Vấn đề nhìn nhận lại cách phòng tránh oan sai trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thực sự được đặt ra nghiêm túc sau nghi án oan mang tên Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động cả nước.
Áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, gắn camera ở phòng điều tra hay đảm bảo quyền có luật sư khi hỏi cung, lấy cung của bị can bị cáo là những giải pháp cơ bản được các chuyên gia pháp lý đưa ra.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng).
Phóng viên của báo cũng đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Tiến Đạt, thạc sĩ luật, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Macquarie, Australia xoay quanh một vài vấn đề liên quan đến tránh oan sai của vụ án Nguyễn Thanh Chấn:
PV: Là một thạc sỹ luật học, cũng đang là nghiên cứu sinh luật tại nước ngoài ông có thể cho biết về một trong những phương thức tránh oan sai mà ông cảm thấy hiệu quả?
Tôi ví dụ ở Mỹ, các quyền về xét xử công bằng và thủ tục tố tụng đúng đắn chiếm phần lớn trong phần quyền con người của Hiến pháp (Bill of Rights). Bởi vì việc truy tố người bị tình nghi phạm tội là đặc quyền rất lớn của nhà nước. Đó là quan hệ bất cân xứng về bản chất. Do đó, mọi chế độ dân chủ phải tìm cách cân bằng lại quan hệ này bằng cách ngăn ngừa, bảo vệ thật hữu hiệu các quyền của nghi phạm trước sự lạm quyền.
PV: Vậy theo ông giải pháp nào để ngăn ngừa oan sai, hạn chế sự làm quyền?
Nhằm ngăn ngừa vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra, có 3 giải pháp cơ bản. Thứ nhất, nghi phạm phải được biết về quyền pháp lý của mình: chẳng hạn khi bắt người, cảnh sát phải thông báo cho người đó về quyền có luật sư, quyền im lặng… Thứ hai, luật sư phải được tạo điều kiện tham gia bảo vệ nghi phạm. LS được quyền gặp bị cáo chứ ko cần xin phép cơ quan điều tra. Ngoài ra, Nhà nước nên có chế độ luật sư công để bào chữa miễn phí cho nghi phạm. Thứ ba, việc lấy lời khai phải được ghi âm, ghi hình.
“Việc chứng minh ép cung, dùng nhục hình có thể sử dụng máy kiểm tra nói dối như các nước tiên tiến và các biện pháp nghiệp vụ khác. Ở nước ta vẫn chưa có áp dụng vấn đề khoa học kỹ thuật này. Do đó, sắp tới có thể sửa luật và coi máy phát hiện nói dối là một căn cứ để chứng minh việc phạm tội.” Luật sư Phạm Tiến Quyển (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) “Ép cung, bức cung là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Vì vậy, chống ép cung, bức cung là giải pháp đầu tiên để tránh oan sai. Nhưng làm thế nào để không xảy ra việc ép cung, bức cung. Lắp đặt, sử dụng camera trong phòng hỏi cung? Giải pháp này yêu cầu Nhà nước phải đầu tư một khoản tiền lớn để trang bị, tuy nhiên có thể chống được “vấn nạn” ép cung, bức cung trong quá trình điều tra hay không? Thật khó có câu trả lời, bởi vì: Ai, cơ quan nào sẽ giám sát việc sử dụng, lưu trữ hình ảnh của camera trong phòng hỏi cung khi chỉ có điều tra viên và đối tượng tình nghi. Đây là không phải là giải pháp có hiệu quả cao. Để tránh việc ép cung, bức cung các đối tượng bị tình nghi phạm tội của người tiến hành tố tụng (điều tra viên) thì cần phải có người đối trọng về trách nhiệm. Đó chính là luật sư bào chữa. Điều tra viên, kiểm sát viên giữ nhiệm vụ buộc tội còn luật sư bào chữa là người gỡ tội. Vì thế, sự tham gia của luật sư với vai trò đối trọng sẽ làm giảm tính chất “buộc tội” trong hỏi cung nói riêng và quá trình tố tụng hình sự nói chung. Luật sư bào chữa cũng giữ vai trò “giám sát” việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật tố tụng hình sự của những người tiến hành tố tụng, làm cho quá trình được khách quan, công bằng hơn và tất nhiên sẽ hạn chế việc ép cung, bức cung, từ đó sẽ giảm được án oan sai. Nâng cao vai trò, vị trí của luật sư trong việc tham gia tố tụng là một trong những nhiệm vụ của Cải cách tư pháp, tuy nhiên nhiệm vụ này chưa thật sự được chú trọng. Pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận luật sư có quyền tham gia các buổi hỏi cung thân chủ của mình nhưng cần phải có sự đồng ý của điều tra viên hoặc kiểm sát viên. Quy định này vô hình chung làm cho việc tham gia của Luật sư chỉ là còn “hình thức”, không còn ý nghĩa.” Luật sư Hà Thị Thanh (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên) |