Sau vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề (Hà Nội) về việc mua bán trẻ em bất hạnh, không may mắn, xã hội đang vô cùng lo lắng cho số phận của trẻ em cơ nhỡ được nuôi tại các cơ sở trên cả nước hiện nay. Nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra: Ngành, cơ quan nào đang quản lý trẻ em con nuôi? Có bao nhiêu cơ sở nuôi trẻ như ở chùa Bồ Đề?... Đang có quá nhiều kẽ hở, khoảng trống trong quản lý trẻ em con nuôi mà hệ luỵ của nó sẽ là rất khôn lường…
Bài 1: Khó lường hết... “đầu ra”
Trong khi tại chùa Đức Sơn (Thừa Thiên - Huế) người đến nhận con nuôi phải thực hiện xét nghiệm ADN, với lời chứng của luật sư, dòng họ…, thì tại cơ sở nuôi trẻ bị bỏ rơi thuộc chùa S.L (TPHCM) chính quyền địa phương đang phải “tìm hiểu” tình trạng “mất hút” hai lứa trẻ bị bỏ rơi được nhà chùa nuôi từ năm… 2006 (!?).
Chỉ quản lý cơ sở công nuôi trẻ mồ côi
Đến thời điểm này, tại các cơ sở nhận và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi thuộc các nhà chùa đều thực hiện theo những quy định, cách thức do nhà chùa tự đặt ra, mỗi nơi mỗi kiểu. Chùa Đức Sơn (xã Thuỷ Bằng, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếp nhận trẻ như sau: Nếu là trẻ có gốc gác rõ ràng, người gửi phải xuất trình được các hồ sơ, giấy tờ pháp lý có liên quan; với trẻ bị bỏ rơi, người nhặt phải làm biên bản làm chứng.
Từ đó, hội đồng có mặt đông đủ các sư cô trong chùa, chính quyền địa phương xem trẻ có thương tật, dấu hiệu bị đánh đập, tiến hành làm các bước xét nghiệm về sức khỏe, bệnh tật... Sau 3 tháng, trẻ được cấp giấy khai sinh, bảo hiểm, được đăng ký tạm trú để địa phương xã Thủy Bằng quản lý.
Chùa Đức Sơn (TP.Huế) đang nuôi dưỡng 15 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. |
Trong khi đó, tại cơ sở bảo trợ xã hội Đ.T thuộc chùa S.L (TPHCM), thủ tục tiếp nhận trẻ sơ sinh lại khá đơn giản ở “đầu vào” nhưng lại rất ngặt ở “đầu ra”. Theo cô T - người quản lý trực tiếp - thì nếu có trẻ bị bỏ rơi ở cơ sở, người của cơ sở sẽ lên báo với UBND phường, cán bộ của phường sẽ trực tiếp xuống cơ sở lập biên bản xác nhận vụ việc. Sau 1 tháng, nếu không có ai đến nhận lại đứa trẻ thì đứa trẻ sẽ được làm giấy khai sinh, người nhận nuôi là sư cô trụ trì chùa. Sau khi đã được làm giấy khai sinh thì gia đình sẽ khó lòng xin nhận lại được đứa trẻ, vì “họ đã có 1 tháng để suy nghĩ, nhưng họ đã không đến nhận”.
Trả lời phóng viên chiều 6.8, ông Đinh Mẫn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo trợ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết, việc quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở công nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc trách nhiệm của Sở LĐTBXH.
Riêng trường hợp cơ sở tư như tại chùa Đức Sơn, việc cấp phép do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định; các tiêu chí hoạt động, nhận, nuôi trẻ đều có trong quyết định của tỉnh, thực hiện như thế nào là do những người đứng đầu cơ sở được cấp phép.
Theo lời của Chủ tịch UBND phường - nơi trực tiếp quản lý cơ sở Đ.T (chùa S.L, TPHCM) - thì hiện nay, việc quản lý các cơ sở nhận nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được thành lập trong chùa không dễ dàng vì liên quan đến tâm linh, tôn giáo. “Trước mắt, ai cũng thấy là cơ sở nhận nuôi trẻ trên tinh thần thiện nguyện. Chùa tự nguyện, tự lo tài chính. Nếu mình nghi ngờ thì mình có tội, nhưng nếu mình không nghi ngờ thì đó là cách quản lý chủ quan. Thà rằng đó là một cơ sở tư nhân, nuôi dạy trẻ tư nhân, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì hoạt động, không thì dẹp. Ngay cả việc kiểm tra, cơ quan chức năng khi đến các cơ sở được thành lập trong chùa cũng phải dè dặt. Quản lý các nơi này phải thật khéo” - vị chủ tịch phường nói.
Trẻ bị bỏ rơi đang ở đâu?
Theo lời một bảo mẫu lớn tuổi ở cơ sở Đ.T thì “đây là lứa thứ 3 được nuôi”, PV thắc mắc hỏi “vậy các lứa một, hai đi đâu?”, cô T nói: “Được đưa xuống một chi nhánh ở tỉnh”. Tuy nhiên, trước đó, cũng lời cô T thì chi nhánh dưới tỉnh mới xây dựng được 70%, chưa ở được! Nguồn tài chính để nuôi các bé, theo cô T, chủ yếu là do phật tử khắp nơi đóng góp, nếu nguồn này không đủ, những “đệ tử ruột” sẽ hỗ trợ.
Trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội). |
Khi PV thắc mắc, tại sao cơ sở nuôi dạy trẻ Đ.T được thành lập từ năm 2006 (được UBND quận cấp phép vào năm 2013), nhưng hiện tại cơ sở chỉ có hơn 10 trẻ sơ sinh, hơn 30 trẻ từ 2-4 tuổi, 2 trẻ lớn đi học ở ngoài, vậy những đứa lớn đâu?
Vị chủ tịch phường lắc đầu: “Cái này tôi cũng đang thắc mắc. Quản lý đầu vào các trẻ thì dễ, còn đầu ra mới khó. Cách đây 2 tháng, sư trụ trì có thông báo, cơ sở có cho 2 trẻ về với gia đình ở Tiền Giang, 2 trẻ lớn đã lấy chồng, 2 trẻ đang học tiểu học. Số lượng những đứa trẻ ở cơ sở ổn định, thế nhưng độ tuổi cũng ổn định là một điều bất thường. Chúng không lớn lên sao? Cái này chúng tôi đang tìm hiểu”.