Tôi đã từng mất cả tháng trời ròng rã ngồi đọc lại toàn bộ hồ sơ lưu trữ của Công an TP Hà Nội về vụ 2 bị án tử hình trốn trại Hỏa Lò mới rạng sáng ngày 28/10/2001. Tôi cũng đã từng lặng người chứng kiến cảnh từng tốp các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội khi đó do Thượng tá Nguyễn Đức Bình (nay là Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội) làm Trưởng phòng balô lớn nhỏ, súng dài, súng ngắn, lặng lẽ lên đường bắt đầu những chuyến công tác dài ngày và nhiều hiểm nguy trong chiến dịch truy lùng tử tù trốn trại trong cái rét đầu mùa tái tê.
Một chiến dịch xuyên suốt 17 ngày đêm mà khi kết thúc, Công an Hà Nội không dám nhận đó là chiến công mà chỉ coi đó là việc phải làm vì sự nghiêm minh của pháp luật và vì danh dự của Công an Thủ đô.
Kế hoạch đào tẩu táo tợn, tinh vi
Thân "rau muống" và Nam "cu chính" là hai tử tù giam chung trong buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới và cả hai đều đã đào tẩu khỏi nơi này vào đêm 27 rạng ngày 28/10/2001. Thân tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thân, quê ở thôn Trung Hà, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội. Thân cao, gầy, da đen tái, dáng người lòng khòng nên có biệt danh là Thân "rau muống". Học hết lớp 7, Thân đã bỏ làng đi phiêu bạt khắp nơi kiếm sống theo các bè buôn gỗ khắp các tỉnh dọc sông Đà như Hòa Bình, Sơn La…
Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam (Ảnh chụp lại từ hồ sơ lưu trữ của Công an TP Hà Nội). |
Năm 1992, sau khi tham gia vào một vụ giết người tại Mộc Châu, bị Công an tỉnh Sơn La truy nã, Thân chạy về quê sống một thời gian sau đó lại tìm đường ra Hà Nội. Do không có trình độ học vấn, cũng chả có nghề nghiệp gì nên Thân cứ sống lang thang, ai thuê gì làm nấy: khi thì làm phụ hồ, lúc chở đất đá thuê… Đầu năm 1995, Thân được thuê đào đường chôn dây điện thoại ở khu vực phường Hạ Đình, Thanh Xuân.
Đêm 24/4/1995, trong khi đánh bạc cùng tốp công nhân làm đường tại quán nước nhà anh Tâm, thường gọi là Tâm "còng" ở phố Hạ Đình, do mâu thuẫn, Thân cùng đồng bọn đã đâm chết anh Tâm và đâm bị thương một thanh niên khác.
Sau khi gây án, Thân bỏ trốn vào miền Nam và dù đã bị Công an TP Hà Nội phát lệnh truy nã nhưng vốn khôn ngoan, lọc lõi nên Thân đã tạo được cho mình một vỏ bọc khá an toàn tại tỉnh Bình Phước. Với cái tên mới là Nguyễn Thành Đa, Thân đã đăng ký tạm trú được một cách hợp pháp tại ấp 2 Minh Lập, Bình Long. Thân còn cất được một ngôi nhà nhỏ và vợ Thân là Nguyễn Thị L. từ quê cũng đã tìm vào đây sinh sống cùng Thân với cái tên mới là Nguyễn Thị Nhung. Thân sống bằng nghề bốc gỗ thuê cho các chủ buôn bè gỗ.
Nhưng chỉ ở đây được 3 năm thì với bản chất hung hãn, Thân lại tiếp tục đâm chết một người nữa. Đêm 8/11/1998, trong khi bốc gỗ thuê ở Trảng Hoa Lư, xã Lộc Hóa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Thân đã đâm chết anh Đường, một người cùng làm và đâm bị thương một người khác chỉ vì anh này xông vào can ngăn.
Vậy là, chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 1992 đến năm 1998), Nguyễn Văn Thân đã tham gia vào 3 vụ giết người (một ở Sơn La, một ở Hà Nội và một ở Bình Phước), trong đó có 2 vụ y là thủ phạm chính. Chính vì bản chất côn đồ, hung hãn, đã gây ra quá nhiều tội ác như vậy nên trong phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Thân vào tháng 2/2000, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt y mức án cao nhất: Tử hình.
Ngay sau khi bị tuyên án tử, Nguyễn Văn Thân bị đưa vào giam tại buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ở Hỏa Lò mới, mỗi buồng biệt giam như vậy được thiết kế để giam 2 phạm nhân với 2 bệ xi măng đặt song song theo chiều dài buồng giam. Vào thời điểm trước khi vụ trốn tù này xảy ra, Trại Hỏa Lò mới thường cho 2 phạm nhân tử hình ở chung một buồng.
Buồng biệt giam số 3 K3, vì thế, ngoài Thân còn có Nguyễn Hải Nam tức Nam "cu chính" nữa. Nam người Hà Nội, nhà ở xóm Dân Chủ, phường Văn Miếu, một địa bàn khá phức tạp gần khu vực ga Hà Nội, nơi mà nói đến, người ta thường vẫn đùa là "gần ga - xa trường học".
Khi bị tuyên án tử hình, Nam mới 28 tuổi, thua Thân chẵn chục tuổi, chưa có vợ con và thuộc diện "tiền án nhiều hơn tiền mặt" với 5 tiền án cả thảy. Nguyễn Hải Nam bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình vì tội đã đánh chết một phạm nhân ở buồng giam chung 6A với lý do vô cùng tàn độc: khi Nam yêu cầu phạm nhân này phải nằm xuống sàn để cho Nam đánh nhưng anh ta không chịu nằm mà lại đòi ngồi để chịu đòn. Thế là tức mắt, Nam đánh chết.
Sau này, trong tất cả các lời khai của mình, Nam đều khai rằng, Nam không hề biết ý định vượt ngục đã được hình thành trong Thân từ khi nào. Nam vào buồng biệt giam sau Thân mấy tháng và khi vào đây thì Nam thấy Thân đã chuẩn bị khá nhiều dụng cụ để mài cùm và cưa cửa. Như một chiếc dũa được tạo bởi 10 bánh xe bật lửa buộc ghép lại với nhau, dao lam, mẩu gạch men vỡ có mặt dưới là xi măng cát vàng để tạo độ ma sát, một mẩu gương nhỏ để có thể nhìn thấy người đến gần buồng giam… Thân rủ Nam cùng trốn và Nam, tất nhiên là đồng ý.
Sau chừng hơn 3 tháng, với bộ dụng cụ nói trên, Thân và Nam đã mài cùm vẹt đến mức có thể rút được chân ra, đã cưa được 1 lỗ hổng đủ chui qua ở cửa thông gió và 2 song sắt ở cửa sổ tường rào của buồng giam. Các công cụ hỗ trợ khác cho việc vượt tường rào phía ngoài buồng biệt giam cũng được chúng chuẩn bị đầy đủ như dây thừng (được tết từ các túi nilon đồ tiếp tế), chăn chiên, sắt chữ T (được cưa ra từ chính lỗ thông hơi). Cuối tháng 10-2001, coi như mọi việc đã chuẩn bị xong, cả hai ngồi bó gối chờ đến thời điểm thuận lợi là… bùng.
Và, cơ hội ấy đã đến khi vào chiều ngày 27, Hà Nội đột ngột chuyển gió mùa đông bắc, đến đêm thì mưa to. Trong buồng biệt giam, dù qua nhiều lần cửa, cách biệt với bên ngoài nhưng Thân và Nam đều nhận biết rất rõ sự biến chuyển bất ngờ ấy của thời tiết bởi những cơn gió lạnh luồn vào khe cửa và bởi mưa quất ràn rạt giữa đêm thanh vắng.
Kiên nhẫn chờ đợi đến khoảng gần 2 giờ sáng, thời điểm mọi người say giấc nhất, Thân và Nam mới bùng cùng mớ dụng cụ mà chúng đã chuẩn bị sẵn. Cho đến khoảng 5 giờ sáng thì cả hai thoát được ra đến đường 70 thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.
Cũng vào thời điểm này, lệnh báo động toàn trại đã được phát đi và các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội bắt đầu một chiến dịch truy lùng với quy mô lớn chưa từng thấy. Thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc Công an TP Hà Nội lúc bây giờ là tổng chỉ huy.
Khoảng 500 CBCS đã được huy động, trong đó có nguyên cả Trung đoàn Cảnh sát cơ động. 60 đầu xe để chở quân được sử dụng hết công suất. Tất cả các tuyến đường thủy, đường bộ, đường không, cửa khẩu có nghi vấn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Công an TP Hà Nội đã cố gắng đến mức cao nhất để bắt lại hai kẻ tử tù này trong thời gian ngắn nhất, khi mà chúng còn chưa kịp trở tay để gây thêm một tội ác nào nữa.
Lưới trời lồng lộng...
Hơn 300 mối quan hệ của 2 kẻ trốn trại từ Hà Nội, Hà Tây đến Phú Thọ, Sơn La, Bình Phước… đã được các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội lần lại. Toàn bộ cuộc trốn chạy của chúng cũng được dựng lại bởi những lực lượng trinh sát giỏi nghiệp vụ và dày dạn kinh nghiệm.
Cũng bởi vậy mà 17 ngày sau khi hai tử tù bị bắt lại thì những lời khai của chúng gần như hoàn toàn phù hợp với hành trình trốn chạy do Ban chuyên án phán đoán lúc đầu. Đó là sau khi ra khỏi trại, cả hai mình mẩy ướt sũng vì phải bơi qua con hào bảo vệ và qua ao bèo của Trại, chúng cứ thế chạy bộ trên đường 70.
Bên trong đống thân cây dâu này là hầm bí mật của Nguyễn Văn Thân. |
Anh Vinh, một người dân địa phương, lúc đó vừa hết ca trông đêm ở hồ cá, đạp xe về nhà, thấy hai người bị rét, không biết đó là tù trốn trại nên thương, đồng ý cho một người đi nhờ xe. Người đó, theo như anh Vinh tả là cao, gầy, lòng khòng (sau này xác định là Thân), còn người kia trẻ hơn, nhỏ con hơn (sau này xác định là Nam) thì chạy bộ ở phía sau.
Đến ngã tư Canh thì Thân thôi không đi nhờ nữa và cả hai thuê một chiếc xe ôm. Người lái xe ôm cũng đã được các trinh sát tìm ra. Anh khai, họ thuê anh chở đến một ngôi nhà cách chợ Nhổn khoảng 20 mét. Họ vào đấy một lúc rồi quay ra trả anh tiền xe ôm.
Chủ nhân của ngôi nhà này, cũng được tìm ra. Đó là Hà, một chiến hữu của Nam. Sau khi cho Thân và Nam tiền xe ôm, Hà còn đưa cho 2 chiến hữu thêm 200 nghìn đồng nữa và lấy xe máy chở tiếp về quê Thân. Về quê, Thân vào nhà một người bạn học cũ xin tiền, quần áo rồi tiếp tục sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc để trốn.
Tại Yên Lạc, được sự trợ giúp của một số người quen, Thân được đưa bằng thuyền quay lại quê, đào một chiếc hầm ở phía trong một chiếc chòi nơi bãi bồi giữa sông để ẩn náu.
Nhưng chỉ trốn được ít ngày thì thấy động vì trên bến, dưới thuyền, chỗ nào ở vùng này cũng bị vòng vây truy lùng của công an khép chặt. Lúng túng như chuột chạy trong ống, cả hai chui vào bãi ngô Trung Châu nhưng rồi bãi ngô cũng bị kiểm soát. Thế là đành phải chui ra, lao bừa ra bờ sông và bị lạc nhau. Nam, vốn không thuộc thông thổ ở đây nên rơi ngay vào điểm tuần tra của công an và bị bắt tại trận dù đã đội nón sùm sụp giả làm người chăn vịt.
