WHO đánh giá chương trình tiêm chủng VN:Tất cả lại đều đúng?

15:47, Thứ hai 29/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Rất có thể sau khi WHO đánh giá chương trình tiêm chủng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận như mọi vấn đề đang nổi cộm hiện nay, tất cả đều đúng, nhưng kết quả vẫn sai.

Ngày 25/7, báo SGTT dẫn lời TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, tai biến sau khi chích ngừa viêm gan B tại Quảng Trị là chùm ca phản ứng rất hy hữu, chưa từng có trong gần 30 năm qua của công tác tiêm chủng. Điều tra ban đầu với những tư liệu thu thập và đặc biệt có khám nghiệm tử thi có kết luận đây là chùm phản ứng sau tiêm chủng có sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.

TS Bình cũng thừa nhận, đây chỉ là sơ bộ kết luận, bộ Y tế cũng cảm thấy chưa thoả mãn. Chính vì vậy, bộ đã cùng với cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục kiểm tra vắcxin để xem tính an toàn của vắcxin như thế nào.
 
Về ca tai biến tại Bình Thuận, TS Bình cho hay, hội đồng đánh giá tai biến vắcxin của tỉnh Bình Thuận khẳng định đây là trường hợp đột tử chưa rõ nguyên nhân. Bởi sau khi tiêm, trẻ đã có những thời gian ăn, ngủ, chơi bình thường, không có những biểu hiện của sốc vắcxin.

 

TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, tai biến sau khi chích ngừa viêm gan B tại Quảng Trị là chùm ca phản ứng rất hy hữu. Ảnh: CTV
TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, tai biến sau khi chích ngừa viêm gan B tại Quảng Trị là chùm ca phản ứng rất hy hữu. Ảnh: CTV
 
Một loạt sự cố xảy ra cho trẻ sau khi tiêm vắcxin nhưng đều kết luận do sốc phản vệ khiến nhiều người nghi ngờ chất lượng vắcxin. TS Bình nói rằng bộ Y tế đang rất cố gắng để làm rõ những câu hỏi này. Những vấn đề về tai biến mà có nghi liên quan đến chất lượng của vắcxin trong tiêm chủng mở rộng, ngoài việc kiểm định lại ở các phòng thí nghiệm trong nước thì cũng đã gửi các mẫu xét nghiệm tới các phòng thí nghiệm quốc tế do WHO chỉ định hoặc do bộ Y tế độc lập gửi đi. Kết quả, các phòng thí nghiệm đó trả lời vắcxin vẫn đủ điều kiện tiêm cho trẻ.
 
Trong khi đó, trả lời phóng viên báo SGTT, người phát ngôn của WHO khẳng định, Việt Nam có một chương trình tiêm chủng tốt. Tính an toàn của vắcxin viêm gan B và các vắcxin khác được đánh giá liên tục thông qua việc kiểm tra dữ liệu thường xuyên từ những sự cố “tác dụng ngược” theo sau hệ thống báo cáo tiêm chủng và các hệ thống giám sát khác. 
 
Tính an toàn của vắcxin viêm gan B liên tục được nghiên cứu từ khi chúng được sử dụng lần đầu tiên. Có những tác dụng phụ thông thường của vắcxin như đau ở chỗ tiêm, hay bị sốt kéo dài dưới một ngày… Vắcxin viêm gan B, giống như tất cả các vắc xin khác, có thể gây ra dị ứng ngắn. “Tỷ lệ sự cố sau tiêm chủng xảy ra ở Việt Nam đúng là trong phạm vi tỷ lệ mà chúng tôi sẽ nghiên cứu”, người này nói.
 
WHO đang liên lạc với Chương trình tiêm chủng ở Việt Nam, đang theo dõi các thông tin trên truyền thông, và giám sát tình hình chặt chẽ. Theo quy trình tiêu chuẩn, bộ Y tế Việt Nam cần tổ chức một cuộc điều tra ngay lập tức. Cuộc điều tra này sẽ kiểm tra các khía cạnh, bao gồm sức khoẻ của các em, các điều kiện của bệnh viện, bản thân vắcxin cũng như là thực tiễn việc tiêm chủng. WHO cũng sẽ nghiên cứu báo cáo chi tiết sớm nhất khi có.
 
Phát biểu của người phát ngôn WHO cùng với kết luận của Bộ y tế dường như đã gián tiếp ghi nhận hiện tượng mọi công đoạn đều đúng chuẩn mà trẻ em vẫn tử vong đang khiến các nhà quản lý, nhà chuyên môn rất đau đầu.
 
Điều này càng được chứng minh khi trước đó, dư luận đã vô cùng xôn xao về chất lượng của vắcxin Quinvaxem do số ca tử vong cao sau khi tiêm liên tục tăng. Thống kê các vụ tiêm vắcxin  Quinvaxem  từ năm 2010 đến nay cho thấy trong số 43 trường hợp xảy ra sự cố nặng có 27 trường hợp tử vong. Nửa đầu năm 2013 đã có 5 trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem. 
 
Chính vì vậy, bộ Y tế đã nhờ WHO kiểm tra vắcxin. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm chuyên gia các ca tử vong đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin. Đoàn chuyên gia đã nhận định không có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến tính an toàn của vắcxin và kỹ thuật tiêm chủng vì các bằng chứng lâm sàng không cho thấy cơ chế bệnh lý chung đối với các trường hợp này.
 
Cũng theo kết quả cuộc họp Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng họp ngày 12/6 tại Geneva (Thụy Sỹ) gồm hơn 30 chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắcxin Quinvaxem trong đó có Việt Nam và nhận định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan đến sử dụng vắcxin. Ủy ban kết luận: “VắcxinQuinvaxem được WHO tiền thẩm định và khẳng định là an toàn, hiệu quả và đạt chất lượng”.
 
Và vì thế, rất có thể sau khi WHO đánh giá chương trình tiêm chủng nói chung và hoạt động tiêm vắcxin viêm gan B nói riêng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận giống như mọi vấn đề đang nổi cộm hiện nay, tất cả đều đúng, nhưng kết quả vẫn sai.
  • (Tổng hợp từ SGTT, GĐ&XH)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc