Vị Hoàng đế kì lạ: Chỉ thích ăn chơi, hễ thấy trộm là vờ như không biết

( PHUNUTODAY ) - Lý Cao Tông được biết đến là vị Hoàng đế ăn chơi khét tiếng và từng xây dựng dinh thự không ngớt. Dưới thời trị vì của vị Hoàng đế này giặc giã và trộm cướp trong nước nổi lên như ong, nhân dân đói khát khổ sở gấp bội những năm khác.

Thú chơi “chẳng giống ai” của vua Lý Cao Tông

Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long Cán, là con trai thứ sáu của Lý Anh Tông, mẹ là Thục phi Đỗ Thụy Châu. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ (1173).

Năm 1174, Lý Anh Tông truất ngôi con cả là Lý Long Xưởng và phong Lý Long Trát làm Hoàng thái tử, ủy thác cho Tô Hiến Thành giúp đỡ. Năm 1175, Lý Anh Tông băng hà, Chiêu Linh thái hậu muốn lập con mình là Lý Long Xưởng lên ngôi, bàn tính âm mưu phế truất. Nhưng nhờ Thái uý Tô Hiến Thành kiên quyết ngăn cản, ra tay trước nên kế hoạch bị phát giác, Long Xưởng bị đuổi ra khỏi cung, Chiêu Linh thái hậu bị giam lỏng. Lý Cao Tông vẫn được tôn phò ở ngôi báu.

Khi Tô Hiến Thành tuổi già sức yếu, vì vua mới lên 7 tuổi nên trước lúc qua đời ông đã tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ Thái hậu để giúp vua. Thái hậu dù khen hay nhưng cuối cùng không theo lời, lấy Đỗ An Di là em trai của bà làm phụ chính. Và có lẽ đó là mầm mống khiến suốt 35 năm (1175 - 1210), trị vì đất nước sự nghiệp và công trạng của Lý Cao Tông để lại cho hậu thế gần như chẳng có gì.

Empty

Có chăng là tiếng xấu về sự ham chơi bời, tiêu phí sản nghiệp quốc gia cho những thú vui chơi vô bổ của vua. Nào là ưa phương thuật, sự lạ, tin tài sai bảo hổ của sư Tây Vực năm Đinh Mùi (1187). Lại chăm việc thổ mộc, xây dựng cung Nghiêm Thiềm năm Đinh Tỵ (1197), dựng gác Kính Thiên năm Quý Hợi (1203)…

Đặc biệt, vua rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân, như lời Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ (…) vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực.

Vua nhìn thấy trộm nhưng vờ như không biết

Để có tiền thỏa sức ăn chơi, Lý Cao Tông đã trở thành vị vua duy nhất của triều Lý công nhiên cho mua quan bán tước; tệ tham nhũng, hối lộ trong những năm cuối ở ngôi của ông diễn ra tràn lan.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:"Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục…".

Còn sách Đại Việt sử lược cho biết: "Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất, sản vật, hễ một người đem dâng nạp rồi thì vua chẳng hỏi tình lý phải trái thế nào đều tịch thu sung công cả. Vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán".

Empty

Sử chép: "Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến dân, sử chép rằng vào năm Bính Dần (1206) trong nước mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi khiến người chết rất nhiều còn vua thì vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài cung nhiều việc nhiễu nhương vẫn không để tâm lo lắng.

Một lần Lý Cao Tông ngự giá đi dạo trên hoàng thành bỗng khi ấy phía dưới chân tường xảy ra vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày. Người mất của kêu la mong mọi người giúp đỡ nhưng vào thời buổi loạn lạc, người hay sợ kẻ gian nên chẳng ai dám làm gì.

Tiếng gào khóc cứ thế càng thảm thiết hơn, một đại thần trong đoàn hộ giá thấy cả vua và các quan đều chỉ chú tâm ngoạn cảnh mà lờ đi vờ như không nghe thấy tiếng kêu ai oán của dân mới tâu rằng: "Nay trộm cướp ngày càng nhiều, khắp nơi chúng ngang nhiên làm bậy. Xin bệ hạ cho người đi lùng bắt, dẹp bọn thảo tặc để dân chúng được nhờ".

Vua nghe thế không nói gì, phất tay áo ra hiệu cho đoàn rước tiếp tục đi đến điểm vui chơi khác.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại ngắn gọn việc này như sau: "Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp, lờ đi giả cách không biết".

Theo:  khoevadep.com.vn copy link