Vụ cháy Trung tâm thương mại: Hải Dương làm thật, báo cáo...nhầm

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vụ việc cháy Trung tâm thương mại Hải Dương vừa qua đã thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng cả nước bởi sự mất mát quá lớn của người dân. Tuy nhiên, gần đây người ta còn chú ý đến vụ cháy này hơn bởi cái sự 'ông nói gà bà nói vịt' giữa báo cáo của tỉnh với những gì người dân trình bày.

Tỉnh Hải Dương báo cáo nhầm?

Ngày 16/9, UBND tỉnh Hải Dương đã gửi văn bản báo cáo Chính phủ về việc cháy Trung tâm thương mại Hải Dương vào sáng ngày 15/9.

Nội dung báo cáo khẳng định: Khoảng 3h20’ ngày 15/9 mới phát hiện thấy cháy và lập tức tổ bảo vệ tiến hành công tác dập lửa tại chỗ, báo với PCCC Hải Dương. Đám cháy được phát hiện kịp thời tại quầy bán vải thuộc tầng 1 nhờ công tác tuần tra của nhóm bảo vệ 6 người. Tới 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.

Việc xảy ra một vụ cháy lớn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân, UBND tỉnh sớm có báo cáo với Chính phủ cũng là lẽ thường tình, tuy nhiên, vấn đề bất ngờ ở đây lại là việc nội dung báo cáo này hoàn toàn mâu thuẫn với lời tố cáo của hơn 500 tiểu thương mấy ngày nay.

Báo cáo về vụ chát trung tâm thương mại Hải Dương của UBND tỉnh khác hẳn với những gì người dân cho biết.

Tất cả các tiểu thương và nhân dân sống xung quanh trung tâm đều khẳng định cháy từ lúc 1 giờ sáng nhưng không gọi được lực lượng PCCC. Hơn 3h sáng dân phải phi xe máy tới trụ sở PCCC đập cửa mới báo được.

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: UBND tỉnh Hải Dương báo cáo Chính phủ như vậy dựa trên căn cứ nào? Nếu nội dung báo cáo đúng, toàn bộ những gì 500 tiểu thương nói là sai?.

Trên thực tế, để phân định đúng sai trong câu chuyện này có lẽ không phải là chuyện dễ dàng. Người ta vẫn hay nói miệng nhà quan có gang có thép, chỉ nói miệng thôi đã khó cãi rồi, đằng này lại có giấy tờ, văn bản rành rành, quả thật là khó mà thay đổi được gì.

Khi cả nước cùng nhầm

Ấy nhưng mà lắm khi cũng phải xem lại nhé, hình như có không ít trường hợp, cũng là miệng nhà quan nói mà lại không đúng sự thật. Như vụ việc đốt pháo mới xảy ra vào dịp tết âm lịch năm 2013, cũng ở Hải Dương, báo Quân đội nhân dân Online ngày 11/2 ghi nhận sáng mồng 1 Tết (10/2, dọc các tuyến đường quốc lộ và liên tỉnh, liên huyện từ Kẻ Sặt (huyện Bình Giang – Hải Dương) tới thị trấn huyện Thanh Miện, xác pháo rải rợp đường, đủ sắc màu đỏ, trắng, xanh. Tại các khu vực như ngã ba Quán Gỏi, Kẻ Sặt, xã Thanh Tùng… xác pháo đỏ rực nhiều đoạn đường, ngay trên vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà dân. Đặc biệt, tại huyện Bình Giang, tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện, xác pháo rải san sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng…

Tuy nhiên, trên tờ báo Tuổi trẻ chiều 16/2, ông Hoàng Mai Khương, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương, khẳng định trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo. Ông Hoàng Mai Khương nói: “Theo như thông tin có đốt pháo, nhưng ngày 14/2 (mồng 5 tết) chúng tôi đã tổng hợp báo cáo từ các huyện gửi lên thì không có hiện tượng đó. Thậm chí có thông tin cho rằng ở huyện Kim Thành có mấy trường hợp bị thương do pháo nhưng không có. Thực tế các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo”.

Vụ nổ pháo, hình ảnh rõ ràng, sắc nét như vậy mà Hải Dương báo cáo còn nhầm thì vụ cháy, lãnh đạo tỉnh có lại một lần nữa báo cáo nhầm thì cũng chẳng có gì lạ.

Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo. Ảnh chụp lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết
 (Ảnh: Báo Hải Dương)

Thế nhưng nếu có 100 người đúng mà chỉ 1 người sai thì người sai đó hẳn nhiên phải chịu trách nhiệm to rồi, đằng này trên cả nước, đâu đâu cũng thấy báo cáo nhầm như bệnh trầm kha vậy thì biết trách ai?

Này nhé, thời gian vừa qua ở nước ta sự nhầm lẫn diễn ra phổ biến từ việc bé đến việc lớn, từ chuyện bình thường đến đủ thứ trọng đại. Nếu số liệu trong vài báo cáo tài chính nhầm mới là chuyện nhỏ thì việc quảng bá nhầm địa danh du lịch trong hội chợ du lịch quốc tế đã là lớn hơn và bị phê phán nhiều nhiều. Ấy vậy mà có những người còn nhầm hẳn trong những ngành quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống con người như ngành y, từ việc định cắt cái này mà nhầm sang cái nọ, đến bệnh viện chẩn đoán thai cho cụ ông tuổi thất thập cổ lai hy, ngay cả kết quả xét nghiệm máu cũng có sự nhầm lẫn như vụ việc ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Dường như, ở nước ta nhầm lẫn nhiều đến mức mà lắm khi người ta cũng chẳng phân biệt nổi đâu là đúng, đâu là nhầm.

Mới đây nhất, vụ việc sập bãi đào vàng dường như cũng được cho rằng đang có sự nhầm lẫn, khó hiểu. Vụ sạt lở bãi khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng Vầu, rừng Xanh ở xã Minh Lương, H.Văn Bàn (Lào Cai) xảy ra trưa 5/9, theo nhiều nguồn tin từ phía người bị nạn tại các xã Tuân Đạo, Tân Lập và Quý Hòa ở H.Lạc Sơn và chính quyền địa phương tại đây xác nhận, đã có 8 nạn nhân thiệt mạng, riêng xã Tuân Đạo đã có 5 nạn nhân. Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, vụ việc diễn ra chỉ có 2 người chết.

Từ thực trạng nhầm lẫn như một căn bệnh lây lan hàng loạt trên khắp cả nước như vậy, có thể thấy chuyện xảy ra ở Hải Dương mới đây cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ vì thế mà các tiểu thương ở Trung tâm thương mại Hải Dương cũng nên biết thân, biết phận chịu khó mà làm ăn tiếp, như người dân cả nước khó khăn thế mà vẫn sống được đấy thôi. Và phải tiếp tục hi vọng, thế mới mong có ngày kiếm lại được những gì đã mất.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn