Những chi tiết lý thú liên quan đến các vị vua nước Việt dưới đây chỉ là một số trong vô vàn những điều đó, dù không thể đầy đủ, bao quát hết những phần nào giúp mọi người biết thêm, hiểu rõ hơn về họ.
Mai Hắc Đế từng một mình đánh hổ
Nhắc tới chuyện đánh hổ, mọi người thường nghĩ ngay đến Võ Tòng, một hảo hán Lương Sơn Bạc trong tác phẩm Thuỷ Hử bên Tàu mà không biết rằng ở Việt Nam ta, nơi “hào kiệt đời nào cũng có” thì chuyện đánh hổ không phải là hiếm. Nếu như chuyện đánh hổ của Bố Cái đại vương Phùng Hưng được lưu truyền rộng rãi từ bao đời nay thì chuyện đánh hổ cứu mẹ của Mai Hắc Đế lại ít người được biết.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, ông là người thứ 2 trong lịch sử nước ta xưng đế sau khi lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đường. Thuở nhỏ, một lần Mai Thúc Loan cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi.
Cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến dang tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ tuy bị chém đòn thí mạng phải buông mồi nhưng vẫn nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan nhanh nhẹn tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp một nhát, con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vệt máu từ vết thương lớn trên người.
Người mẹ thoát khỏi nanh vuốt của hổ nhưng vì vết thương trên cổ quá nặng nên đã qua đời, Mai Thúc Loan trước đã mồ côi cha nay mất cả mẹ, may mắn là một người bạn của cha tên là Đinh Thế đã cưu mang, nuôi dạy ông, đến khi Mai Thúc Loan trưởng thành đã gả con gái là Đinh Thị Ngọc Tô. Chính người vợ này và gia đình bà đã giúp đỡ Mai Thúc Loan rất nhiều trong việc chuẩn bị lực lượng dấy cờ khởi nghĩa.
Dương Bình Vương có tới …3.000 người anh em
Dương Bình Vương tên thật là Dương Tam Kha, quê ở quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất Ái châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá), là con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Nam Hán xâm lược, giành độc lập cho đất nước năm Tân Mão (931).
Dương Tam Kha lên làm vua đầu năm Ất Tị (945) sau khi cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập, ở ngai báu được hơn 5 năm thì bị lật đổ, sau về ở ẩn. Ít ai biết rằng ngoài anh chị em ruột, vị vua này có tới 3000 người anh em khác, đó là vì cha của ông là Dương Đình Nghệ “nuôi con nuôi 3000 người, mưu khôi phục cơ đồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Có thể thấy việc nhận con nuôi của Dương Đình Nghệ, trong đó có nhiều người là nghĩa sĩ, thủ lĩnh, thổ hào ở các địa phương chính là phương cách nhằm gắn kết tình cảm, tăng cường sự đoàn kết chống giặc. Cũng vì điều đặc biệt này mà con của ông là Bình vương Dương Tam Kha, nếu tính cả anh chị em ruột gồm Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Thị Ngọc Thư (vợ Ngô Quyền) và Dương Thị Ngọc Vân thì vị vua họ Dương có đến 3.004 anh chị em.
Lê Đại Hành - Vị vua đầu tiên đặt lệ mừng sinh nhật
Vị vua sáng lập nhà Tiền Lê tên húy là Lê Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) ở Ái Châu (nay thuộc Thanh Hoá); tháng 7 năm Canh Thìn (980) ông được triều thần tôn lên ngôi thay cho vua nhà Đinh lúc bấy giờ là Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi. Lê Đại Hành ở ngôi 25 năm (980 - 1005), mất tháng 3 năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi.
Thời phong kiến, sinh nhật vua được coi là một ngày lễ lớn thường được gọi là Khánh tiết hay Đại khánh… Trong ngày này triều đình và dân chúng tổ chức nhiều hoặt động vui chơi để mừng vua thêm tuổi mới. Vào năm Ất Dậu (985) niên hiệu Thiên Phúc thứ 6, vua Lê Đại Hành đã trở thành vị vua đầu tiên trong lịch sử tổ chức lễ sinh nhật.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng đoạn chép nói trên còn cho thấy có thể đó là những mầm mống đầu tiên của môn nghệ thuật rối nước sau này.
Lý Thái Tổ có đến…9 bà Hoàng hậu
Thái Tổ Lý Công Uẩn, vị hoàng đế sáng lập vương triều Lý có một “kỷ lục” mà không một vị vua nào trong lịch sử Việt Nam có thể phá được. Ông chính vua lập nhiều hoàng hậu nhất, sau khi lên ngôi vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lý Thái Tổ đã cho lập 6 hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ |
Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa là hậu Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu. (Ở đây sử chép 2 lần về Lập Giáo hoàng hậu, theo sách Việt sử thông giám cương mục ghi: "Điều này chắc sử có lầm, tạm chép lại đó chờ tra cứu thêm").
Trong số các bà hoàng hậu của Lý Thái Tổ, có một người là con gái của vua Lê Đại Hành (theo dã sử bà tên là Phương Hoa, mẹ đẻ chính là bà Dương Vân Nga), đây là điều ít người được biết. Bà Hoàng hậu này đã sinh con trai trưởng cho vua, đặt tên là Lý Phật Mã (sau này kế vị ngôi báu, trở thành vị hoàng đế thứ 2 của nhà Lý, đó là Lý Thái Tông).
Lý Thái Tông có tôn hiệu dài kỷ lục
Là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trong 26 năm ở trên ngôi báu, Lý Thái Tông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.
Lý Thái Tông còn là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là: Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế. Tất cả có 50 chữ.
Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) Lý Thái Tông lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ. Như vậy tôn hiệu của vị vua này có tổng cộng 66 chữ.
Lý Anh Tông, hoàng đế đầu tiên đi tuần biển Đông
Trái với nhiều quốc gia lân bang cùng thời kỳ chỉ quan tâm đến lãnh thổ trên đất liền, các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt chú trọng đến biển, không chỉ nhằm khai thác hải sản và các nguồn lợi khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền trên các hải đảo. Thậm chí có vị vua còn trực tiếp đi tuần thú ra biển để xem xét và người đầu tiên thực hiện việc đó là Lý Anh Tông, hoàng đế thứ 6 của triều Lý.
Sử chép rằng, vào tháng 11 năm Tân Tị (1161) vua sai Thái úy Tô Hiến Thành “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên bờ cõi xa” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm Tân Mão (1171) “vua đi tuần ra cù lao ngoài biển, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của nhân dân và đường đi xa gần thế nào”; tháng 2 năm Nhâm Thìn (1172) “vua lại đi tuần ra cù lao ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Qua các lần đi này, vua Lý Anh Tông đã soạn một cuốn sách lấy tên là “Nam Bắc phiên giới đề”. Có thể thấy ông là vị lãnh đạo quốc gia đầu tiên của nước ta ngoài việc quan tâm đến việc giữ gìn biên cương trên bộ còn chú ý đến cả vùng hải đảo nên sách có đánh giá rằng “về mặt giữ dân, giữ nước, việc làm đáng khen” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ai là người hai lần làm vua?
Nhiều người lầm tưởng rằng Lê Thần Tông là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm vua 2 lần nhưng thực ra không phải. Nếu theo truyền thuyết và cuốn Hùng triều ngọc phả thì vua Hùng đời thứ 18 (Hùng Duệ Vương) là người đầu tiên hai lần làm vua, ông ở ngôi một thời gian thì truyền cho con cả là Hùng Kinh Vương nhưng mới được 6 năm thì Hùng Kinh Vương mất, các con trai khác đều mất sớm nên Hùng Duệ Vương lại một lần nữa làm vua, sau này ông truyền ngôi lại cho cháu họ xa là Thục Phán (An Dương Vương).
Còn xét theo chính sử thì Lý Huệ Tông cũng hai lần làm vua, lần thứ nhất là khi cha ông là Lý Cao Tông theo lời gièm pha của nịnh thần đã giết oan tướng tướng Phạm Bỉnh Di năm Kỷ Tỵ (1209), thuộc hạ của viên tướng này do Quách Bốc cầm đầu đã đem quân làm loạn khiến Lý Cao Tông cùng triều đình, tôn thất bỏ Thăng Long đi chạy loạn. Hoàng thái tử Lý Hạo Sảm chạy đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình); nghe tiếng con gái của Trần Lý một nhân vật có thế lực trong vùng là Trần Thị Dung có nhan sắc, bèn lấy làm vợ.
Trần Lý vốn xuất thân làm nghề đánh cá, sau trở nên giàu có, người quanh vùng theo phục, tự xây dựng lực lượng riêng, nhân có Thái tử đến bèn dựa vào gây thanh thế. Thái tử sau khi lấy con gái của Trần Lý liền phong cho ông tước Minh Tự, phong em vợ Trần Lý là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ, Phạm Ngu làm Thượng phẩm phụng ngự. Mấy người này chiêu tập binh mã dưới danh nghĩa giúp Thái tử Sảm rồi lập ông làm vua, lấy tôn xưng là Thắng Vương. Biết tin con mình tự ý xưng vương, lập triều đình riêng và phong tước tùy tiện nên Lý Cao Tông rất tức giận định sai quân đi đánh ý định không thành.
Sau khi loạn Quách Bốc bị dẹp, Lý Cao Tông về lại Thăng Long, chuyện tự xưng vương trước đó vua không xét tới nên thái tử thoát tội, khi vua mất, Lý Hạo Sảm lên kế vị ngôi báu (tức Lý Huệ Tông). Như vậy Lý Huệ Tông làm vua lần thứ nhất chỉ xưng vương, lần thứ hai thì xưng là hoàng đế.
Trần Thái Tông đoán dúng ngày giờ mình chết
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) Trần Thái Tông băng hà, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó một năm vị vua khai sáng vương triều Trần đã đoán trúng thời điểm mình sẽ qua đời, khi ấy ông đã rời ngôi báu để làm Thái Thượng hoàng được 18 năm:
“Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh. Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ Nguyệt, trên hòm có một cái kim, một chiếc lược".
Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ "nguyệt" (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ "sơ" là chiếc lược, đồng âm với "sơ" là xa tức là sẽ xa rời các ngươi". Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết".
Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Đến nay quả như vậy”.
Trần Nhân Tông, người đầu tiên viết sách về cuộc chiến chống Nguyên Mông
Vua Trần Nhân Tông, tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, lên ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278) trở thành vị vua thứ 3 của nhà Trần, được đánh giá là người có tư chất thông minh, hiếu học, thông mọi kinh sử, lịch số, binh pháp....
Trong thời gian ở ngôi, Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288) của triều Nguyên Mông. Sau khi thắng trận chính vua đã viết cuốn sách Trung hưng thực lục gồm 2 quyển ghi chép lại việc bình giặc Nguyên giữ nước. Đây được coi là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc chiến chống Nguyên Mông của chính người trong cuộc.
Sách Sử kí tiền biên in vào thời Tây Sơn có đoạn cho biết: “Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Trung Hưng thứ năm (1289), định rõ các công thần [trong trận đuổi quân Nguyên] lần lượt trước sau, những người nào có kỳ công, xông lên trước phá trận, đã có ghi ở sách Trung hưng thực lục, lại sai vẽ tượng cả những người ấy”.
Sau này một số tác phẩm viết vào thời Lê cũng mang tên là Trung Hưng thực lục nhưng nội dung viết về các cuộc chiến thời Lê, chẳng như việc đánh họ Mạc phục hưng nhà Lê…
Hồ Qúy Ly xưng là Hoàng đế khi còn chưa lên ngôi
Trong kế hoạch từng bước cướp ngôi của nhà Trần, tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Qúy Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Án mới hơn 2 tuổi, rồi lại ép vua đi tu theo đạo Lão.
Thái tử lên ngôi ngày 15 tháng 3 nhưng còn quá nhỏ nên sử sách sau này thường gọi là Trần Thiếu Đế. Từ đó toàn bộ chuyện quốc gia đại sự đều do Hồ Qúy Ly quyết, ông tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương nhưng trên các văn bản ban lệnh thì đề là Trung thư thượng thư sảnh phụng nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ.
Tháng 3 năm Canh Thìn (1400) Hồ Qúy Ly cướp ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, lập ra triều Hồ và lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Thế nhưng vào tháng 6 năm Kỷ Mão (1399) ông đã xưng đế, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 6, Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng đế, mặc áo màu bồ hoàng (màu vàng như nhị hoa xương bồ - TG), ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thiên tử, dùng 12 chiếc lọng vàng”.
Giản Định Đế bị bắt làm Thái thượng hoàng
Thái thường hoàng là ngôi vị mang nghĩa "vua bề trên". Danh hiệu này được dùng từ khi người đó nhường ngôi vua cho con trai, cháu trai, hoặc em trai, cho đến khi qua đời. Tuy nhiên trong lịch sử nước ta, cũng có một số trường hợp tuy không làm vua nhưng vẫn được tôn làm Thái thượng hoàng như Sùng Hiền hầu thời Lý, Trần Thừa thời Trần… Chế độ Thái thường hoàng có từ thời Lý, trải qua các triều Trần, Hồ, Hậu Trần, Mạc, Lê Trung Hưng có tổng cộng 17 người ở trên ngôi vị này, trong số đó có duy nhất trường hợp của Giản Định Đế là bị bắt phải làm Thái thượng hoàng.