Còn Thân thì bơi thuyền sang được đất Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tại đây, Thân được Đắng, một người họ hàng xa cưu mang. Hàng ngày, Thân chui vào bãi dâu để trốn, đêm mới dám mò về nhà Đắng lấy cơm ăn nước uống. Hôm nào nhà tắt đèn là dấu hiệu an toàn còn nếu đèn sáng có nghĩa là nguy hiểm, đang bị công an "soi".
Cảnh giác, gian ngoan là vậy nhưng Thân không thể ngờ, hắn cũng không thể thoát khỏi tầm mắt của các trinh sát. Đại tá Thanh Hùng -Trưởng phòng Truy nã tội phạm - khi ấy đang là Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - cùng đồng đội của anh đã có căn cứ để phán đoán rằng sau khi trốn thoát khỏi bãi ngô Trung Châu, nhiều khả năng Thân sẽ quay lại nhà Đắng. Bởi vì, khi mới trốn trại, Thân đã kéo Nam mò đến đây. Nhưng hôm ấy Đắng đi vắng chỉ gặp vợ Đắng ở nhà và vợ Đắng đã từ chối chứa chấp.
Thế là, một tốp trinh sát hình sự vác mì tôm, nước uống, chăn chiếu đến ngủ ở… ngay cạnh nhà Đắng. Quả nhiên, kể từ đó, nhà Đắng không bao giờ dám tắt đèn và Thân đương nhiên phải nằm lì trong bãi dâu với cái bụng rỗng.
Sáng 13/11, vòng vây ở khu vực xã Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc đã khép chặt. Trong đó, điểm được ém nhiều trinh sát hình sự nhất chính là bãi dâu. Cũng cần phải nói thêm rằng, khu vực này gọi là "bãi dâu" nhưng không phải chỗ trồng dâu mà chỉ là điểm tập kết thân dâu trong sân kho hợp tác xã. Thân đã khéo léo tạo ra một chiếc hầm bằng cách khoét ra một góc của bãi dâu đủ một người chui vào được và nằm lì ở trong đó suốt cả ngày, đợi khi đêm xuống mới mò vào nhà Đắng lấy đồ tiếp tế.
Cho đến trưa ngày 11/3 thì lực lượng truy bắt đã xác định được chắc chắn khu vực có hầm trong cả bãi dâu khá lớn. Trong khi mặt vẫn nghếch ra cửa hầm quan sát động tĩnh thì Thân bất ngờ bị một trinh sát hình sự bò vào hầm từ phía sau kéo tuột chân ra ngoài. Mãi đến khi bị đưa về Phòng Cảnh sát Hình sự rồi mà Thân vẫn không hiểu vì sao mà các trinh sát hình sự lại tìm ra cái cửa hầm tối mật ấy…
Hôm ấy là ngày thứ 17 kể từ khi vụ trốn tù đầu tiên ở Hỏa Lò mới xảy ra. Chiến dịch truy lùng tử tù trốn trại của Công an Hà Nội kết thúc.
Về phần Thân và Nam, đã từng có những ngày sống trong xà lim cùng nhau rồi trốn chui trốn lủi cùng nhau, hai năm sau ngày mài cùm vượt ngục, rạng sáng ngày 14/10/2003, cả hai lại "đi" cùng nhau thêm một lần nữa. Lần này là lần trả án. Nghe kể, trong cái khoảnh khắc gần kề với cái chết, khi được ăn bữa ăn cuối cùng, Thân vẫn còn lưu luyến dặn dò Nam: "Trên này mày là em anh, xuống đó anh vẫn nhận mày là em nhưng phải sống tử tế nhé".
Nam nghe, chỉ cười và cắm cúi ngồi viết thư cho gia đình. Bức thư cuối cùng trước khi về với đất…
Đ.H (ANTG)