“Đừng dại gì bắt chồng mình phải lựa chọn, vì chắc hẳn anh ấy sẽ chọn mẹ chứ không chọn vợ”- đó là lời chia sẻ rất thật của chị Hoa, vợ của một anh chàng mắc bệnh “bám váy mẹ”. Lấy phải một người chồng như thế là nỗi bất hạnh của không ít chị em, nhưng nếu khôn ngoan, khéo léo, các bà vợ “dư sức” vừa “cải tạo” tính cách chồng, vừa giữ yên cửa nhà.
[links()]
“Em ơi, mẹ bảo là…”
Hễ cứ nghe thấy câu ấy từ miệng anh chồng là chị Hoa lại phừng phừng giận dữ, ai đời đã ba chục tuổi đầu, đường đường là một đấng nam nhi to cao vạm vỡ, vậy mà cứ có chuyện gì là anh Nam, chồng chị lại mở đầu bằng cái mệnh đề tuyệt đối: “Em ơi, mẹ bảo là…”.
Từ khi gặp và yêu anh Nam, chị Hoa đã lờ mờ nhận ra rằng chàng trai mình yêu là một người “đặc biệt”, không chỉ ở hoàn cảnh, số phận khá éo le của anh, mà còn bởi cái tính cách rất đặc trưng, khác thường ở anh.
Bố anh không may qua đời từ khi anh còn chưa biết nói, mẹ anh là người phụ nữ cứng cỏi, giàu nghị lực, bà quyết tâm không đi bước nữa trong khi tuổi đời còn rất trẻ và còn rất nhiều người đàn ông theo đuổi, mà ở vậy nuôi anh khôn lớn.
Sống trong vòng bao bọc hoàn hảo của mẹ nên anh trở nên nhút nhát, yếu đuối hơn so với tính cách thường thấy ở các đấng mày râu |
Thương con thiệt thòi vì mất cha từ sớm nên mẹ anh vừa là người mẹ, vừa là người cha trong gia đình, hết sức bù đắp, yêu thương, chiều chuộng anh. Từ nhỏ tới lớn anh chỉ biết tới mẹ, bởi vậy mà chẳng có gì khó hiểu khi mẹ là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời anh.
Sống trong vòng bao bọc hoàn hảo của mẹ nên anh trở nên nhút nhát, yếu đuối hơn so với tính cách thường thấy ở các đấng mày râu, dù rằng vẻ ngoài của anh thì nam tính không chê vào đâu được.
Ban đầu, chị Hoa thấy rất tức cười và ghét cái tính cách ấy của anh, nhưng khi biết hoàn cảnh gia đình và thấy anh bị bạn bè chế nhạo, chị lại thương cảm và muốn bảo vệ chàng trai có tâm hồn mong manh ấy.
Còn anh, khi được một người con gái ra mặt bênh vực, anh bỗng thấy thấp thoáng hình ảnh của mẹ, người mà anh tôn thờ, yêu thương nhất mực, đó là nguyên cớ mà họ đến với nhau. Để lấy được nhau, anh chị đã phải trải qua không ít khó khăn, trong đó đáng kể nhất là sự phản đối từ phía gia đình chị.
Bố mẹ chị luôn cho rằng anh là người đàn ông “không thể trông mong gì được” bởi cái tính ủy mị, ẻo lả và yếu đuối, song chị lại khăng khăng lấy anh làm chồng và tin rằng anh sẽ là trụ cột vững chắc cho gia đình bé nhỏ sau này.
Chẳng hiểu cái niềm tin ấy của chị lấy cơ sở từ đâu, nhưng người ngoài thì hay thì thầm với nhau rằng: “Âu cũng là cái luật bù trừ của trời đất!”.
Hôn nhân thật đẹp đẽ và lãng mạn trong con mắt của những người đang yêu, nhưng khi đã thật sự chung sống trong cùng một mái nhà, những chuyện không mấy nên thơ mới dần bộc lộ và họ bắt đầu có cái nhìn khác về cuộc sống vợ chồng.
Trong tuần trăng mật ngọt ngào tưởng rằng chỉ có đôi uyên ương cùng tình yêu thăng hoa ở một chốn riêng tư tách biệt hoàn toàn với mọi lo toan của cuộc sống. Khi chị đang mơ mộng tận hưởng tình yêu nồng nàn thì cứ nửa tiếng anh lại hối hả nhấc điện thoại:
“Alo, mẹ à…” rồi miệt mài tường thuật lại cho mẹ tất cả những gì vừa xảy ra như một đứa trẻ. Thậm chí ngay cả lúc đang say đắm nhất, anh cũng bỏ dở giữa chừng chỉ để gọi điện… chúc mẹ ngủ ngon cho kịp giờ bà đi ngủ.
Những hành động đó của anh khiến chị Hoa vô cùng khó chịu, nhưng không muốn bất hòa ngay trong tuần trăng mật nên chị cố nín nhịn, định bụng sẽ dần dần “cải tạo” cái tính nết khó ưa này của chồng.
Nhưng tuần trăng mật trôi qua, thực sự bước vào cuộc sống lứa đôi, chị Hoa mới thảng thốt nhận ra rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Tuy không sống cùng mẹ chồng, nhưng lúc nào chị Hoa cũng cảm giác rằng mình bị bà giám sát chặt chẽ từng li từng tí, tất cả chị tại anh chồng “gián điệp”, ngoan ngoãn báo cáo đều đặn cho bà mỗi lần nửa tiếng.
Cũng bởi vậy mà dù không có mặt, nhưng mẹ chồng luôn là người thứ ba xen vào cuộc sống của vợ chồng chị gần như mọi lúc, mọi nơi nhờ sự “chỉ đạo từ xa”, và chồng chị thì cứ như một cái máy truyền tin, thỉnh thoảng lại ỷ ôi:
“Em ơi, mẹ bảo là…”. Ngay đến việc chị nấu gì cho bữa tối cũng bị mẹ chồng can thiệp, hay đến việc chị đóng lại cái giường, sơn lại tường nhà… tất cả đều làm theo ý mẹ chồng, thông qua một thông ngôn luôn nhiệt tình chuẩn chỉ: “Em ơi, mẹ bảo là…”
Cuộc sống với sự quản lý vô hình của mẹ chồng khiến chị thấy ngột ngạt và anh chồng ẻo lả, không quyết đoán, luôn luôn nghe lời mẹ khiến chị giận dữ. Chị chỉ ước rằng chồng mình một lần tự quyết một việc gì đó, dù rất nhỏ nhặt mà không hỏi ý kiến mẹ, nhưng ước mơ mãi chỉ là mơ ước.
Anh Nam đã quen sống như vậy và chẳng có lý do gì để thay đổi khi mà anh cho rằng mẹ mình luôn đúng.
Là một nàng dâu khôn ngoan, chị Hoa dù có khó chịu đến mấy cũng chẳng dại gì mà thẳng thừng tuyên chiến với mẹ chồng, lại càng không dại bắt chồng lựa chọn giữa một bên là vợ, một bên là mẹ, vì chị thừa biết đau thương ắt hẳn sẽ thuộc về mình.
Anh Nam, ngay từ lúc mới yêu chị đã thành thật tâm sự rằng: “Người ta có thể lấy hai ba vợ nhưng mẹ thì chỉ có một thôi”.
Hồi ấy, chị còn rưng rưng cảm động trước tấm lòng của một người con hiếu thảo và cho rằng đó là điều đúng đắn, nhưng giờ, chị mới thấm thía hết sự chua cay, nghiệt ngã đằng sau cái triết lý ấy.
Chị hiểu rằng nếu đặt lên bàn cân, chị chắc hẳn sẽ chỉ nhận về mình phần thua thiệt, và sẽ mất cả chồng lẫn hạnh phúc gia đình vừa chớm đến.
“Chồng ơi, lớn lên đi!”
Sau nhiều lần khuyên giải không thành, chị Hoa tưởng như đã bất lực với chồng, thói quen cố hữu của anh Nam vẫn chẳng hề thay đổi, thậm chí còn có phần “nặng” thêm.
Mỗi khi nảy sinh chuyện bất đồng ý kiến với vợ, anh Nam chẳng chịu bình tĩnh suy xét mà vội vã gọi điện cho mẹ để hỏi ý kiến, nhờ phân xử, và mỗi lần như thế, mẹ anh lại trở thành “quan tòa” xử những chuyện thậm chí vô cùng riêng tư của hai vợ chồng.