Giản Định đế tên húy là Trần Ngỗi, còn có tên khác là Trần Qũy, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần, được dựng lên trong thời kỳ đầu chống ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Vì vua giết oan oan trung thần nên con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều căm giận mới đem quân về Thanh Hóa rước cháu của Giản Định đế là Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang.
Để thống nhất lực lượng kháng chiến, vua Trùng Quang đế sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An vào ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (1409), “tôn lên làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự kiện này cũng được sách sử phương Bắc chép, sách Nguyên sử viết: “Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái Thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang”.
Mặc dù bị bắt làm Thái thượng hoàng nhưng Giản Định đế cũng không có phản ứng gì tiêu cực mà vẫn hăng hái đánh giặc cho đến khi bị chúng bắt được vào tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409) đưa về phương Bắc giết hại. Giản Định đế là vị Thái Thượng hoàng duy nhất của thời Hậu Trần và là Thái Thượng hoàng ở ngôi ngắn nhất tronng lịch sử (gần 4 tháng).
Lê Thái Tổ ẩn sau bà bán nước
Ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí có ảnh hưởng đến thời cuộc của đất nước trong một giai đoạn lịch sử, nên người cả người cứu và người được cứu đều không tị hiềm bởi những quan niệm phong kiến nặng nề. Đó là câu chuyện liên quan đến Lê Lợi, vị hoàng đế khai sáng triều Hậu Lê.
Thời còn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của quân xâm lược, có lần bị thua trận, binh tướng tan tác hết, chỉ còn một mình, Lê Lợi bị giặc Minh đuổi theo ráo riết. Chạy đến bờ đê ven một ngôi làng bên bờ sông Mã, ông thấy có một quán nước liền vào hỏi thăm đường và nói rõ tình cảnh của mình, cụ bà bán nước biết tình thế rất nguy mới nói rõ mọi ngả đường quanh đó đều bị quân giặc án ngữ cả, không còn lối thoát.
Bà nói, nếu không tị hiềm gì thì chỉ còn cách để ông ngồi núp sau lưng mình rồi trùm váy lên che kín, nhờ vậy mà giặc Minh đi qua không nghi ngờ gì, bà cụ còn chỉ hướng sai cho chúng đuổi bắt trong vô vọng.
Sau này, khi sự nghiệp đã thành, nhớ ơn bà cụ bán nước, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã đón về Thăng Long phụng dưỡng, tôn làm Quốc mẫu. Khi bà mất, vua cho làm lễ tang trọng thể và xây ngôi đền thờ phụng gọi là đền Quốc mẫu; ngôi đền này nay vẫn còn ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Theo dã sử địa phương, bà cụ tên thật là Hà Thị Diệu Cai, quê ở thôn Quan Nội (nay thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá).
Lê Uy Mục tổ chức khoa thi toán đông kỷ lục
Trong nền khoa cử phong kiến, ngoài các khoa thi Nho học được coi là chủ đạo, các triều đại còn tổ chức một số khoa thi khác về lĩnh vực tôn giáo, y dược… và đặc biệt là thi toán. Môn toán được đưa vào thi lần đầu tiên vào năm Đinh Tị (1077) đời Lý Nhân Tông. Kể từ đó, mặc dù không được tổ chức thường xuyên nhưng các kỳ thi toán cũng đã diễn ra trong thời gian cai trị của một số vua đời Lý, Trần, Hồ và Lê…
“Kỷ lục” của một khoa thi toán đã được lập dưới thời vua Lê Uy Mục vào năm Bính Dần (1506): “Mùa đông, tháng 12, ngày 12, vua sai Thượng thư bộ Binh là Nguyễn Quang Mỹ, Đô cấp sự trung lại khoa Nguyễn Tĩnh, Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Qùy làm Đề điệu, Giám thí, Giám khảo để thi các quân sắc và nhân dân bằng thư toán (viết và phép tính) ở sân điện Giảng Võ. Người dự thi đến hơn 3 vạn người, lấy đỗ bọn Nguyễn Tử Kỳ 1.519 người” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cũng viết về kỳ thi toán đông người tham dự nhất, lấy đỗ nhiều người nhất như sau: “Thi khảo quân và dân bằng phép viết và phép tính ở sân điện Giảng Võ số người dự hơn 3 vạn, lấy 1519 người, phúc hạch 144 người, lấy 25 người trúng cách bổ vào hoa văn học sinh”.
“Kỷ lục” này, có lẽ cho đến ngày nay cả trong nước và trên thế giới khó có cuộc thi nào phá được.
- PV