Vì sao Tết Trùng cửu, Trùng dương (9/9 âm lịch) người ta lại dâng cúng hoa cúc, ngắm hoa cúc?

09:16, Thứ năm 26/09/2024

( PHUNUTODAY ) - Trong rất nhiều truyền thuyết, giai thoại văn hóa liên quan tới ngày 9/9 âm lịch có nhắc tới hoa cúc.

Tết trùng cửu hay còn gọi Tết Trùng dương diễn ra vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm. Ngày Tết này được tổ chức ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Nhiều người cho rằng Tết này bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ngày 9/9 âm lịch tức là hai số 9 hợp nhất nên người ta tin ngày 9/9 là ngày tốt lành. Ngày 9/9 âm lịch cũng là ngày mặt trời và mặt trăng trùng nhau vào ngày thứ chín nên gọi là trùng cửu. Còn trong kinh dịch số 9 là số dương nên còn gọi Trùng dương. 

Truyền thuyết về Tết trùng dương ở Trung Quốc kể rằng thời Đông Hán, Hoàn Cảnh làngười huyện Nhữ Nam đã bái sư học tập để loại trừ dịch bệnh, sau 9 năm miệt mài cũng thành công. Hàng năm ngày 9/9, Hoàn Cảnh đã đưa người dân lên núi cao lánh nạn. Kể từ đó, người dân cứ vào mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm sẽ lên núi cao để phòng ngừa bệnh dịch, dần dần hình thành nên tập tục Tết Trùng Dương.

Uống rượu hoa cúc ngày trùng cửu

Uống rượu hoa cúc ngày trùng cửu

Truyền thuyết khác kể rằng ngày 9/9 âm lịch người xưa lên núi hái cây thù du (một loại tiêu), tì thường mang theo bình rượu hoa cúc để xua đuổi tà ma. Rượu hoa cúc có công dụng dưỡng nhan, giúp thân thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật nên hình thành thói quen uống rượu hoa cúc và ngắm hoa cúc trong ngày này dần trở thành tập tục dân gian của Tết Trùng Dương cổ đạ.

Trong văn hóa Trung Quốc, số 9 mang ý nghĩa tốt lành, tượng trưng cho sự trường thọ nên Tết Trùng cửu thường gọi tết Trường thọ, tết người cao tuổi.

Ở Nhật Bản Tết trùng cửu cũng là lễ hội hoa cúc. 

Ở Việt Nam từ thời Trần (1225 – 1400),danh tướng Trần Khắc Chung từng mượn Tết Trùng dương và hoa cúc để làm thơ kêu gọi mọi người phò vua giúp nước đánh đuổi quân giặc thay vì hưởng an nhàn như: Trùng Dương hái cúc ủ men đào/Thu đến ăn hoa bác khuất cao/Phong lưu nhị lão nghìn năm cũ/Cúc ẩn đành ra gánh trời cao.

Sau đó thiền sư Huyền Quang (sống ở thời Trần) cũng viết: Cuối năm giữa rừng không có lịch/Nhìn hoa cúc nở biết Trùng Dương.

Ngắm hoa cúc, thắp hương hoa cúc ngày trùng cửu

Ngắm hoa cúc, thắp hương hoa cúc ngày trùng cửu

Còn ở thời Nguyễn, sách Đại Nam thực lục (NXB Giáo Dục) cho biết: "Mậu Tuất, Minh Mệnh năm thứ 19 (1838)… Tiết Trùng dương. Vua đi chơi núi Ngự Bình. Trước đấy, vua bảo Bộ Lễ rằng: Trùng dương nhai tiết, từ xưa đã có. Nước ta tục dân thuần phác, phàm các tiết Thất tịch, Trùng dương, phần nhiều không thưởng ngoạn, nay trong nước được yên, chính là gặp thời vui chơi, nên lấy năm nay làm bắt đầu, mùng 9 tháng 9 trẫm đi chơi núi Ngự Bình, cho các quan theo hầu dự yến, nhân dân được du thưởng để tỏ cùng vui… Trăm quan làm lễ khánh thọ, lễ xong, vào hầu yến. Vua thân rót rượu cúc của vua dùng ban cho hoàng tử, thân công, đại thần văn võ, mỗi người một chén và nói: Rượu này rất tốt, trẫm uống 1 chén, 2 lần mới hết…".

Ngoài ra có thể thấy ngày 9/9 là lúc trời sắp sang đông, sau tết Trùng cửu là mùa đông nên lúc đó hoa cúc nở rộ. Ở những nơi núi cao thì sau ngày Trùng Cửu thời tiết sẽ lạnh hơn, cây cối tàn lụi vì mùa đông nên có lẽ tục leo núi, ngắm hoa cúc, uống rượu hoa cúc là vì sau sau ngày đó thì còn lâu mới được dịp leo núi.

Có lẽ vì thế mà tết Trùng cửu gắn liền với hình ảnh hoa cúc, rượu hoa cúc, trà hoa cúc.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên