Vì sao bầu Kiên biết mình sai mà vẫn "chiến"?

01:50, Thứ ba 03/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tóm lại, tôi tin rằng rất nhiều báo đã không đọc kỹ các điều luật này, khiến họ trở thành những cái loa cho bầu Kiên và gây mất uy tín cho VFF.

(Phunutoday) - Mấy tuần qua, tôi có theo dõi qua các phương tiện truyền thông ở Việt Nam câu chuyện tranh cãi về bản quyền truyền hình bóng đá giữa AVG và VPF, cùng một tác nhân thứ ba là VFF. Tôi không rõ hệ thống pháp luật ở Việt Nam xử lý vụ này thế nào chứ nếu như ở các quốc gia mà hệ thống pháp luật đã có lịch sử hàng trăm năm, những vụ việc kiểu như thế này có lẽ đã được nhanh chóng xử xong từ lâu rồi! 
[links()]

Từ góc độ một công dân có những hiểu biết nhất định về pháp luật, tôi có một số ý như sau:

Bầu Kiên
Bầu Kiên

Tâm trạng rối bời của VFF: Ngày 6 tháng 12 năm 2011, khi nhìn giấy phép thành lập được trao cho VPF, có lẽ VFF đã trải qua tâm trạng của một người buộc phải tự mổ bụng mình.

Để an ủi VFF, trước đó, các ông bầu lớn – những người chủ chốt của việc vận động ra đời VPF – đã mời mọc những nhân vật lớn của VFF về giữ những chức vụ quan trọng trong VPF.

Việc một số nhân vật của VFF không nhận lời đã cho thấy, họ biết trước đây sẽ là một “kẻ thù lớn” của VFF.

Nhưng giờ đây qua vài động thái, người ta đã lờ mờ thấy, VPF có thể còn đi xa hơn thế, trở thành “kẻ thù” của cả bóng đá Việt Nam .

Đặc biệt là qua vụ tranh chấp với AVG, người quan tâm sau một hồi chóng mặt với các màn đấu khẩu của hai bên, phải đặt ra câu hỏi, “Vì sao VPF lại chọn lúc này?”
 
Nếu biết hợp đồng sai sao không nói từ sớm?

Nghe những gì bầu Kiên – phó chủ tịch VPF – phát biểu quanh những sai sót của hợp đồng ký kết giữa VFF và ACG, với một tinh thần “đầy nhiệt huyết”, nhiều người đã vội mừng, nghĩ như bóng đá Việt Nam gặp được minh chủ, làm ăn đúng luật, đâu ra đó.

Nhưng hợp đồng này đã được ký từ 2010. Vào lúc đó, bầu Kiên đang là ông chủ của CLB HN ACB. Nếu hợp đồng này VFF không hỏi ý kiến các CLB mà vẫn ký, sao ông không phản ứng mãnh liệt như lúc này? Ông cứ để hơn một năm trôi qua và ngay khi vừa nhậm chức phó chủ tịch VPF, ông liền “ra đòn”.

Mà cỡ như ông Kiên ra đòn thì hẳn là ông phải có nhiều ngón nghề đòn phép, bởi nó không chỉ liên quan đến chuyện tự ái thắng thua cá nhân mà có thể còn động chạm đến uy tín của ông, với tư cách một ông chủ ngân hàng lớn.

Vậy, bầu Kiên có trong sáng “vì thể thao” thực không? Tôi nghĩ là không. Lý do tôi sẽ nói dưới đây.
 
Bầu Kiên muốn gì trước mắt?

Thành lập VPF, đám bầu Kiên tin rằng mình sẽ cải tổ được bóng đá Việt Nam. Một ý định tốt, đáng khen, nếu được tiến hành bằng những biện pháp trong sạch, vì bóng đá.

Chiến tích đầu tiên VPF cần đạt được là V-League phải thành công rực rỡ, về mặt quan tâm của công chúng, về tiền bạc, về chuyên môn.

Là những con sói thông minh, “bầu Kiên và bằng hữu” biết phải gây ra scandal hồi hộp đến phút chót thì người ta mới quan tâm đến giải.

Và thế là AVG – ân nhân hôm nào của nền bóng đá bét nhè – nay trở thành đối tượng để sói ra tay.
Nhưng vì sao lại chọn AVG?

Bầu Kiên biết rằng, bóng đá Việt Nam có đầy bất cập, nhưng tất cả các đối tượng khác nếu bị ăn đòn thì sẽ “một đập ăn ngay”, scandal không đủ độ dài, độ nóng; còn chọn AVG thì AVG sẽ không chịu thua. Có khả năng họ còn mạnh hơn ông về đủ mọi mặt: chỉ cần họ cãi nhau với VPF là VPF đã được “sang” lây.

