(Đời sống) - Thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí Việt - Mỹ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây đã nối dài danh sách các nước Việt Nam cùng hợp tác để khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, doanh nghiệp hai nước đã ký kết một số thỏa thuận như: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, Bản ghi nhớ giữa Công ty bảo hiểm Metropolitan Life (Metlife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam về chủ trương thành lập công ty quản lý quỹ của Công ty bảo hiểm ACE.
Trước đó, tại chuyến thăm nước CHDCND Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21/6 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên Việt - Trung trong vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ký Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong vịnh Bắc Bộ, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong vịnh Bắc Bộ.
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này, TTXVN dẫn lời ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN khẳng định: Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong Vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.
Tổng giám đốc PVN cũng nêu rõ, thỏa thuận thăm dò dầu khí chung ký kết lần này khác với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác.
"Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển", ông Hậu nói.
Tổng giám đốc PVN cho biết thêm: "Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba".
Hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông |
Trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 12-15/5), báo chí Nga đưa tin ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga cho biết, “ông lớn” năng lượng này đã cam kết đầu tư khoảng 100 triệu USD cho hoạt động thăm dò địa chất cũng như khai thác dầu tại Việt Nam .
Rosneft và Công ty Dầu khí TNK Vietnam đã ký một thoả thuận phân chia sản phẩm ở ngoài khơi Việt Nam và mới đây đã được cấp giấy phép khai thác mới. Ngoài ra, Rosneft cũng đã đề nghị PVN hợp tác tại 8 lô dầu khí trên thềm thục địa Pechora Sea ở khu vực biển Arctic thuộc Nga.
Đến cuối tháng 6, một giàn khoan dầu thuộc sở hữu của Na Uy cũng đã được Zarubezhneft - một công ty Nga chuyển từ Cuba đến Việt Nam sau sáu tháng thăm dò dầu không có kết quả.
Trong một diễn biến khác có liên quan, vào thời điểm đó tờ Hindustan Times của Ấn Độ cũng thông tin Ấn Độ đang có kế hoạch 145,94 triệu USD vào lĩnh vực khí đốt tại Biển Đông.
Hoạt động đầu tư của Ấn Độ nhằm tăng cổ phần nắm giữ của OVL (một công ty chuyên hoạt động ở nước ngoài thuộc ONGC (Tập đoàn Dầu và Khí đốt tự nhiên quốc gia) Ấn Độ , trong liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam. Hai bên hiện đang hợp tác khai thác khí đốt tại lô 06.1 Nam Côn Sơn trong vùng biển ngoài khơi phía nam của Việt Nam.
Tại liên doanh này, OVL sở hữu 45% cổ phần, BP (British Petroleum) sở hữu 35% và PVN sở hữu 20% cổ phần còn lại. Tuy nhiên, do sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico, BP đã xin rút lui, OVL đang cân nhắc mua lại số cổ phần này.
Bên cạnh việc hợp tác với các nước trên, Việt Nam cũng bày tỏ muốn hợp tác với Nhật Bản trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông. Tháng 6 năm ngoái, tờ Năng lượng Việt Nam dẫn nguồn Nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật cho biết, PVN tổ chức buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tháng 7/2012 để thảo luận hợp tác phát triển khoảng 20 lô dầu khí tại biển Đông.
Nguồn tin cho biết thêm rằng, các công ty Nhật Bản cũng sẽ có cơ hội đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam với tổng giá trị lên tới 24,8 tỷ đô la, trong đó bao gồm các nhà máy lọc dầu và các nhà máy nhiệt điện than.
- T.Tr (Tổng hợp)