Những người yêu điện ảnh Hong Kong hẳn sẽ biết đến Dumblings (Sủi cảo con trai) của đạo diễn Trần Quả. Một bộ phim trần trụi, kể về bà Lý muốn níu giữ tuổi xuân bằng sủi cảo nhân thịt trẻ con. Bà Lý tìm được một người đầu bếp có thể mua thai nhi bị nạo ở bệnh viện về, rồi làm sủi cảo. Sủi cảo nhân con trai thì đắt và khó tìm hơn sủi cảo nhân con gái, vì ít người có thai con trai mà đi nạo.
Bộ phim Dumblings (Sủi cảo con trai). |
Đến cuối phim, bà Lý tự phá cái thai của chính mình rồi đem nó làm sủi cảo, rồi tự ăn.
Những người yêu văn học Trung Quốc chắc chắn đã đọc Tửu Quốc của Mạc Ngôn – chủ nhân giải Nobel Văn chương 2012. Tiểu thuyết kể về một thành phố tưởng tượng, nơi người ta tôn thờ rượu, và chỉ chăm chăm nghĩ ra món nhậu – để rồi tạo ra thứ mỹ vị tối thượng là thịt trẻ con. Không phải là thai nhi như Trần Quả nữa, mà là từ những trẻ con còn sống, những nhà nghèo bán đi, đem nuôi bằng thức ngon cho ngọt thịt, rồi nấu nướng cầu kỳ, phục vụ các ông tai to mặt lớn.
Người ta cứ đồn rằng văn hóa ăn thịt trẻ con cho bổ là chuyện có thật ở Trung Quốc, không biết có chính xác không. Nhưng chắc không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sỹ lớn nước này hứng thú đặc biệt với chủ đề thương mại hóa thịt trẻ con như thế.
Hôm qua khi thông tin về việc người phụ trách trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề bị bắt giữ vì hành vi buôn người, tôi chợt nhớ đến hai tác phẩm ấy.
Chùa Bồ Đề ở Gia Lâm, Hà Nội đã nổi tiếng suốt nhiều năm qua như một địa chỉ nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đó đáng ra đã có thể trở thành một “thánh địa” của lòng từ tâm, nếu như những sai trái trong việc nuôi dưỡng, cho - nhận trẻ mồ côi cứ ngày bị “đánh hơi” thấy càng nhiều bởi những người tới đó làm từ thiện, để rồi cuối cùng bị phanh phui bởi loạt phóng sự của báo Phụ nữ TP.HCM. Hóa ra, đó rất có thể là một nơi mà người ta buôn bán trẻ em, ngay trước mắt Phật.
Một phụ nữ được thuê trông giữ trẻ ở chùa Bồ Đề. |
Người ta đã nghe nhiều đến những kẻ bắt cóc trẻ em đem bán, thậm chí có nơi, bạn sẽ được nghe về chuyện cán bộ bệnh viện phụ sản bế trẻ sơ sinh ra ngoài bán. Nhưng hẳn đây là lần đầu tiên bạn được nghe về một trung tâm nuôi trẻ mồ côi với việc “buôn người” trở thành một hành vi có hệ thống. Nghĩa là từ “kinh tế cá thể” bây giờ chúng ta đã có mô hình “hợp tác xã” trong việc buôn bán trẻ em. Quả là một bước phát triển.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là chùa Bồ Đề có phải là địa chỉ duy nhất trên cả nước mà chuyện kinh tởm ấy diễn ra. Bạn rất khó khẳng định tuyệt đối.
Cuối cùng thì có vẻ như trong bối cảnh mà đạo đức xã hội sút giảm liên tục, người ta đã tiến thêm một bước trong nỗ lực thương mại hóa trẻ con. Chúng vốn từng là một món hàng trong nhiều trường hợp, nhưng với việc “kinh doanh” có hệ thống như thế này, thì trẻ con tiến gần hơn đến việc trở thành một LOẠI HÀNG HÓA.
Liệu có một ngày nào đó chúng ta có thể ăn thịt trẻ con không? |
Khi người ta đã có thể coi trẻ con là một loại hàng hóa, chứ không phải là một con người, thì có khi nào họ cũng đang tiến gần đến việc sử dụng loại hàng hóa ấy theo một cách khác hơn là nuôi. Nếu bạn đã mua được, thì bạn có thể dùng hàng hóa theo ý thích. Ví dụ như là ăn thịt chúng, nếu bỗng nhiên nhu cầu ấy phát sinh, bỗng trong xã hội rộ lên tin đồn là thịt trẻ con chữa được ung thư như sừng tê giác. Đằng nào chúng cũng là món hàng.
Liệu có một ngày nào đó chúng ta có thể ăn thịt trẻ con không?
Điều gì đã làm đạo đức xã hội xuống thê thảm đến mức này?