Nhiều đêm chị Hoa phải khóc thầm trong ấm ức, đôi khi, kể cả trong giấc mơ, chị cũng lầm rầm: “Chồng ơi, lớn lên đi!”. Giữa lúc đang bất lực, bế tắc với anh chồng “bám váy mẹ” thì chị Hoa chợt nảy ra một ý:
“Tại sao không dùng chính “chiêu” của mẹ chồng để khiến chồng mình bớt tính ỷ lại vào bà?”. Chị bỏ ra nhiều ngày liền để quan sát cách mẹ chồng chị nói chuyện với anh Nam và đã học được từ bà rất nhiều điều.
Kể từ đó, chị không còn nóng nảy, giận dữ với anh mà luôn rất nhẹ nhàng, từ tốn. Chị trò chuyện với mẹ chồng nhiều hơn, khi hai mẹ con đã trở nên thân thiết, chị bắt đầu “núp bóng” bà để đối xử với chồng. Mỗi khi bắt đầu một câu chuyện, chị luôn có cách vào đề quen thuộc: “Mẹ bảo rằng anh nên…”.
Câu nói ấy như một thần chú khiến anh hoàn toàn nghe theo mọi yêu cầu của chị và chị chẳng khó nhọc gì để bắt anh phải chấp hành đề nghị của mình mà chẳng tốn công cãi vã hay thuyết phục.
Càng ở những chỗ đông người, như những buổi tiệc tùng của bạn bè, đồng nghiệp, chị càng ra sức “phát huy”, nhắc đi nhắc lại câu nói ấy.
Ban đầu anh Nam không để tâm, nhưng về sau, anh ngày càng tỏ ra khó chịu, phần vì một lúc có tới tận 2 “bà mẹ” luôn kè kè bên cạnh nhắc nhở, chỉ dẫn anh như một đứa trẻ, phần vì mỗi lần chị nhắc tới câu:
“Mẹ bảo rằng anh nên…” là anh bỗng trở thành tâm điểm chú ý của đám đông. Họ xì xào không ngớt về anh, che miệng nén những tiếng cười châm chọc, và sau lưng anh, họ gọi anh là “cậu nhóc chưa cai sữa”.
Khi biết được cái biệt danh đầy “hóm hỉnh” ấy, anh Nam cáu lắm. Anh đường đường là một người đàn ông đã trưởng thành, thậm chí đã khẳng định được mình trong công ty, với bạn bè, đồng nghiệp, vậy mà chỉ một câu nói, anh bỗng chốc trở thành đứa trẻ.
Không những vậy, anh còn bị xoay như chong chóng vì những lời khuyên, những ý tưởng của mẹ thông qua vợ - người đã được mẹ anh tin tưởng giao trọng trách giám sát anh như giám sát một bé trai hiếu động.
Sự khó chịu cứ dồn nén trong anh mỗi ngày, cho đến một hôm, như giọt nước làm tràn ly, nó đã vỡ òa ra và biến anh thành con người khác.
Hôm ấy, cơ quan anh tổ chức tiệc mừng kí được hợp đồng lớn mà anh là một trong những người có công đàm phán để giành được hợp đồng.
Trong cuộc vui, trước những lời tán dương nghe rất vừa tai, sau một vài chén rượu chúc mừng, anh đang lâng lâng trong chiến thắng, thích thú, say sưa kể về những “chiến công” của mình với cái giọng đầy tự hào thì chị Hoa bất ngờ xen ngang với cuộc điện thoại của mẹ chồng, và như mọi lần, chị lại lanh lảnh:
“Anh ơi, mẹ bảo là anh nên…”. Câu nói hiểm hóc ấy khiến cho cái giọng hào sảng của anh Nam bỗng dưng tắc nghẹn trong cổ họng, anh quay sang vợ, gầm gừ:
“Tôi không phải con nít! Đừng lúc nào cũng "mẹ bảo!”. Chị Hoa chỉ chờ có thế để cười một cái thật tươi rồi nhẹ nhàng rút lui, để anh lại tiếp tục “nổ”, chị chỉ cần có thế để khiến chồng mình “lớn lên”.
- Anh Đào