Không tin bạn cứ ra đường và đấm vào mặt một ca sĩ đình đám xem, ngày hôm sau tên bạn có được báo chí nhắc tới ầm ĩ không? Và năm sau bạn tập hát chưa kịp một album thì cũng ra được một single rơi ngay vào hit list.

Đó là võ của “bầu Kiên và bằng hữu” – những kẻ sẵn sàng thịt người khác để mình lên.
 
Nhưng xa xôi hơn, bầu Kiên muốn gì? Và vì sao chọn đúng lúc này?

Chọn thời điểm này, bầu Kiên nhắm vào nhiều thứ, nhưng chỉ trông chờ vào một yếu tố: sự ủng hộ của một bộ phận dư luận.

Đây mới chính là đòn phép độc thủ của bầu Kiên cùng các chiến hữu: bung ra vụ việc đúng vào lúc các mùa giải bắt đầu, sức ép gây nên sẽ cực lớn đối với cả VFF, cả AVG lẫn các đài truyền hình, trước nhu cầu được xem bóng đá của người dân.

Với danh nghĩa “phục vụ nhân dân”, bầu Kiên chọn sát ngày V-League khai mạc mới tuyên chiến để việc rước VTV, VTC vào sân, bất chấp quyền đã ký của AVG, sẽ không bị phản đối, do “nhân dân” quá nôn nóng muốn được xem trận đấu mà không thấy rằng chính bầu Kiên đang trái luật.

Chọn sát ngày như thế cũng là để truyền thông, do áp lực trước quần chúng, sợ bênh AVG là bảo vệ độc quyền (chứ không phải bảo vệ luật pháp), sẽ không dám làm mạnh với bầu Kiên.

Nhưng thế để làm gì? Để tạo hình ảnh thôi. Có lẽ bầu Kiên đã định: người dân khi xem trận đấu phát trên truyền hình sẽ nghĩ “đây là công bầu Kiên”; (mà họ không biết rằng, không cần có trận đấu đấm thiếu sạch sẽ này, họ vẫn được xem như bình thường, như AVG một năm qua đã chịu lỗ để mọi người vẫn được xem).

Tạo hình ảnh là để nhắm tới mục đích xa hơn: bầu Kiên có vẻ đang muốn lật những chóp bu của VFF. Do đã quá chán với cung cách điều hành của VFF lâu nay nên bất cứ một động thái nào nhằm vào những sai sót, yếu kém có thể có của VFF sẽ đều được một bộ phận dư luận ủng hộ.

Việc xét lại hợp đồng của VFF với AVG vào thời điểm VPF được coi là một tác nhân tích cực thay thế cho VFF sẽ dễ dàng được ủng hộ, vì người ta dễ có tư duy hễ ai chống lại VFF thì đều đúng!

Và qua vụ này, đa số ai cũng nghĩ VFF bất lực, kém cạnh, từ đó sinh tâm lý “sao không thay đi khi đã có bầu Kiên thế này?”. Bầu Kiên có lẽ đang muốn trở thành thủ lĩnh của bóng đá, cả khu vực tư nhân lẫn khu vực chính quyền.

Bầu Kiên đã sai thế nào khi viện luật ra?

Biết dân ta và báo chí ta lơ mơ về luật, bầu Kiên đưa ra những lý do luật để phủ nhận hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG:

1.    Hợp đồng này đã ký mà chưa được sự đồng thuận của các CLB (mà bầu Kiên coi là đồng sở hữu giải)
2.    hợp đồng này đi ngược với điều 12 Nghị định số 112/2007/NĐ-CP
3.    hợp đồng này đi ngược với điều 53 luật Thể thao

Thử phân tích ba lập luận này.

1.    Để tiến đến ký kết hợp đồng với AVG, VFF đã có hẳn “Ban Tiếp thị Vận động tài trợ”, trong đó có 2 đại diện được bầu của các CLB thành viên là Becamex Bình Dương và Đồng Tâm Long An. Ngày 30. 11. 2010, sau khi họp với AVG xong, ban Tiếp thị này đã báo cáo thường trực VFF kết quả đàm phán. Kết quả này được thông qua.

Như thế, chính các CLB đã cử hai đại diện trên và kết quả đàm phán cũng là “công” của họ. Bầu Kiên không thể nói là khi đó không hỏi ý kiến các CLB.

