Vụ Thị trường: Cây xăng găm hàng có nhưng không nhiều

( PHUNUTODAY ) - Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cây xăng vi phạm đã có các quy định để xử phạt, còn thiệt hại người tiêu dùng khó đền bù vì việc xác định thiệt hại, cái đó phải căn cứ theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Đời sống) -Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cây xăng vi phạm đã có các quy định để xử phạt, còn thiệt hại người tiêu dùng khó đền bù vì việc xác định thiệt hại, cái đó phải căn cứ theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

[links()]

Trước tin đồn tăng giá xăng, dầu, những ngày qua có một số cây xăng có biểu hiện găm hàng chờ tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, bức xúc trong xã hội, chiều 26/2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) về vấn đề này.

PV - Cây xăng găm hàng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vậy tiền xử phạt phải chăng nên dùng một phần đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng, ông nghĩ sao?

Ông Võ Văn Quyền: Việc xử lý vi phạm phải theo luật pháp, có hẳn Nghị định 104 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngoài những vấn đề chưa quy định ở Nghị định đó thì quy định ở xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại theo Nghị định 06 và Nghị định 112. Về cơ bản, các hành vi như đầu cơ, tăng giá, dừng bán hàng… đều có quy định.

Tất cả biện pháp xử phạt bằng tiền, hoặc phạt bổ sung bằng tước giấy phép, khắc phục hậu quả, như tịch thu lại số tiền thu chênh lệch bất chính…

cay-xang-gam-hang-cho-gia-Phunutoday.vn
Khó xác định thiệt hại của người tiêu dùng để đền bù khi cây xăng đóng cửa.

PV - Nhưng tiền xử phạt cây xăng vi phạm lại nộp vào ngân sách, không được dùng để đền bù thiệt hại cho người dân?

Ông Võ Văn Quyền: Về nguyên tắc, có những cái sai phạm xác minh được thiệt hại của người tiêu dùng thì phải bồi hoàn lại cho người tiêu dùng, nhưng không phải lúc nào cũng xác minh được. Tùy từng trường hợp.

Nếu các biện pháp mà có thể chưa đủ, còn bỏ sót thì mình có thể chỉnh sửa, bổ sung.

Đợt vừa rồi mức phạt tăng, tổng thu theo đó tăng lên, số giấy phép tướng cũng nhiều, mức nghiêm khắc cao hơn nên mức độ tác động cũng rất tốt.

PV - Với cây xăng thì xử phạt được, còn với người tiêu dùng, họ có thể gặp rắc rối, mất cơ hội vì không có xăng để đi lại, vận chuyển hàng hóa, gây bức xúc xã hội… phải chăng nên có chính sách bảo vệ họ?

Ông Võ Văn Quyền: Đối tượng xử phạt hành vi này là các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu. Còn người tiêu dùng phải nhìn từ góc độ Luật bảo vệ người tiêu dùng để xử lý, đấy là vấn đề khác.

PV - Nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể kiện cây xăng găm hàng không?

Ông Võ Văn Quyền: Giờ tôi không có ngay dữ liệu để trả lời, cái đó phải xem lại Luật bảo vệ người tiêu dùng và các Nghị định liên quan mới nói được, phải xem thiệt hại đấy có căn cứ để bồi hoàn không.

PV - Với các cây xăng được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp nhà nước, mà tiền doanh nghiệp nhà nước lại có một phần là từ tiền thuế của người dân, nên phải phục vụ lợi ích người dân, vậy có một biện pháp nào đó để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân?

Ông Võ Văn Quyền: Không quy định được cửa hàng nào là xây dựng từ thuế của người dân, cửa hàng nào là xây dựng từ tiền doanh nghiệp, hoặc tổ chức, cá nhân bỏ ra. Vì các doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp, nguồn tiền doanh nghiệp đầu tư và chịu trách nhiệm việc đầu tư đó trước luật pháp, không thể phân loại ra được.

Trước đây bao cấp còn phân loại được, giờ mình chuyển sang kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp phải bình đẳng.

Nhưng có một điều, các doanh nghiệp nhà nước đầu mối, các cửa hàng trực thuộc hệ thống sở hữu của họ thì chính là những điểm bán góp phần giữ được thị trường lúc khó khăn nhất. Thường những cây xăng dừng bán là nằm ở phần tư nhân.

Qua thực tế điều hành chúng tôi rút ra, khi thị trường biến động, những cây xăng càng lớn, thì lượng hàng họ bán ra càng tăng đột biến.

PV - Trong một tuần trở lại đây, khi có tin đồn tăng giá xăng dầu, nhiều cây xăng có dấu hiệu đóng cửa, việc này được kiểm tra và xử lý thế nào?

Ông Võ Văn Quyền: Lực lượng Quản lý thị trường làm liên tục và là đầu mối chính, chúng tôi cũng nhận được thông tin liên tục, khi nhận được là triển khai cho Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý ngay.

Có hiện tượng đó (găm hàng - PV), nhưng không nhiều, Bộ Công thương cũng đã có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý.

Số liệu thì tôi chưa kịp cập nhật, nhưng cũng không nhiều, như ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đắk Lắk...

PV - Xin cảm ơn ông!

  • Lê Việt (thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn