Thảm sát ở Bình Phước: Viết thế khác gì cầm dao đâm người!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chỉ vì thoả mãn tính hiếu kỳ của số đông, một số tờ báo đã “tr.uy s.át” đến cùng người thân của những nghi can.

Sáng nay, bất ngờ tôi nhận được điện thoại của một luật sư khá thành danh ở TP Hồ Chí Minh, mời đi cà phê sáng. Chưa kịp hỏi tôi uống gì, anh cau có, rút từ trong túi một bài báo và bảo: Chị đọc đi, viết thế này khác gì cầm dao đâm người ta. Nhà báo hỏi cứ như công an hỏi cung vậy.

Để công bằng và khách quan, tôi xin được trích lại những câu hỏi của nhà báo với mẹ của nghi can Vũ Văn Tiến, để bạn đọc cùng ngẫm:

“Tối qua đến giờ khi bị công an bắt, sức khỏe của Tiến có tốt không?”; “ Tiến ăn uống thế nào?’; “Lúc đó bà có nghĩ con mình phạm tội không?”; “Sau khi xảy ra vụ án, là người mẹ, bà có linh cảm gì không hay có cảm nhận bất thường từ phía con trai mình không?”; “ Ngày xảy ra án mạng, cô có nhớ giờ giấc cụ thể của Tiến không?”; “Thu nhập của Tiến thế nào?”; “Tính tình của Tiến thế nào?”; “Sau khi án mạng xảy ra, bà để ý thấy Tiến có muốn tâm sự gì không?”...

Và chợt tôi thấy rợn người khi đọc đến câu hỏi: “Bà nói là vụ thảm sát bà có biết, có đọc tin tức hàng ngày. Nhưng khi hay tin con mình dính líu vào đó, tâm trạng bà ra sao?” Một câu hỏi không khác gì cầm dao đâm vào trái tim của người mẹ đang sống mà như chết.

Mô tả ảnh.
Người thân của nạn nhân và hung thủ đã đủ đau lắm rồi.

Báo chí đã tạm thôi viết về vụ thảm sát, đã tạm quên hai nghi can mà bắt đầu khai thác vào gia đình của hai nghi phạm. Hình ảnh, bài báo viết về tâm trạng của bố mẹ hai nghi phạm đã nhan nhản trên phương tiện truyền thông.

Dư luận đã “đã cơn khát” thông tin về vụ thảm sát man rợ và bắt đầu rơi vào cảm giác “thấy sợ”, “thấy ghê” khi báo chí đưa tin, bố của nghi phạm Nguyễn Văn Tiến đã tự tử nhưng không thành, mẹ của nghi phạm Nguyễn Hải Dương có ý định quyên sinh.

Là bố, mẹ họ đã đau lắm rồi, tủi nhục lắm rồi, báo chí nỡ nào mà lại cố khoét sâu vào nỗi đau đã tận cùng ấy, để rồi có những bài báo mà nội dung chỉ để giài tỏa sự hiếu kỳ của số đông? Người cầm bút đã bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ các nghi can để mà cảm thông, chia sẻ. Dẫu sao các nghi can cũng là núm ruột, là giọt máu của họ.

Bé Na mới 18 tháng tuổi, tội tình gì mà cũng đã trở thành tâm điểm khai thác của báo giới. Bé là con của ông bà Mỹ hay của con gái - nạn nhân Ánh Linh với nghi phạm Hải Dương cũng đã được “giăng” lên mặt báo. Thậm chí, phóng viên còn suy diễn “Hải Dương không giết bé Na vì đó là con. Tài sản khổng lồ của gia đình sẽ được bé Na thừa kế, Hải Dương sẽ làm thủ tục truy nhận con?”

Xin được tạm gọi đó là sự “truy sát” tận cùng của báo giới với những người vô tội. Sự truy sát ấy đã đem lại điều gì cho bạn đọc. Một nhà báo chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Xã hội đang chạy đua theo sự hiếu kỳ vô cảm. Được share nhiều nhất trong 24 giờ qua, không khác gì hơn, chính là những bức ảnh nghi phạm và nạn nhân từng được dán trên tường facebook của kẻ vừa bị bắt…khi chủ nhân của chúng còn được xem là lương thiện, trong vài năm những bức ảnh chỉ nhận được vài like, vào comments. Khi lộ hình quỷ dữ, hàng ngàn lượt share chỉ trong hơn chục giờ đồng hồ. Bộ mặt của cái ác có sự hút ghê gớm! Sự hiếu kỳ đang dẫn tương lai chạy đua về hướng dã man”.

9X giết sáu người, lỗi do đâu?
Hai nghi can trong vụ thảm sát sáu người tại Bình Phước đều sinh năm 1991. Người dân cả nước bàng hoàng vì hai nghi can này còn quá trẻ, thế hệ 9X.

Nhà báo Đức Hiển đã viết: “Nếu chúng ta tự hỏi lòng mình có lỗi gì không thì đa phần sẽ tự trả lời rằng, mình đau xót, ngậm ngùi cho nạn nhân, mình căm phẫm cho tội ác, làm sao có lỗi. Tôi thì nghĩ có! Lỗi ấy nằm trong ta khi mải miết lần giở tin tức về tội ác, khi chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin máu me chỉ để thỏa hiếu kỳ. Lỗi ấy nằm trong anh nhà báo khi khai thác kiệt cùng nhân thân nạn nhân để phục vụ cho sự hiếu kỳ. Lỗi ấy trong mỗi chúng ta khi thích chứng kiến, nghe ngóng và ít đi sự đấu tranh, tẩy chay thông tin về tội ác. Khi sự hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm không được bản thân nhìn thấy, cũng không bị ai nhắc nhở, lâu dần tạo thành xu thế, cuốn những đứa trẻ hôm qua thành sát thủ ngày mai…”

Nên nhớ, Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến cũng mới cũng chỉ là nghi can của vụ thảm sát, có là hung thủ giết người hay không thì phải chờ phán quyết của tòa án. Việc quyết định con người có tội hay không và việc của tòa án chứ không phải báo chí và mạng xã hội. Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bán án kết tội đã có hiệu lực pháp luật.

Xin đừng ai cho mình được giành quyền phán quyết buộc tội người khác thay pháp luật.

Thảm sát ở Bình Phước: Tận cùng sự dã man
Xã hội hóa ra vẫn còn những con quỷ đội lốt người, chúng vẫn nhởn nhơn đâu đó quanh ta đôi khi với những vỏ bọc hào nhoáng khác.
Theo:  khoevadep.com.vn copy link