Xã hội cười, 'người rừng' khóc sau cuộc giải cứu đặc biệt

07:51, Chủ nhật 18/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau cuộc giải cứu người rừng, có thể nói cả xã hội đang cười rất tươi còn bản thân những người rừng lại đang khóc.

Trong suốt những ngày vừa qua, sự kiện "giải cứu" hai cha con "người rừng" là ông Hồ Văn Thanh và con trai là anh Hồ Văn Lang trở về với cuộc sống cộng đồng sau 40 năm sống trong rừng kể từ khi chiến tranh trở thành tâm điểm của dư luận. Thậm chí, sự kiện này còn được trang tin thường nhật hàng đầu thế giới Daily Mail đăng tải. Cuộc "giải cứu" ngoạn mục này dường như đã đem lại niềm vui cho cả xã hội.

Có lẽ, người vui mừng đầu tiên chính là những người có công tìm ra và đưa hai cha con người rừng trở về với xã hội. Người cha đang ốm nằm trên võng và dường như không thể có phản ứng gì trong khi người con trai có vẻ sợ sệt và phải có người đi bên cạnh để tránh chạy trốn. Và khi đã về chốn đông người, người con trai vẫn giữ sự sợ sệt và nhút nhát còn người cha 82 tuổi dường như bất lực vì tuổi tác khi bị đưa ra khỏi cuộc sống mà ông đã lựa chọn cho mình. Có hề chi, ai cần quan tâm tới cảm giác của "người rừng" chứ? Những người đã "có công" đem hai người rừng ra khỏi tự nhiên về hòa nhập với cộng đồng tưởng rằng, họ hoàn toàn có quyền tự hào với tấm lòng nhân đạo của mình? Cuộc cưỡng bức văn minh trống giong cờ mở, còn ánh mắt "người rừng" đâu có đáng bận tâm.

Người rừng khóc còn xã hội cười trong cuộc

Những người phát hiện, "giải cứu" và phụ trách cuộc giải cứu ngoạn mục hẳn nhiên còn vui mừng hơn vì việc làm của họ được gần như cả xã hội tung hô như một hành động anh hùng, đầy nghĩa hiệp và thậm chí lên cả báo chí nước ngoài. Đấy, rõ chưa, đâu phải họ tự khen mình. Chỉ có điều, nào ai biết cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên như thời nguyên thủy và cái xã hội vật chất kim tiền hiện nay, cái nào tốt đẹp hơn với cha con "người rừng".

Những người vui mừng không kém hẳn nhiên là người nhà, những người thân xa cách suốt gần nửa thế kỉ của hai cha con ông Hồ Văn Thanh. Niềm vui đoàn tự, gặp lại người thân hẳn nhiên là điều dễ hiểu. Họ cũng làm những gì mình cho là tốt để giúp đỡ hai cha con như điều trị cho ông Hồ Văn Thanh ở bệnh viện, cho con trai Hồ Văn... hòa nhập với cộng đồng như dùng điện thoại, hút thuộc, đi dạo bằng xe máy... những thứ mà anh chưa từng biết đến hay thậm chí là nhìn thấy dù chỉ một lần trước đó.

Vậy nhưng, một số người thân mà đặc biệt là cháu ruột của người rừng còn có niềm vui đem về một khoản thu nhập không nhỏ khi đưa ra những mức không nhỏ so với thu nhập ngày thường của họ, để các nhà báo quay phim, phỏng vấn hay ghi hình của hai cha con. Tình thương đã bị mang đi "buôn bán". Vẫn chẳng ai để ý ánh mắt "người rừng".

Những nhà từ thiện cũng rất vui mừng khi họ có cơ hội được thể hiện tấm lòng của mình với hàng trăm triệu đồng tiền ủng hộ và được cả xã hội khen ngợi vì hành đọng trượng nghĩa này. Số tiền này được dùng để xây nhà, để giúp đỡ cuộc sống của hai cha con "người rừng" dù họ cũng không biết đến đồng tiền là gì cũng như giá trị của nó và chỉ mong được về với cuộc sống tự nhiên.

Và hẳn nhiên, không thể thiếu cánh nhà báo, những người phải gọi là rất vui mừng với sự kiện trên. Họ vui cũng phải thôi vì chính họ là người đưa thông tin về sự kiện đặc biệt này tỉ mẩn  tới từng chi tiết. Miếng bánh làm bằng vàng từ sự kiện hai cha con người rừng đã được truyền thông khai thác triệt để. Thậm chí cả chuyện những người nghèo miền núi, nhân sự kiện này, muốn cải thiện thêm thu nhập cũng bị đưa lên báo không chút thiện chí nào. Vì họ phải trả tiền để được lên nhà "người rừng", mà với cương vị người đưa tin cho xã hội, họ tưởng rằng, người ta phải mời họ mới phải.

Chẳng quá khi nói rằng, sự kiện "giải cứu" người rừng sau 40 năm ở ẩn khiến cho cả xã hội vui mừng như mở hội. Còn "người rừng" thì khóc.

Trong suốt cuộc hành trình trở lại với xã hội bên ngoài, ông Hồ Văn Thanh không giấu khỏi ảnh mắt sợ hãi và một sự miễn cưỡng ngày trở về sau 40 năm kể từ cái ngày kinh hoàng trong chiến tranh. Và trong những ngày điều trị, ông vẫn mong muốn được về lại rừng cũng như luôn lo sợ trước mọi thứ xung quanh.

Người con trai hơn bốn mươi tuổi của ông, anh Hồ Văn Lang cũng không phải ngoại lệ. Dù thích thú với việc hút thuốc, nghịch điện thoại nhưng khát khao của anh vẫn là trở về với cuộc sống trước kia chứ không phải ở giữa cái xã hội đang vui mừng cực độ này.

Thế nhưng, ngày trở về trong mơ ước của hai cha con người rừng có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra vì cuộc "giải cứu" mà tất cả cho là cao quý, nhân đạo này theo họ đã có cái kết hạnh phúc vậy việc gì phải thay đổi! Và căn nhà lá của ông cũng bị cháu trai đốt đi. Và hiện tại, cả hai cha con "người rừng" đều đang nằm viện điều trị.

Thế đấy, cả xã hội cười còn "người rừng" khóc trong cuộc "giải cứu" có một không hai này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc