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Cách đây vài năm, một vài người dân khi đi rừng đã vô tình phát hiện gần khu vực con suối Nậm Mả có những vết chân lạ và vô cùng hoang mang.
Điều đáng nói, các dấu tích này hệt như hình dáng bàn chân con người nhưng với kích thước rất khổng lồ, dài tới hơn 2m. Thậm chí, 2 người đàn ông trưởng thành nằm vào đó vẫn còn thừa chỗ.
Với độ rộng lớn kỳ lạ như vậy lại ngay gần khu vực suối nước chảy nên nó vô tình trở thành những "hồ nước mini" để bà con tìm tới gánh nước về tưới tiêu, sinh hoạt. Sau đó, nhiều người còn bắt đầu truyền tai nhau về việc "vết chân Thánh Gióng" xuất hiện một cách khó lý giải.
Riêng già làng Giàng A Chu (83 tuổi) - người đàn ông sinh ra và gắn liền với bản Nậm Mả tiết lộ rằng bố của cụ từng nhắc đến một câu chuyện nửa thực, nửa hư kể về một đôi vợ chồng khổng lồ gần trùng với chi tiết về dấu vết này.
Cụ thể, họ cùng nhau vượt núi rừng Tây Bắc trở về xuôi. Trên đường đi, do thấy chồng mình di chuyển quá chậm, bà vợ đã nói dối rằng dân ở Nậm Mả đang mở tiệc thiết đãi để hối thúc ông ta đi nhanh hơn.
Hí hửng đi tới nơi, người này mới biết là bị lừa. Có lẽ do quá bực tức và mệt mỏi sau một đoạn đường dài, ông chồng có ngoại hình to lớn đã hét lên một tiếng, đồng thời giẫm mạnh chân xuống đất rồi chạy biến mất vào rừng. Và đây cũng chính là dấu vết còn sót lại ở suối Nậm Mả ngày nay.
Tuy nhiên, trái với đa số lời đồn thổi, ông Lương Xuân Phẩu - đại diện cán bộ xã Võ Lao lại cho hay bản thân vốn không tin rằng người khổng lồ có thật.
“Vết chân này có thể do một người hay một nhóm đi rừng dùng đục làm nên, cũng có thể là do tự nhiên và vì hòn đá nơi in dấu vết chân nằm cạnh dòng suối, qua bao nhiêu thời gian được nước bào mòn nên có hình hài như vậy”, trích lời ông Phẩu trên báo An ninh Thủ đô.
Ngoài ra, một số chuyên gia ngành khảo cổ học Việt Nam cũng đã từng ghé tới Lào Cai nhiều lần để nghiên cứu, tìm ra lời giải đáp về “dấu chân người” và đánh giá đây là lõm đá tự nhiên.
Họ cũng khẳng định từ trước đến nay, chưa có tài liệu nào liên quan đến người khổng lồ cổ đại từng xuất hiện ở nước ta nên những thông tin từng lan truyền rất khó xác thực.
Câu chuyện kì bí
Theo các cụ cao niên Võ Lao, vết chân người khổng lồ không chỉ là một bí mật mà xung quanh vết chân đó có nhiều câu chuyện kỳ lạ khó giải thích. Vết chân đó luôn có sự canh chừng của cặp đôi mãnh hổ - mãng xà, không ai dám tự tiện tới gần, nếu muốn vào xem vết chân người khổng lồ thì dân làng phải làm lễ.
Tương truyền, xưa kia ở vùng đất Văn Bàn xuất hiện một vị thần (người dân địa phương gọi là thần Tạo Lộc) rất cao lớn. Cứ đến dịp người dân vào vụ trồng lúa thần lại xuất hiện để giúp đỡ họ vận chuyển cây mạ từ vùng đất Than Uyên (Lai Châu) sang Văn Bàn. Ở cánh đồng Võ Lao hồi đó, do hạn hán kéo dài nên không đủ nước tưới tiêu, nhân dân khắp vùng bàn nhau làm lễ xin vị thần Tạo Lộc phá núi để dẫn nước từ Hòa Mạc sang.
Vị thần này đã đồng ý và yêu cầu nhân dân Võ Lao mổ 10 con lợn đực, 10 bát cơm nếp để thần Tạo Lộc ăn. Tuy nhiên, do không có đủ 10 con lợn đực, người dân bí mật mổ thêm một con lợn nái cho đủ lễ. Thần Tạo Lộc ăn xong tự nhiên thấy bủn rủn chân tay. Biết được chuyện người dân lừa mình, Tạo Lộc rất tức giận, vị thần này đắp chặn hết các khe để nước không bao giờ chảy từ Hòa Mạc sang Võ Lao. Cũng từ đó, ở Võ Lao và Hòa Mạc xuất hiện hai vết chân khổng lồ này.
Theo ông Hà Đình Viên, nguyên Chủ tịch kiêm Bí thư xã Võ Lao: “Hồi còn bé, tôi được các cụ trong làng kể lại ở nơi vết chân đó luôn có hai con mãnh hổ và mãng xà canh giữ không cho bất kỳ ai tới gần. Chính vì thế, người dân không ai dám đến đây để xem và họ chỉ nghe các bậc cao niên kể lại mà thôi”.
Không chỉ vậy, tại nơi xuất hiện vết chân, nước của con suối Nậm Mả tự nhiên trong vắt và không bao giờ cạn, ở dưới dòng suối lúc nào cũng đầy ắp cá.
Hiện nay, con suối Nậm Mả là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân 3 xã Nậm Mả, Võ Lao và Văn Sơn. Do đó, người dân ở đây cho rằng, vết chân người khổng lồ là dấu chân của thần Tạo Lộc đã cho họ nước uống, cho những mùa màng bội thu và đặc biệt đã âm thầm bảo vệ cuộc sống của họ.