Vụ sừng tê giác: Trầm Bề nói ngược Trung tướng Tư lệnh

( PHUNUTODAY ) - Ông Trầm Bê xác nhận con tê giác bị mất cắp vừa qua được bạn tặng và trưng bày tại nhà từ năm 2007. Tuy nhiên, Trung tướng Huỳnh Tiền Phong thì lại cho biết nhìn thấy từ năm 2005.

Trả lời trên báo chí ông Trầm Bê xác nhận con tê giác bị mất cắp vừa qua được bạn tặng và trưng bày tại nhà từ năm 2007. Tuy nhiên, Trung tướng Huỳnh Tiền Phong thì lại cho biết đã thấy tiêu bản con tê giác còn nguyên sừng tại nhà ông Trầm Bê từ năm 2005. Đằng sau thông tin này còn gì uẩn khúc?

Ngày 5/10, ông Ngô Thành Nhân (ngụ ở Phạm Hữu Chí, Q.5, TP.HCM) xác nhận: “Tôi đã làm giấy tặng con tê giác này cho ông Trầm Bê nhân dịp tân gia của gia đình ông vào ngày 1/3/2007”. Ông Nhân kể xuất xứ của con tê giác này: “Tôi đi săn có giấy phép săn bắn tại Mpumalanga (Nam Phi). Con tê giác nhập về là chiến lợi phẩm trong một cuộc đi săn hợp pháp tại Nam Phi và khi nhập về Việt Nam có đầy đủ giấy tờ. Vậy mà Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) không biết dựa vào đâu nghi ngờ sừng tê giác bị mất cắp là bất hợp pháp”.

Con tê giác bị mất cắp sừng nhà Trầm Bê
Con tê giác bị mất cắp sừng nhà Trầm Bê


Để chứng minh, ông Trầm Bê và ông Nhân trưng ra một bộ hồ sơ gồm 10 trang (vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt), bao gồm: giấy phép săn bắn, giấy tờ xuất nhập khẩu, hóa đơn đóng thuế, phiếu đăng ký kiểm dịch, tờ khai hải quan...

Trong bộ hồ sơ này, chúng tôi thấy có 2 giấy xuất nhập khẩu của Cites (Cơ quan Quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) Nam Phi và Cites Việt Nam. Theo giấy đăng ký kiểm dịch của Trung tâm thú y vùng TP.HCM (Trạm kiểm dịch động vật Tân Cảng) do ông Ngô Thành Nhân đăng ký ngày 20.10.2006, tên hàng là con tê giác trắng Nam Phi; nơi sản xuất Nam Phi, số lượng 1 con, trọng lượng tịnh 350 kg, mục đích sử dụng trang trí trong nhà...

Con tê giác này đã làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan khu vực 4 vào tháng 11/2006. Trên tờ khai hải quan, con tê giác được đựng trong kiện gỗ có trọng lượng 835 kg. Kết quả kiểm tra của hải quan sau khi mở kiện gỗ là: “Tê giác trắng 2 sừng đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm. Xuất xứ Nam Phi...”.

Ông Ngô Thành Nhân (trái) cùng ông Trầm Bê. Ảnh: Thanh niên
Ông Ngô Thành Nhân (trái) cùng ông Trầm Bê. Ảnh: Thanh niên


 Ông Nhân cho biết thêm, con tê giác này được vận chuyển theo đường biển vào Việt Nam.

Tuy nhiên, “xuất xứ” của con tê giác này được ông Trầm Bê trình bày khác hẳn với thông tin do Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 (nghỉ hưu năm 2007) cung cấp trên Dân Việt.

Trung tướng cho  biết, năm 2005, khi còn đương chức, ông có đến nhà Trầm Bê chơi. Tại đây, ông Trầm Bê đang trưng bày tiêu bản một con tê giác rất to còn nguyên cả sừng, ước chừng khi còn sống con tê giác này nặng 4 tấn.

“Bên trong là bộ khung bằng kim loại làm giá đỡ, bên ngoài là bộ da còn nguyên, được may khéo léo nên trông như tê giác thật” – Tướng Phong nói.

Nói mâu thuẫn hay còn 1 con tê giác khác?
Nói mâu thuẫn hay còn 1 con tê giác khác?


Sau đó, ông Trầm Bê đã cho Quân khu 9 mượn con tê giác này đem về trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tại Cần Thơ trưng bày.

“Cuối năm ngoái, bộ da tê giác bắt đầu xuống cấp, bị nấm mốc làm hư hại, một số chỗ bị thủng nên tôi đề nghị ông Trầm Bê đem về Hàm Tân phục chế lại. Có thể trong quá trình phục chế, chiếc sừng đã bị trộm lấy mất” – Tướng Phong nói. Cũng theo ông Phong, ông không biết nguồn gốc con tê giác ông Trầm Bê có từ đâu.

Ngoài ra, một số cán bộ công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, con tê giác được mượn từ nhà ông Trầm Bê vào năm 2005, phải dùng cần cẩu đưa lên xe tải rồi chở về quân khu. Con tê giác được đặt trong lồng sắt inox, ốp kính dày đến 5mm.

Ảnh nóng: Sừng tê giác, voi ma mút và nghìn tỷ của Trầm Bê
  • Kim Hảo (tổng hợp)

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn