Lê Hoàn (Lê Đại Hành) là vị vua lập nhà Tiền Lê. Sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết: "Vua đánh đâu thắng đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy".
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Đại Hành có tên húy là Lê Hoàn. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005. Ông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức 10 tháng 8 năm 941). Về quê hương Lê Hoàn, cho đến nay các nhà sử học vẫn chưa đưa ra được kết luận nơi đâu trong ba nơi: Ninh Bình, Thanh Hóa hay Hà Nam là quê hương của ông.
Trong thời dẹp loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn đã sớm bộc lộ tài năng. Tuy nhiên do còn trẻ tuổi nên chức vụ của ông vẫn ở dưới các bạn thân thiết của tiên hoàng. Chỉ từ khi làm nhiếp chính, trực tiếp nắm vận mệnh đất nước, tài năng của ông mới được thi triển hết. Chẳng những các công thần khai quốc kỳ cựu của nhà Đinh mà ngay các tướng phương Bắc đều không phải đối thủ của ông. Dù đời sau có thể nhận định việc dẹp loạn của ông là hợp lẽ hay trái lẽ nhưng tài cầm quân thì không ai có thể phủ nhận.
Lê Đại Hành là một vị vua mà “sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng Sơn động hết chuyện làm phản”. Ông đã xây dựng kinh thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Ông còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh, tuyển lựa quân ngũ... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng. Ông là một vị vua có tài, dẹp nội loạn, khéo bang giao, giữ thể diện cho quốc gia không bị nước lớn chèn ép.
Lê Đại Hành làm vua tỏ rõ là một người chí công vô tư, vì việc chung chứ không vì thù oán riêng. Ông giết Phạm Hạp vì tội làm loạn nhưng lại trọng dụng em Hạp là Phạm Cự Lạng, dùng làm tướng, thăng tới chức Thái úy chỉ huy quân đội. Con của Nguyễn Bặc - một người cùng bị giết với Phạm Hạp - Nguyễn Đê cũng được cất nhắc làm quan võ nhà Tiền Lê. Lê Đại Hành vô tư tới mức không phòng ngừa rằng sau này chính Nguyễn Đê là người tham gia đưa Lý Công Uẩn lên ngôi thay nhà Tiền Lê.
Ngoài ra, các đại thần từng là bạn thân của tiên hoàng như Trịnh Tú, Lưu Cơ - hai người nằm trong bộ tứ “Điền, Bặc, Tú, Cơ” theo vua Đinh từ ngày hàn vi - cũng được Đại Hành trọng dụng, không vì lý do “cùng bè đảng” với Nguyễn Bặc và Đinh Điền mà kiếm cớ trừ khử hay sa thải.
Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương. Sứ thần Tống còn làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống. Phan Huy Chú đánh giá:
- Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thư rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài mà quốc thể được thêm tôn trọng làm cho người Bắc phải khuất phục.
Vua sử dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết. Có lần sứ Tống sang đòi vua quỳ nhận sắc phong của vua Tống, Đại Hành lấy cớ bị đau chân nên không quỳ. Sứ Tống không làm gì được. Để tránh việc đón tiếp sứ giả phiền hà, tốn kém, Lê Đại Hành còn đề nghị nước Tống từ lần sau hãy cử sứ giả đưa thư đến địa giới và báo tin, triều đình Hoa Lư sẽ sai người lên biên giới để nhận chiếu thư của vua Tống mà vua nhà Tống cũng phải chấp thuận.
Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhà vua còn bố trí sư Pháp Thuận giả làm người chở đò ra đón sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục đã trở thành giai thoại thú vị trong bang giao và văn học. Sau đó, khi về sứ quán Lý Giác đã làm một bài thư gửi tặng ngỏ ý “tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống” như lời Khuông Việt đại sư nói.
Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam.
Điều đáng khâm phục nữa ở Lê Hoàn là chính sách dùng người khoan dung, trọng tài năng không vì tình riêng khiến ông quy tụ được nhân tâm, củng cố sức mạnh trong nước, vượt qua được khó khăn trong thời buổi đất nước rối ren, lòng người dao động khi từ phía Nam và Bắc đều bị uy hiếp. Đó là điều không phải đời vua nào của Việt Nam cũng làm được. Và chính Lê Hoàn đã để lại cho hậu thế ngày nay cũng như mãi mãi về sau những bài học vô cùng quý giá về dựng nước và giữ nước.