2.    Điều 12 của Nghị định 112/2007/NĐ-CP nói đại ý về “quyền của chủ sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp” như sau:

-    Ai sở hữu giải thì được ghi âm, ghi hình, sao chép, phát sóng, phát âm các trận đấu đến công chúng
-    Có thể bán, cho thuê, cho không công chúng hình ảnh, âm thanh của các trận đấu trong giải mà mình sở hữu
-    Quyền sở hữu này được phép chuyển nhượng theo đúng luật dân sự

Như vậy hợp đồng giữa VFF với AVG không hề vi phạm gì điều 12, một khi các điều kiện thỏa thuận chuyển nhượng đã được thông qua với đại diện của các CLB (như mục 1).

3. Điều 53 Luật Thể dục Thể thao nói về “Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp”, đại ý:

- Ai tổ chức giải thì là người sở hữu giải
- Ai sở hữu giải thì được chuyển nhượng quyền sở hữu đó (cho cá nhân, cho tổ chức)
Cũng y như mục (2), hợp đồng giữa VFF với AVG chẳng vi phạm gì điều 53 cả.

Tóm lại, tôi tin rằng rất nhiều báo đã không đọc kỹ các điều luật này, khiến họ trở thành những cái loa cho bầu Kiên và gây mất uy tín cho VFF.

Bầu Kiên có chữ “tín” không?

Ngân hàng thường gắn với chữ “tín”: tín dụng, thương tín...

Hợp đồng giữa VFF với AVG được ký ngày 8. 12. 2010, cách đây hơn một năm. Bầu Kiên chưa bao giờ có văn bản phản đối (còn ông phản đối miệng thì Trời mà biết có hay không, có lẽ là không, vì ông còn phải ngọt ngào chuẩn bị xin ra VPF chứ!)

Trong một năm ấy, ông thừa biết quyền sở hữu giải đã bị khuyết một phần do nhượng lại cho AVG.

Nay quyền sở hữu giải được chuyển cho VPF, trong đó có cả cái phần khuyết kia. Nhưng bầu Kiên không chấp nhận điều này...

Tôi ngờ ông Kiên làm bầu bóng đá lâu quá nên quên mất nghiệp vụ ngân hàng: khi tiếp nhận/mua lại một ngân hàng, hẳn ông đã biết sẽ phải mua lại tất cả các thứ gắn với ngân hàng đó, vào thời điểm chuyển giao chứ? Cả những món lợi nhuận, lẫn những khoản nợ và nghĩa vụ mà ngân hàng ấy phải thực thi?

Nhưng ông vẫn to mồm, lật kèo. Ông làm ngân hàng mà như thế hỏi có thể tin tưởng mà gửi tiền, thế chấp vào cái hệ thống ngân hàng mà ông đang làm chủ không? Tôi cho là không.

Bầu Kiên có biết mình sai không?

Chắc chắn là với óc thông minh, bầu Kiên biết mình sai ngay từ đầu.

Nhưng ông vẫn quyết định chiến, vì như đã phân tích, làm cho VPF trở thành một cái tên được toàn dân biết là mục đích lớn nhất.

Mục đích thứ hai là hướng người ta quan tâm tới giải V-League, cho nên ông châm ngòi cuộc chiến chỉ vài ngày trước khi V-League mở màn.

Tôi tin chắc bầu Kiên biết mình đang sai và đang chơi không đẹp, không công bằng; thậm chí là xấu chơi với bạn.

Nhưng ông là dân làm ăn. Biện pháp không quan trọng, quan trọng là kết quả. Sai hay đúng rồi sau này sẽ rõ, nhưng kết quả thì đã được “như ý” rồi đó, khá khen cho bầu Kiên.

Nhưng chúng tôi không phục ông. Với tư cách này, ông không bao giờ có thể là thủ lĩnh trong một lĩnh vực cần sự trong sáng, cao thượng.

Rồi chúng ta hãy chờ xem, bóng đá Việt Nam sẽ bị lũng đoạn như thế nào. Cũng là một kinh nghiệm hay, nền bóng đá nào cũng sẽ phải trải qua những câu chuyện buồn kiểu này, trước khi trưởng thành và đứng dậy. Chỉ cần dư luận minh mẫn, các nhà quản lý công tâm và nắm chắc luật.

Khi ấy, bóng đá, vốn là “sân khấu bốn mặt” - như lời bầu Kiên - sẽ phân định rõ ai là người thực sự không trở mặt vì bóng đá Việt Nam.

  • Phạm Lập
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc