Đã hết thời hạn điều tra vụ án?
Thời hạn điều tra vụ án hình sự bắt đầu được tính kể khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường được Công an Hà Nội khởi tố vào ngày 22/10/2013. Thời hạn điều tra cũng như gia hạn điều tra phụ thuộc vào tính chất tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ án này, tội danh nặng nhất thuộc về bác sỹ Tường. Cụ thể, bị can Tường đã bị truy tố tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Khoản 1 Điều 242 Bộ luật Hình sự (BLHS) với mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù.
Với mức hình phạt cao nhất này, theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS thuộc trường hợp “tội phạm rất nghiêm trọng”. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định thời hạn điều tra không quá bốn tháng.
Đối tượng Tường chỉ nơi phi tang xác. |
BLTTHS cũng quy định do tính chất phức tạp của vụ án thì trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan Điều tra có thể đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Cụ thể, Điểm c Khoản 2 Điều 119 BLTTHS quy định: “Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng”.
Thẩm quyền gia hạn thuộc Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội do vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh. Như vậy, tính cả việc gia hạn, thì thời hạn điều tra đối với bác sỹ Tường tối đa là 12 tháng kể từ thời điểm khởi tố vụ án vào ngày 22/10/2013. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.
Tính chi li hơn, vụ án Cát Tường đang trong giai đoạn xét xử thì bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc tìm thấy xác nạn nhân sẽ dẫn đến việc trả hồ sơ bổ sung lần 2. Do đó, sẽ áp dụng quy định thời hạn để điều tra bổ sung. Khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng”.
Hết thời hạn tạm giam để điều tra, sẽ được tại ngoại?
Với tội rất nghiêm trọng, thời hạn tạm giam bị can để điều tra là không quá bốn tháng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được Điểm c Khoản 2 Điều 120 BLTTHS quy định nh¬ư sau: “Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng”. Thẩm quyền gia hạn tạm giam thuộc Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội.
Ngày 31/10/2013, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Tường. Tính cả việc gia hạn tạm giam thì thời hạn tạm giam đối với bị can Tường tối đa sẽ là 9 tháng. Hiện nay, Tường đang bị tạm giam để điều tra bổ sung lần 2. Thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung sẽ không quá 2 tháng.
Khoản 6 Điều 120 BLTTHS quy định: “Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”. Như vậy, khi hết thời hạn tạm giam thì đối tượng Tường sẽ không bị tạm giam nữa mà có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác bao gồm: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Trường hợp áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì Tường phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.
Trường hợp áp dụng biện pháp bảo lãnh thì phải có ít nhất hai người người thân thích của đối tượng Tường đứng ra nhận bảo lãnh. Khi nhận bảo lãnh, cá nhân phải làm giấy cam đoan không để bị can tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án.
Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Cá nhân nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này đối tượng Tường sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Trường hợp áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thì đối tượng Tường là người sẽ dùng tiền hoặc tài sản có giá trị của mình để đảm bảo.
Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.
Thi thể không đầu sau khi được lấy mẫu giám định ADN, đã được chôn bên bãi sông Hồng. |
Điều lưu ý là đối tượng Tường có thể sẽ không được áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo vì thuộc trường hợp “Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân” theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
Đổ bê tông xác chị Huyền bị coi là tình tiết tăng nặng
Lời kể của người đầu tiên phát hiện ra thi thể nạn nhân Huyền cho thấy thể này không có đầu, đã mất bàn chân, bàn tay. Dấu hiệu khác cũng đáng chú ý là ở hai bên đùi có hai mảng bê tông to bằng viên gạch bám vào, trên quần áo nạn nhân ở nhiều vị trí khác nhau cũng có dấu vết của xi măng nhỏ khác.
Mẹ đẻ của chị Huyền có mặt ngay sau khi thi thể trên được vớt lên bờ cũng khẳng định có hai mảng bê tông ôm ở hai bên đùi thi thể, một số vị trí khác trên cơ thể cũng có dấu vết xi măng.
Trách nhiệm xác định việc xác nạn nhân bị mất đầu và bị bê tông bám dính có liên quan như thế nào đến vụ án này thuộc Cơ quan điều tra. Nếu chặt đầu, bàn chân, bàn tay nạn nhân khi nạn nhân còn sống, đương nhiên khó thoát án tử hình dành cho hung thủ với tình tiết định khung tăng nặng “thực hiện tội phạm một cách man rợ” theo Điểm i Khoản 1 Điều 93 BLHS (Tội giết người).
Nếu chặt đầu, bàn tay, bàn chân, rồi đổ bê tông lên thi thể nạn nhân sau khi nạn nhân đã chết để phi tang thì đối tượng thực hiện sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: “Có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 48 BLHS.
Tường thoát tội khai báo gian dối trong mọi trường hợp
Ngay cả khi các tình tiết nạn nhân bị chặt đầu, bàn tay, bàn chân hay bị đổ bê tông được xác định là có thật thì các đối tượng phạm tội trong vụ án cũng sẽ thoát tội khai báo gian dối.
Vì sao? Chủ thể của tội khai báo gian dối là chủ thể đặc biệt, chỉ có người giám định, người phiên dịch và người làm chứng mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Cụ thể, cấu thành cơ bản của tội khai báo gian dối được Khoản 1 Điều 307 BLHS quy định như sau: “Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Các bị can trong vụ án cũng không bị áp dụng tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự do có hành vi khai báo gian dối. Vì BLHS không quy định khai báo gian dối là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Không áp dụng tình tiết tăng nặng khai báo gian dối cho bị can, bị cáo cũng phù hợp với nguyên tắc xác định sự thật của vụ án được Điều 10 BLTTHS quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Mặt khác, Khoản 2 Điều 49 cũng quy định: Bị can có quyền trình bày lời khai. Đã là quyền, thì bị can có thể thực hiện hoặc không thực hiện./.